Bạn thường hỏi “bác sĩ Google” vì không phải xếp hàng chờ đợi hay tốn bất kỳ một chi phí nào để được tư vấn sức khỏe. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng có thể chẩn đoán sai khiến bạn hoang mang hoặc điều trị không hiệu quả.
Có bao giờ bạn ngại phòng khám đông, tiền khám quá đắt hay quy trình khám bệnh rắc rối nên đành nhờ bác sĩ Google chẩn đoán giúp? Điều này có thể khiến bạn tự bắt bệnh và mua thuốc sai, thậm chí gây hại cho bản thân mà không hề biết đấy!
1. Bác sĩ Google có những chẩn đoán đáng sợ
Khi nhờ bác sĩ Google bắt bệnh, bạn có thể nhận được những chẩn đoán rất đáng sợ dù chỉ có một triệu chứng nhỏ. Một cơn ho cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm phổi. Một cơn đau đầu cũng có thể do bạn đã mắc chứng suy tuyến cận giáp, quai bị hoặc có khối trong u não. Những chẩn đoán này sẽ mang đến những lo lắng không đáng có và khiến tinh thần của bạn bị khủng hoảng.
2. Website tìm thấy trên Google không uy tín
Chất lượng và độ tin cậy của các trang web bạn tìm thấy trên Google không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Có rất nhiều trang web đưa thông tin sức khỏe chỉ để có nhiều độc giả và tăng lượt xem chứ không đặt nặng độ chính xác của thông tin. Thậm chí một số trang còn đưa thông tin không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được kiểm chứng.
Để tránh trường hợp đọc phải những trang web không uy tín, bạn nên tham khảo thông tin sức khỏe ở những trang tiếng Anh hoặc tiếng Việt có HONCode.
HONCode là chứng nhận do Health On the Net Foundation trao cho những trang web về sức khỏe có uy tín, chỉ đưa lời khuyên chứ không chẩn đoán thay bác sĩ và có nguồn thông tin rõ ràng.
Dấu HONCode này thường xuất hiện ở góc dưới của các trang web y tế. Một số trang web về sức khỏe tiếng Anh có HONCode bạn có thể tham khảo là WebMD, Healthline, Mayoclinic…
3. Bạn có thể bối rối vì những ý kiến trái chiều
Internet chứa vô số những ý kiến trái chiều về cách chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán bệnh hay bốc thuốc. Vậy nên khi nhờ bác sĩ Google bắt bệnh, bạn dễ bị choáng ngợp bởi hàng tá lời khuyên đối lập nhau. Vì thế, bạn sẽ càng thêm bối rối chứ không thể tìm ra cách chăm sóc đúng nhất cho bản thân.
4. Bạn có thể tự chẩn đoán sai cho bản thân
Khi kiểm tra các triệu chứng của mình với bác sĩ Google, bạn có thể nhận được kết quả sai. Quá trình chẩn đoán đòi hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn và đôi khi bạn phải làm một số xét nghiệm cũng như cần được theo dõi một thời gian mới nhận được chẩn đoán đúng.
Thói quen tìm kiếm thông tin hay làm một số bài kiểm tra theo bác sĩ Google không đảm bảo cho bạn một chẩn đoán đáng tin cậy.
5. Bác sĩ Google khiến bạn trì hoãn khám bệnh
Các triệu chứng phản ánh trong cơ thể bạn đang có chỗ không khỏe và cần được chăm sóc ngay. Nếu quyết định tin vào những chẩn đoán của bác sĩ Google, bạn có thể sẽ trì hoãn việc đi khám để tìm ra bệnh tình và nhận được sự chăm sóc hợp lý. Đôi khi, sự chậm trễ này có thể khiến bệnh tình chuyển biến sang giai đoạn nghiêm trọng và trở nên khó chữa.
6. Bác sĩ Google đưa ra một số lời khuyên sai
Khi không khỏe, bạn sẽ dễ mềm lòng nghe theo những lời khuyên không hợp lý hoặc những cách chữa bệnh tại nhà không có tác dụng trên mạng. Bạn có thể nghĩ rằng mình có thể chữa ung thư bằng trà thảo mộc hay mua thuốc không phù hợp với mình để uống.
Cách tự chữa bệnh ở nhà có thể khiến bạn gặp một số tác dụng phụ của thuốc hoặc dị ứng với một số loại thảo dược, tinh dầu hay thực phẩm.
7. Bác sĩ Google không được đào tạo về y khoa
Các bác sĩ phải trải qua 5 – 7 năm vừa học lý thuyết vừa thực hành để có thể khám bệnh và bốc thuốc đúng cách vì y học là một lĩnh vực rất khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người. Bác sĩ Google lại không có nền tảng kiến thức này nên có thể mắc nhiều sai lầm khi bắt bệnh và đưa ra lời khuyên về chăm sóc sức khỏe.
Khám bệnh với bác sĩ Google tuy tiện lợi, nhanh chóng nhưng không thể thay thế sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ chính thống. Nếu quá tin tưởng những gì mình đọc trên mạng, bạn có thể chữa bệnh sai cách hay thậm chí làm hại sức khỏe của bản thân.
Như Vũ | HELLO BACSI