Mặc dù là đoạn xương dài và chắc nhất cơ thể nhưng xương đùi vẫn có khả năng bị gãy. Nguyên nhân nào có thể gây nên vấn đề này? Đâu là cách điều trị hiệu quả? Gãy xương đùi bao lâu thì lành? Câu trả lời nằm trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Gãy xương đùi là gì?
Xương đùi là xương dài và chắc, khỏe nhất trong cơ thể. Tuy nhiên, đoạn xương này vẫn có khả năng bị gãy nếu trực tiếp chịu tác động từ một lực lớn.
Tùy theo vị trí và mô hình gãy xương cũng như tình trạng thương tổn của các mô mềm (da, cơ, dây chằng…) xung quanh, gãy xương đùi được phân loại thành nhiều nhóm gồm:
- Gãy xương ngang (vết gãy xuyên qua trục xương đùi)
- Gãy xương xiên (vết gãy chạy dọc theo trục xương)
- Gãy xương xoắn ốc (đường đứt gãy bao quanh trục xương)
- Gãy xương nhiều mảnh (số lượng mảnh xương gãy được tìm thấy nhiều hơn ba)
- Gãy xương kín (da còn nguyên vẹn)
- Gãy xương hở (mảnh xương gãy chọc thủng qua da)
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương đùi là gì?
Xương bị gãy thường gây đau nghiêm trọng ngay lập tức. Bạn không thể đứng bên chân bị thương. Chân có thể bị biến dạng, co ngắn hơn chân kia và không còn thẳng nữa. Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức khi bạn có các triệu chứng gãy xương đùi.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra gãy xương đùi?
Gãy thân xương đùi ở người trẻ thường do một số loại va chạm rất mạnh. Nguyên nhân phổ biến nhất của gãy xương đùi là tai nạn xe hay rơi từ trên cao xuống, vết thương do đạn bắn.
Một sự cố với lực nhẹ hơn như ngã từ tư thế đứng có thể gây ra rạn vỡ xương đùi ở người lớn tuổi bị yếu xương.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương đùi?
Trước tiên, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi về bối cảnh chấn thương cũng như bệnh sử của người bệnh, chẳng hạn như:
- Quá trình chân bị thương
- Bệnh nền (cao huyết áp, tiểu đường, hen suyễn hoặc dị ứng…)
- Những loại thuốc bạn đang dùng
Tiếp theo, các chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra và đánh giá các dấu hiệu bất thường (đùi hoặc chân biến dạng, nứt da, các vết bầm tím hoặc mảnh xương xuyên thủng qua da…). Sau đó, người bệnh có thể làm thêm một số thủ thuật xét nghiệm hình ảnh như chụp CT hoặc chụp X-quang.
Dựa vào các kết quả thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chẩn đoán cuối cùng cũng như hướng điều trị hiệu quả, phù hợp.
Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương đùi?
Hiện nay, bạn có nhiều lựa chọn trong việc điều trị gãy xương ở đùi. Trong đó, phổ biến nhất là:
- Điều trị bảo tồn: gồm nắn bó bột hoặc kéo liên tục, chủ yếu dành cho những trường hợp như:
- Người cao tuổi
- Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi
- Nứt, rạn xương hoặc gãy xương kín
- Người bệnh không đạt tiêu chuẩn phẫu thuật (bệnh nền, sốc…)
- Điều trị phẫu thuật: thường dành cho các trường hợp:
- Người trưởng thành và trẻ lớn hơn 12 tuổi
- Điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả như mong đợi
- Các mảnh xương gãy dịch chuyển quá nhiều, không đúng vị trí
Gãy xương đùi bao lâu thì lành?
Thông thường, thời gian để xương hồi phục là từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, các chi dưới có thể mất thời gian lâu hơn do phải chịu trọng lượng của cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí gãy xương mà thời gian bình phục sẽ khác nhau. Tốt nhất bạn nên tái khám thường xuyên để biết tiến độ phục hồi của xương và biết khi nào mình có thể tập đi.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Gãy xương đùi nên ăn gì để mau lành?
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để giúp xương nhanh hồi phục. Bạn nên thiết kế chế độ ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo và bột đường. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung nhiều vi chất cần thiết cho quá trình hình thành xương như: kẽm, canxi, magie, axit folic, vitamin B12…
- Canxi có trong cải bắp, trứng, sữa, hải sản…
- Magie có trong chuối, rau xanh, cá trích, cá thu, sản phẩm từ sữa…
- Kẽm có trong cá biển, hải sản, hạt hướng dương, hạt bí ngô, ngũ cốc…
- Axit folic có trong chuối, đậu, rau xanh, cam quýt.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.