Stress do xung đột gia đình không chỉ phá hỏng không khí vui vẻ của ngày Tết mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Vậy những xung đột gia đình nào sẽ khiến bạn dễ bị stress?
Bạn đang cảm thấy mệt mỏi vì xung đột giữa các thành viên trong gia đình? Có thể bạn sẽ thoải mái hơn khi biết rằng bạn không đơn độc, xung đột gia đình phổ biến hơn bạn nghĩ!
Ngày Tết là dịp cả gia đình đoàn tụ và sum vầy bên nhau trong những bữa cơm đầm ấm. Con cái dù đi cách xa cả một đại dương cũng cố gắng dành dụm tiền để về quê ăn Tết với người thân. Thế nhưng, chúng ta lại rất dễ bị stress vì những xung đột gia đình trong những ngày tụ tập này. Cho dù đó là xung đột ầm ĩ trên bàn ăn hay cảm giác khó chịu lặng lẽ bên trong, xung đột gia đình cũng có thể khiến bạn không còn háo hức trở về nhà…
Hãy cùng xem bạn có đang gặp phải những xung đột ngày Tết sau đây không để có thể tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất trước thềm năm mới nhé!
1. Dọn dẹp nhà cửa
Khi dọn nhà đón Tết, bạn chẳng những cảm thấy mệt nhoài vì loay hoay suốt từ sáng đến tối mà còn dễ xung đột với người thân khi bất đồng ý kiến. Mỗi một người trong gia đình lại có suy nghĩ khác nhau về cách thu xếp đồ đạc, trang trí nhà cửa… Thậm chí, có người lại thảnh thơi lướt điện thoại trong khi người khác bận tối mặt!
Để tránh stress do xung đột gia đình ngày Tết, bạn nên huy động tất cả các thành viên làm những công việc phù hợp với sở trường của mình.
Mẹ và con gái thì có thể đi chợ, nấu ăn, cắm hoa… Bố và con trai có thể bưng bê đồ đạc, sửa chữa điện, lau cửa kính… Các bé còn nhỏ thì có thể gửi cho ông bà trông hộ để người lớn dọn dẹp nhà cửa.
2. Vợ chồng về quê ăn Tết
Cả một năm vất vả làm việc, các đôi vợ chồng lại phải đối mặt với xung đột gia đình khi muốn ở bên ngoại hay bên nội nhiều hơn. Theo tập tục của người Việt Nam, phụ nữ lấy chồng thì Tết phải về quê chồng nhiều hơn. Vì thế, nhiều phụ nữ cảm thấy bị stress khi phải hy sinh quá nhiều thời gian cho gia đình bên nội trong khi mình muốn ở bên ngoại nhiều hơn.
Thay vì châm ngòi cho các xung đột vợ chồng hay kiềm chế cơn giận, bạn nên tâm sự với chồng nỗi lòng của mình để cùng nhau tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong các cặp vợ chồng mà một người thường xuyên kìm nén sự tức giận có xu hướng chết trẻ hơn. Các cặp vợ chồng mà cả hai đều kìm nén sự tức giận có xu hướng có tuổi thọ thấp nhất.
3. Chuyện mẹ chồng nàng dâu
Các cô dâu trẻ thường bị ám ảnh bởi xung đột với mẹ chồng vì không hợp tính cách, quan điểm, lối sống… Mỗi ngày Tết đến, phụ nữ về nhà chồng là phải lao vô bếp nấu nướng, bưng bê dọn dẹp rồi lại rửa chén ngập mặt. Đã thế, mẹ chồng lại chẳng mấy khi vừa ý hoặc còn đòi hỏi con dâu phải ráng thích nghi với mình thay vì cả hai cùng điều chỉnh.
Mẹ chồng khó lòng mà yêu thương bạn như mẹ đẻ, nếu bạn bớt so sánh và suy nghĩ vị tha hơn một chút thì sẽ có thể tránh được xung đột.
Để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bạn cần tôn trọng và tránh gây tổn thương cho người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau người mà bạn yêu thương. Đừng bao giờ đẩy chồng phải lựa chọn bạn hoặc mẹ chồng mà hãy nhờ chồng giúp đỡ bạn giải quyết xung đột.
4. Tiền mua sắm chuẩn bị Tết
Nếu không có sự chuẩn bị sớm, bạn sẽ có nguy cơ bị stress vì một danh sách dài những thứ cần phải chi tiêu trong dịp Tết: quần áo mới, bánh kẹo, thực phẩm dự trữ, quà biếu, tiền lì xì… Không phải công ty nào cũng có lương tháng 13 hay thưởng Tết hậu hĩnh, thế nên nhiều người phải đối mặt với tình trạng “rỗng ví” ngay từ khi mới nhận lương.
Bạn có thể giảm thiểu tiền mua sắm Tết bằng cách chi tiêu thông minh, chỉ mua những gì thật sự thiết yếu và giảm bớt các khoản xa xỉ cho gia đình.
Bí quyết mua sắm Tết tiết kiệm chính là kế hoạch mua sắm chi tiết theo tình hình tài chính hiện tại chứ không theo cảm hứng. Bạn có thể cân nhắc những món quà tặng mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất cho người thân như bữa ăn ngon, nhà cửa sạch sẽ, thời gian trò chuyện…
5. Xung đột giữa cha mẹ và con cái
Mặc dù nhà là nơi để trở về, nhưng đôi lúc bạn vẫn cảm thấy “cô đơn” ngay trong chính căn nhà của mình. Bạn có thể mắc hội chứng trái tim tan vỡ hay bệnh cơ tim do stress (stress cardiomyopathy) được kích hoạt bởi tổn thương cảm xúc cực độ hoặc căng thẳng về thể chất, bao gồm cả bạo hành trong gia đình.
Nếu bạn có một mối quan hệ có xung đột và cảm giác bị từ chối lặp đi lặp lại, bạn cũng có thể trải qua nỗi đau thể xác.
Nghiên cứu về sự cách ly xã hội cho thấy nỗi đau của cảm giác cô đơn và sự từ chối xã hội được xử lý bởi cùng một khu vực của bộ não xử lý nỗi đau thể xác. Điều này giải thích tại sao cảm giác bị người thân từ chối thực sự có thể đau đớn về thể xác. Cơn đau này có thể bao gồm căng cơ dữ dội, chuột rút ở chân và đau lưng dưới.
6. Anh chị em trong nhà không hợp nhau
Nhiều anh chị em ngày bé rất yêu thương nhau, nhưng khi lập gia đình riêng thì tình cảm nhạt phai dần theo năm tháng. Thậm chí, xung đột gia đình có thể xảy ra khi anh chị em trong nhà tranh chấp về tài sản, bất đồng về cách phụng dưỡng cha mẹ… Bạn sẽ có nguy cơ bị stress khi anh chị em to tiếng, xô xát hoặc có sự ức chế trong lòng mà không giải quyết được.
Xung đột chưa được giải quyết vẫn có thể làm tổn thương bạn, nếu không thể bỏ qua thì bạn nên tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt.
Mối quan hệ trong đó con người “chưa bao giờ xung đột” không bình yên như vẻ ngoài. Thực tế, xung đột là không thể tránh khỏi và chúng ta cần học cách giải quyết một cách hiệu quả để thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn. Các mối quan hệ kiểm soát cơn giận và giấu kín bên trong sẽ trở thành những “xung đột ngầm” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
7. Đàn ông nhậu nhẹt trong mấy ngày Tết
Ngày Tết ở nông thôn Việt Nam, đàn ông thường nhậu nhẹt từ sáng đến tối trong khi phụ nữ bận rộn lo cơm nước, dọn dẹp… Xung đột gia đình sẽ xảy ra nếu các đấng mày râu say xỉn và gây chuyện to tiếng với nhau. Khi đó, không khí Tết chẳng những mất vui mà mọi người trong nhà còn bị tress vì những mối quan hệ bất hòa sau đó.
Bạn không thể ngăn cản các đấng mày râu không động đến rượu bia trong ngày Tết, song có thể khuyên chồng mình uống có chừng mực để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông do rượu bia, luật giao thông năm 2020 đã tăng mức phạt nồng độ cồn cho cả xe đạp, xe máy và ô tô. Mức phạt tiền cho xe đạp là 80.000 – 800.000 đồng, xe máy là 2 – 8 triệu đồng, xe ô tô là 6 – 40 triệu đồng. Bạn hãy nhắc nhở chồng những mức phạt này trước khi bước vào cuộc nhậu. Bạn cũng có thể làm nước giải rượu để giúp chồng cảm thấy dễ chịu hơn.
Những xung đột gia đình ngày Tết có thể được giảm thiểu nếu như bạn biết cách sắp xếp việc nhà và xử lý tình huống êm đẹp. Hãy để mọi stress bên ngoài cánh cửa khi trở về nhà, bạn sẽ tận hưởng một năm mới vạn sự như ý!
Thảo Viên | HELLO BACSI