Trào ngược dạ dày kiêng ăn gì là băn khoăn của nhiều người bệnh khi chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng rối loạn tiêu hóa gây giãn cơ thắt thực quản dưới (LES) – vùng cơ giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến cho axit từ dạ dày dễ dàng đi vào thực quản gây tổn thương niêm mạc, còn gọi là là chứng trào ngược axit. Nếu bạn bị trào ngược axit kéo dài hơn 2 lần/tuần thì có thể chẩn đoán đã mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày là ợ nóng. Đây là triệu chứng gây ra cảm giác khó chịu, nóng rát ở phía sau xương ức. Triệu chứng này có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm xuống hoặc cúi xuống và sau khi ăn xong. Triệu chứng trào ngược dạ dày phổ biến khác có thể xảy ra bao gồm:
- Hôi miệng, sâu răng
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Khó khăn hoặc đau khi nuốt
- Gặp vấn đề về đường hô hấp
Thói quen sống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh bao gồm:
- Hút thuốc
- Ăn quá nhiều trong một bữa
- Nằm xuống hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen
Tình trạng bệnh trào ngược có cải thiện hay không còn tùy thuộc vào việc lựa chọn thực phẩm trong chế độ ăn uống. Do đó, bạn cần biết được bệnh trào ngược dạ dày kiêng ăn gì để giảm khả năng gây tổn thương dạ dày.
Bạn hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu người bệnh trào ngược dạ dày kiêng ăn gì và thực phẩm tốt cho bệnh trào ngược dạ dày nhé!
Sau đây là 7 loại thực phẩm bạn nên kiêng khi mắc bệnh trào ngược dạ dày:
1. Chocolate
Chocolate là câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi trào ngược dạ dày kiêng ăn gì. Đây là loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao có khả năng làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, điều này có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới khiến axit dạ dày di chuyển lên thực quản và tiếp xúc với các mô nhạy cảm trong thời gian dài. Chocolate còn chứa caffeine, ca cao và các chất kích thích khác như theobromine có khả năng gây trào ngược.
Chocolate cũng chứa methylxanthine – một chất tự nhiên có tác dụng kích thích tim và thư giãn các mô cơ trơn. Methylxanthine có thể mang lại lợi ích, ví dụ như khi điều trị hen suyễn làm đường thở giãn, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, methylxanthine có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản dưới gây triệu chứng trào ngược khó chịu ở những người bị trào ngược axit thường xuyên.
2. Thức uống có ga
Thức uống có ga có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản và tăng độ axit của axit dịch vị – hai yếu tố nguy cơ gây chứng trào ngược dạ dày. Khí carbonic trong thức uống có ga sẽ làm tăng áp lực bên trong dạ dày góp phần gây trào ngược hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Nghiên cứu cho thấy thức uống có ga có khả năng gây ra chứng ợ nóng vào ban đêm – triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày. Một nghiên cứu khác còn cho biết những người tiêu thụ đồ uống có ga có nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược cao hơn đến 69%.
3. Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Đồ ăn nhiều dầu mỡ tuy mang lại cảm giác ngon miệng nhưng là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì, bệnh tim và trào ngược axit dạ dày. Thực phẩm chiên nhiều chất béo xấu có xu hướng ở lại trong dạ dày lâu hơn và cần nhiều axit hơn để tiêu hóa. Điều này sẽ làm chậm hệ thống tiêu hóa và làm nặng thêm các triệu chứng ợ nóng.
Việc từ bỏ thực phẩm chiên là điều khó khăn, vì hầu như ai cũng quen với thực phẩm chiên trong chế độ ăn uống hàng ngày. Do đó, bạn nên hạn chế chỉ nên ăn khoảng 1 lần/tuần.
Bạn có thể giảm dùng dầu mỡ bằng cách chế biến thức ăn theo phương pháp thay thế khác như hấp, nướng, rang…
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Phân loại chất béo tốt và chất béo xấu
4. Thức uống có cồn
Việc tiêu thụ quá nhiều thức uống có cồn có khả năng gây ra các vấn đề như:
- Kích thích và viêm dạ dày
- Suy yếu chức năng cơ thắt thực quản dưới
- Làm trầm trọng hơn các triệu chứng trào ngược bao gồm cả bệnh Barrett thực quản
Nếu bạn liên tục sử dụng thức uống có cồn, cơ thể sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon và suy nhược cơ thể. Do đó, bạn cần hạn chế tiêu thụ thức uống có cồn khi đang mắc phải chứng trào ngược dạ dày.
5. Đồ ăn cay nóng
Những đồ ăn cay nóng, đặc biệt là ớt, thường chứa một hợp chất gọi là capsaicin – chất gây kích thích lớp lót dạ dày. Chất này còn có thể làm chậm tốc độ tiêu hóa khiến thức ăn sẽ nằm trong dạ dày lâu hơn, gây ra triệu chứng ợ nóng của bệnh trào ngược.
Thực phẩm cay nóng có thể kích thích gây tăng tiết axit dịch vị nhiều hơn, tăng co bóp dạ dày và giãn co thắt thực quản dưới. Đây là những yếu tố gây ra chứng trào ngược dạ dày.
6. Thực phẩm nhiều muối
Thực phẩm nhiều muối là một lời giải cho câu hỏi trào ngược dạ dày kiêng ăn gì vì đây là thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ trào ngược. Nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối ít nhất 3 lần/tuần có nguy cơ trào ngược cao hơn 50% so với người không bao giờ ăn thực phẩm mặn. Thực phẩm nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày và tăng nguy cơ ung thư dạ dày do lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá hủy.
7. Trái cây có múi
Các loại trái cây họ cam quýt, như cam, bưởi, chanh, chanh, dứa… có tính axit cao có thể làm gia tăng axit dịch vị và kích thích triệu chứng trào ngược. Thói quen ăn khi bụng đói có thể làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày. Do đó, bạn nên tiêu thụ những thực phẩm này sau khi ăn xong. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn các loại trái cây có tính kiềm như táo và lê.
Khi biết bệnh trào ngược dạ dày kiêng gì, bạn cũng nên tìm hiểu các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe để góp phần điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Bên cạnh 7 lời giải đáp cho câu hỏi trào ngược dạ dày kiêng ăn gì, một số loại thực phẩm dưới đây có thể giúp bạn làm dịu triệu chứng trào ngược:
• Rau củ: Rau có ít chất béo và đường tự nhiên có thể giúp giảm axit dạ dày. Bạn có thể dùng đậu xanh, bông cải xanh, măng tây, súp lơ, rau xanh, khoai tây và dưa chuột.
• Gừng: Gừng có đặc tính chống viêm tự nhiên giúp hỗ trợ cho chứng ợ nóng và các vấn đề về đường tiêu hóa khác.
• Yến mạch: Bột yến mạch là một món ăn sáng hợp lý với nguồn cung cấp lượng lớn chất xơ. Bột yến mạch có thể hấp thụ axit trong dạ dày và giảm các triệu chứng trào ngược.
• Thịt gia cầm và hải sản: Các loại thịt gà, cá và hải sản có chứa ít chất béo và giảm triệu chứng trào ngược axit.
• Chất béo lành mạnh: Bạn nên dùng các loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như bơ, quả óc chó, hạt lanh, dầu ô liu, dầu mè và dầu hướng dương.
Những thông tin trên đây hy vọng có thể giúp bạn trả lời được câu hỏi trào ngược dạ dày kiêng ăn gì. Bạn nên kết hợp cả chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh cùng phác đồ điều trị của bác sĩ để sớm cải thiện bệnh nhé!
Hoàng Trí | HELLO BACSI