Hiện nay, phương pháp gây tê tủy sống đang được sử dụng rộng rãi trong các ca phẫu thuật tiết niệu, sản phụ khoa… Tuy nhiên, do tác dụng phụ của gây tê tủy sống khá nguy hiểm nên bệnh nhân cần phải được kiểm tra kỹ càng trước khi sử dụng phương pháp này.
Phương pháp gây tê tủy sống được sử dụng lần đầu vào cuối những năm 1800. Nếu phương pháp gây tê tủy sống được dùng đúng cách và đúng liều lượng thì sẽ mang lại những lợi ích hỗ trợ hiệu quả khi thực hiện thủ thuật. Trong trường hợp ngược lại, gây tê tủy sống có thể gây ra các tác dụng phụ khó lường. Bạn hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu khả năng nguy hiểm mà tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể gây ra nhé!
Phương pháp gây tê tủy sống
Gây tê tủy sống là phương pháp gây tê vùng, được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào trong dịch não tủy ở vị trí giữa lưng. Thuốc tê hòa chung với dịch não tủy, sẽ ức chế có hồi phục dẫn truyền của các rễ thần kinh gây mất cảm giác và liệt vận động. Đây là phương pháp vô cảm cần những người có kinh nghiệm trong ngành và nắm vững các thao tác, nguyên tắc mới nên thực hiện.
Gây tê tủy sống là kỹ thuật cần sự hợp tác của người bệnh với bác sĩ. Trước quá trình thực hiện gây tê tủy sống, bạn có thể được cho sử dụng thuốc an thần. Đa số bệnh nhân sẽ tỉnh trong quá trình tiến hành thủ thuật. Bệnh nhân vẫn nghe, nhìn, thậm chí cảm giác đau khi chọc kim gây tê.
Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ cần thông báo các tình trạng và tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể xảy ra cho bệnh nhân để có sự hợp tác tốt của đôi bên. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, bạn hãy trao đổi ý kiến với bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Chỉ định gây tê tủy sống
Phương pháp gây tê tủy sống có thể được sử dụng trong các trường hợp:
- Phẫu thuật tiết niệu
- Phẫu thuật vùng bụng dưới
- Phẫu thuật sản phụ khoa
- Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
- Phẫu thuật cột sống vùng thắt lưng
Gây tê tủy sống thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp phẫu thuật các cơ quan từ vùng rốn trở xuống.
Chống chỉ định gây tê tủy sống
Trong một số trường hợp, gây tê tủy sống không được sử dụng do có các yếu tố gây nguy hiểm đến người bệnh.
Chống chỉ định tương đối
- Suy dinh dưỡng
- Viêm xương khớp
- Xơ mạch máu não
- Nhức đầu và đau cột sống
- Bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim
- Thiếu máu, huyết áp không ổn định
Chống chỉ định tuyệt đối
- Bệnh tim nặng
- Tăng áp lực nội sọ
- Dị ứng với thuốc tê
- Bệnh nhân không đồng ý
- Dị tật cột sống bất thường
- Nhiễm trùng tại vùng chọc dò
- Rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông
Bạn cần phải trao đổi cùng bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trên đây hoặc các triệu chứng bất thường khác. Việc này sẽ giúp bạn tránh những ảnh hưởng do tác dụng phụ của gây tê tủy sống mang lại.
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống
Hiểu rõ tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể giúp bạn kiểm soát được tình trạng và xử lý kịp thời.
• Nhiễm trùng: Việc không áp dụng nguyên tắc vô trùng tuyệt đối có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng như nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng màng não…
• Buồn nôn và nôn: Thông thường do tụt huyết áp gây thiếu dưỡng khí não, do thay đổi áp lực nội sọ hoặc tác dụng phụ của thuốc tê. Cách xử lý là làm tăng huyết áp bằng cách truyền dịch, thuốc làm tăng huyết áp hoặc sử dụng thuốc chống nôn.
• Bí tiểu: Do tác dụng phụ của thuốc tê làm tăng trương lực cơ thắt cổ bàng quang và ức chế đám rối cùng gây bí tiểu. Cách xử lý là chườm nóng, dùng thuốc trị bí tiểu hoặc đặt ống thông tiểu.
• Nhức đầu: Tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể gây nhức đầu sau khoảng 1–2 ngày. Do kim chọc thủng màng cứng và màng nhện, gây thoát dịch não tủy khiến nhức đầu. Cách xử lý là bệnh nhân cần nằm yên tại giường, bù dịch, dùng thuốc giảm đau, và bác sĩ cần dùng kim chọc cỡ nhỏ.
• Đau vùng chọc kim: Do trong quá trình thực hiện thủ thuật có thể vô tình làm tổn thương dây chằng hoặc mô dưới da. Cách xử lý là bác sĩ có thể sử dụng kim nhỏ hơn, tránh chọc nhiều lần, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau.
• Hệ hô hấp: Tác dụng phụ của gây tê tủy sống có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp qua các triệu chứng như giảm thở hoặc ngừng thở. Cách xử lý là cho bệnh nhân thở oxy, đặt khí quản hoặc thông khí nhân tạo.
• Hạ huyết áp: Đây là vấn đề thường gặp sau khi gây tê tủy sống. Do ức chế thần kinh giao cảm gây giãn mạch ngoại vi, máu bị giữ lại gây thiếu khối lượng tuần hoàn tương đối và giảm cung lượng tim. Cách xử lý là điều chỉnh tư thế bệnh nhân cho phù hợp, truyền dịch hoặc sử dụng thuốc co mạch nếu cần.
• Tê liệt toàn bộ: Đây là biến chứng nặng do bơm nhiều thuốc tê vào tủy sống hoặc thuốc tê liều cao. Các triệu chứng có thể gồm liệt toàn thân, ngừng thở, hạ huyết áp nặng và mất tri giác. Cách xử lý là hô hấp nhân tạo, truyền dịch, dùng thuốc tăng huyết áp và trợ tim. Thông thường đây là trường hợp cấp cứu có thể nguy hiểm tính mạng cần có phương tiện xử lý kịp thời.
• Hệ thần kinh: Tác dụng phụ của gây tê tủy sống gây tổn thương lên hệ thần kinh như tổn thương rễ thần kinh, đau đầu hoặc đau lưng. Điều này có thể do kim chứa thuốc tê chọc vào tổ chức thần kinh hoặc do các chất thuốc tiêm vào dịch não tủy gây ảnh hưởng. Các tổn thương này có thể tự phục hồi sau một khoảng thời gian hoặc có thể tổn thương vĩnh viễn nếu không được theo dõi điều trị.
Ngoài các cách xử lý trên để hạn chế tác dụng phụ của gây tê tủy sống, bạn có thể tập luyện thể thao nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu sau khi thực hiện thủ thuật.
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến cơ thể như hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch… Bạn hãy cùng bác sĩ thảo luận các tác dụng phụ có thể xảy ra, để tránh trường hợp nguy hiểm ngoài ý muốn trước khi lựa chọn phương pháp gây tê tủy sống.
Phương pháp gây tê tủy sống được nhiều bệnh nhân lựa chọn khi thực hiện các ca phẫu thuật nhờ vào những ưu điểm như giá thành hợp lý, giãn cơ tốt… Vì thế, bạn nên tìm hiểu rõ các tác dụng phụ của gây tê tủy sống để phối hợp cùng bác sĩ, lường trước được các nguy cơ và giúp quá trình thực hiện thủ thuật diễn ra thành công.
Hoàng Trí | HELLO BACSI