Tác dụng của dụng cụ bảo vệ hàm
Dụng cụ bảo vệ hàm giúp giảm tác động của các lực từ bên ngoài tác động như những cú đấm hay những cú va chạm trong lúc chơi thể thao. Trái lại, nếu không được bảo vệ, những ngoại lực này có thể làm cho răng bị gãy, hàm bị chấn thương hay thậm chí là những tổn thương rách môi, lưỡi hay rách các mô mềm vùng mặt. Dụng cụ bảo vệ hàm cũng có thể làm giảm tỉ lệ và mức độ trầm trọng các chấn thương trong lúc chơi thể thao gây ra.
Khi tham gia vào các tổ chức thể thao hay các hoạt động giải trí khác, việc hiểu biết cách phòng tránh chấn thương rất quan trọng. Khi đề cập tới việc bảo vệ miệng trong lúc chơi thể thao, một dụng cụ bảo vệ hàm được xem là một phần không thể thiếu đối với các vận động viên từ khi bước chân vào nghề. Trên thực tế, một vận động viên có nguy cơ bị chấn thương răng gấp 60 lần nếu vận động viên đó không sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm khi chơi thể thao.
Dụng cụ bảo vệ hàm thường được sử dụng nhiều nhất trong các môn thể thao tiếp xúc (contact sports) chẳng hạn như quyền anh (đấm bốc, boxing), bóng đá (football), khúc côn cầu (hockey) và bóng vợt (l acrosse). Tuy nhiên, các kết quả cho thấy ngay cả những môn thể thao không tiếp xúc (noncontact sports) như bóng rổ (basketball), thể dục dụng cụ (gymnastics) hay trượt ván (skateboarding), nó cũng giúp tránh những chấn thương lên hàm và miệng trong lúc chơi thể thao.
Có 3 loại dụng cụ bảo vệ hàm
- Loại dụng cụ làm sẵn;
- Dụng cụ hàm nhiệt tự khít theo dạng của miệng (mouth-formed “boil-and-bite”);
- Loại dụng cụ thiết kế theo ý được thực hiện bởi nha sĩ (custom mouthguard).
Tiêu chí chọn lựa
- Có độ đàn hồi và chống rách;
- Khít sát và thoải mái khi đeo;
- Dễ dàng làm vệ sinh;
- Không hạn chế nói và thở.
Bạn hay con cái của bạn có thể nhờ nha sĩ làm giúp một dụng cụ bảo vệ hàm. Dụng cụ này giúp bảo vệ hàm rất tốt, và rất thoải mái khi đeo. Vì bạn có thể phải tốn hàng chục triệu đồng tiền Việt Nam khi điều trị những chấn thương do chơi thể thao gây ra, nên đeo một dụng cụ bảo vệ thiết kế theo ý khi chơi thể thao là rất đáng giá. Trong khi một dụng cụ hàm thiết kế theo ý được các nha sĩ cân nhắc xem cái nào là mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất, thì đối với những bệnh nhân không thể làm được dụng cụ hàm thiết kế theo ý (do giá thành cao), thì họ nên bàn bạc lại với các nha sĩ để chọn những dụng cụ thích hợp
Hình: Một dụng cụ bảo vệ hàm thiết kế theo ý, do nha sĩ thực hiện.
Bảo quản dụng cụ bảo vệ hàm
- Rửa sạch trước và sau khi sử dụng hoặc chà sạch với bàn chải răng và kem đánh răng;
- Thỉnh thoảng làm sạch dụng cụ trong nước xà phòng lạnh và rửa sạch hoàn toàn;
- Sử dụng hộp chứa cứng chắc và có lỗ thông để đựng và mang theo dụng cụ bảo vệ hàm;
- Không để dụng cụ dưới ánh sáng trực tiếp của mặt trời hay trong nước nóng;
- Kiểm tra định kỳ và thay thế khi cần thiết.
Sử dụng hiệu quả dụng cụ bảo vệ hàm
Để có được lợi ích tốt nhất từ việc đeo dụng cụ bảo vệ hàm, bạn nên:
- Không được mang khí cụ tháo lắp, như khí cụ giữ răng trong chỉnh hình, cùng lúc khi đeo dụng cụ bảo vệ hàm;
- Đeo dụng cụ bảo vệ hàm thiết kế khít sát theo ý (custom-fitted mouthguard) nếu bạn đang mang mắc cài chỉnh nha hay bạn bị hô xương hàm (xương hàm nhô ra trước nhiều), hoặc cằm lẹm hoặc bị khe hở hàm ếch;
- Không ăn nhai khi đang đeo dụng cụ hoặc cắt nhỏ dụng cụ;
- Mang dụng cụ bảo vệ hàm trong các buổi tập luyện cũng như trong lúc chơi thể thao;
- Lên lịch khám sức khỏe răng miệng và kiểm tra đều đặn trước mỗi mùa thi đấu;
- Mang dụng cụ bảo vệ hàm mỗi khi đến nha sĩ.
Tài liệu tham khảo
http://www.ada.org/sections/scienceAndResearch/pdfs/patient_69.pdf