Cuộc sống bận rộn khiến nhiều bậc phụ huynh không có thời gian quan tâm đến con cái. Tuy nhiên, có 6 vấn đề hành vi nhỏ ở con mà bố mẹ không thể bỏ qua.
Nếu có con nhỏ, bạn có thấy rằng con thường có thói quen chen ngang khi bạn đang nói chuyện với người khác. Trẻ to tiếng với bạn hay đánh đấm bạn bè và nói dối. Bạn đã biết cách xử lý trong những tình huống này? Hãy để Chúng tôi mách bạn nhé!
1. Ngắt lời khi bạn nói chuyện
Con yêu thường tỏ ra hào hứng khi muốn kể chuyện cho bạn hay đặt câu hỏi về một vấn đề gì đó và sẵn sàng ngắt lời bạn hay chen ngang cuộc trò chuyện của bạn với người khác. Tiến sĩ tâm lý Jerry Wyckoff cho biết trẻ con nghĩ chúng có quyền thu hút sự chú ý của người khác và không thể chịu sự chờ đợi. Lúc này, bạn sẽ làm gì? Không làm gì và chú ý lắng nghe con nói? Đây không phải là cách hay.
Để giúp con hiểu rõ hơn về vấn đề này, khi bạn nói chuyện với ai hay thăm hỏi bạn bè, bạn có thể dặn dò con trước rằng: “Mẹ cần trò chuyện với bạn một chút, con ngồi chơi đồ chơi một lát nhé”. Nếu con kéo cánh tay khi bạn nói chuyện, bạn có thể đặt con ngồi lên ghế và ra hiệu im lặng đến khi bạn nói chuyện xong. Lâu dần, con nhận ra mình sẽ không được chú ý nếu con ngắt lời bạn.
2. Chơi thô lỗ với bạn
Bạn không nên bỏ qua khi thấy con đấm vào người hay xô đẩy bạn bè. Nếu không can thiệp, hành vi này sẽ trở thành thói quen khi con 8 tuổi. Bạn nên tìm cách xử lý hành vi này ngay lúc đó. Bạn có thể kéo con lại và nói: “Con đã làm bạn đau. Nếu bạn cũng đấm con như vậy con sẽ làm như thế nào?”.
Hãy nói cho con biết bất kỳ hành động nào gây hại người khác đều không được phép. Trước khi con bắt đầu chơi với ai, bạn nên nhắc nhở con không nên bắt nạt bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dạy cách kiểm soát cơn giận thay vì đánh bạn. Nếu con tiếp tục làm điều này, bạn sẽ phạt con bằng cách không chở đi chơi, không mua đồ chơi mà con yêu thích.
3. Giả vờ không nghe bạn nói
Bạn nói với con điều gì đó 3 lần nhưng con làm lơ, giống như không nghe lời bạn nói, chẳng hạn như dọn dẹp đồ chơi. Việc nhắc nhở con nhiều lần chỉ làm cho con ỷ lại và phụ thuộc vào bạn mà không tập trung vào việc mà bạn muốn con làm.
Để ngăn tình trạng này, bạn nên lập ra một vài nguyên tắc khi ở nhà và nhắc nhở con thường xuyên làm theo những điều này. Ví dụ, nếu bạn thấy con bật tivi mà không hỏi ý kiến của bạn, bạn có thể bảo con tắt tivi và nói rõ quy tắc để con có thể hiểu. Khi giao việc gì cho con, bạn hãy nhìn vào mắt để nói chuyện với con. Điều này giúp con tập trung nghe lời bạn nói và không thể làm lơ được.
4. Có thái độ nhỏ
Khi không hài lòng về việc gì, con thường liếc mắt hay to tiếng với bạn. Nếu bạn không quan tâm đến hành vi này ngay từ bây giờ và cho rằng đây là điều bình thường, khi lớn lên, con khó hòa hợp với bạn bè và giáo viên trong lớp.
Tốt nhất, bạn cần điều chỉnh hành vi này của con. Hãy nói với con: “Con liếc mắt như vậy là thể hiện con không thích những gì mẹ đang nói à?”. Điều này giúp trẻ nhận ra hành động của con là không đúng và cần điều chỉnh. Nếu trẻ cứ tiếp tục to tiếng như vậy, bạn có thể ngưng cuộc trò chuyện và bỏ đi. Sau đó, bạn nói với trẻ: “Mẹ không muốn nghe con nói với thái độ như vậy. Khi con đã sẵn sàng nói chuyện với thái độ bình thường, mẹ sẽ nghe”.
5. Giúp con cư xử tốt hơn
Con tự lấy đồ ăn hay bật đĩa DVD mà con thích. Điều này sẽ thuận tiện cho bạn. Tuy nhiên, bạn không để con tự kiểm soát mọi hoạt động mà không có sự hướng dẫn hay điều chỉnh. Ví dụ, đối với một đứa trẻ hai tuổi, việc con tự đến quầy hàng để lấy bánh có thể rất đáng yêu nhưng nếu một đứa trẻ 8 tuổi tự ý đi chơi với bạn mà không xin phép là không tốt.
Bạn nên đặt ra một số quy tắc ở nhà và thường xuyên nói chuyện với con hơn. Ví dụ: “Con phải xin phép mẹ khi muốn xem tivi, qua nhà bạn chơi…, vì mẹ muốn biết con đang làm gì và điều đó có tốt cho con không”.
6. Nói dối
Con nói với bạn rằng con đã dọn dẹp gối trên giường nhưng thật ra con chỉ lấy tấm chăn che lại. Con kể bạn của mình vừa mới đi đến công viên giải trí Disneyland nhưng sự thật bạn ấy còn chưa được đi máy bay thì làm sao có thể đến Disneyland. Điều quan trọng là con đã không trung thực với bạn. Lâu dần, trẻ có thể nói dối một cách tự động và học được rằng nếu nói dối trẻ sẽ tốt hơn, tránh được việc trẻ không muốn làm hoặc tránh gặp rắc rối nếu lỡ làm sai.
Khi bạn nhận ra con vừa nói dối, bạn có thể cùng con ngồi xuống và nói: “Mẹ có thể sẽ dẫn con đi Disneyland chơi vào một ngày nào đó, nhưng con đừng nói điều này với bạn khi con chưa đến đây nhé”. Hãy để cho con biết nếu con tiếp tục nói dối sẽ không còn ai tin con nữa.
Trông chừng những hành động của con và chắc rằng con đã thực hiện nó. Ví dụ, con nói với bạn rằng mình đã đánh răng trong khi con chưa làm, hãy bắt con quay trở lại phòng tắm và đánh răng. Ngoài ra, bạn có thể kể cho con nghe câu chuyện Cậu bé chăn cừu và chó sói. Điều này giúp bé hiệu rõ hơn hậu quả của việc nói dối sẽ như thế nào.