Bạn có bao giờ từng nghĩ rằng những thói quen tưởng chừng “vô tội” như lướt Facebook khi đi ngủ có thể phá hỏng mối quan hệ vợ chồng của bạn? Vâng, các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng có một vài hành động như thế có thể sẽ làm lụi tàn dần đời sống hôn nhân của bạn đấy.
Nói xấu lẫn nhau
Điều này có vẻ giống như những lời khuyên dành cho học sinh nhỉ? Nhưng sự thật thì, việc nói xấu về nửa kia của mình khi họ không có ở đó không phải là một niềm vui mà đó chính là một nỗi ám ảnh. Ngạc nhiên thay, trò nói xấu này lại là thói quen khá phổ biến. Và có thể cũng có rất nhiều người thường làm thế với bạn bè của mình.
Phụ nữ sẽ có thói quen này nếu họ thường xuyên tiếp xúc với những người có tính cách như vậy. Khi nghe một người bạn nào đó trong nhóm của mình phàn nàn về những tật xấu của chồng, bạn sẽ có thói quen phản ứng lại rằng “Này, không phải chỉ có mình cậu bị vậy đâu. Nhà mình cũng thế đây này”. Nhưng trên thực tế, điều này sẽ dần dần gây ra một vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống của 2 người. Nói xấu chồng cho thấy bạn đang thiếu tôn trọng anh ấy và thiếu tôn trọng chính mối quan hệ của mình, thậm chí ngay cả khi đối phương chưa từng nghe bất cứ điều gì. Điều này lâu dần sẽ gây ra một sự so sánh rất tiêu cực dẫn đến khả năng các lời nói chỉ trích và sự khinh bỉ đối phương xuất hiện nhiều hơn. Trước khi bạn nhận thấy được điều đó, mối quan hệ của bạn đã rạn nứt rất nhanh.
Cứ “chăm chăm” vào tật xấu của chồng
Cho dù bạn có đang so sánh về những đức tính tốt của người yêu cũ với một người chồng lúc nào cũng “lặng thinh” của mình, hoặc ao ước chồng mình lịch thiệp hơn, ga lăng hơn như “chồng người ta” thì việc so sánh một cách tiêu cực này – dù chỉ là một suy nghĩ thoáng qua trong tâm trí cũng sẽ giết chết cuộc sống hôn nhân của bạn. Hãy luôn ghi nhớ rằng con người không bao giờ chấp nhận mọi thứ mình đang có, và rất có thể người đối diện cũng đang thầm ganh tỵ một vài tính tốt nào đấy từ chồng của bạn thì sao? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ấy thay đổi thói quen theo hướng mà bạn muốn? Cũng không có gì nghiêm trọng cả, nhưng tốt nhất bạn không nên thay đổi anh ấy thành một người khác. Để có thể nhìn thấy được các mặt tốt đẹp của chồng mình, bạn nên tập trung vào những ưu điểm của anh ấy và mối quan hệ của 2 bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.
Không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của nửa kia
Ở đây, chúng ta khoan bàn về định kiến về giới tính, nhưng rõ ràng là, nam giới có xu hướng gặp nhiều khó khăn hơn trong kỹ năng nắm bắt suy nghĩ – nghĩa là họ không có khả năng hiểu được tâm tình của bạn đời. Các chuyên gia cho rằng nam giới cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để phát triển kỹ năng này bởi vì phụ nữ, nhờ vào sự khác biệt về sinh học và thần kinh nên có xu hướng dễ dàng đồng cảm hơn. Thế nhưng, quý ông cũng đừng vội bỏ cuộc khi thấy khó khăn trong việc hiểu phụ nữ nhé, vì tất cả sẽ được cải thiện qua sự cố gắng của bạn.
Trong hôn nhân, nếu người chồng không hiểu được tâm ý của người vợ sẽ dẫn đến khả năng ly hôn rất cao. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng một khi người chồng không thể thấu hiểu vợ mình, 81% sẽ làm cho cuộc hôn nhân ngày càng xấu đi. Nói như vậy không có nghĩa là phụ nữ không cần phải hiểu rõ chồng mình. Tốt nhất, cả hai cần phải hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
Thường xuyên “đấu khẩu” lẫn nhau
Sẽ thật là không tốt khi bạn đang nói chuyện với chồng mình và đột nhiên trở nên giận dữ vì điều đó sẽ làm rạn nứt mối quan hệ giữa 2 người. Trong thực tế, phụ nữ – do không có thói quen giữ được bình tĩnh để phân tích vấn đề, nên họ chính là người “châm lửa” nhiều nhất. Điều này đôi khi cũng xảy ra do họ thường có xu hướng quan trọng hóa vấn đề hơn nam giới.
Dẫu biết rằng “nói dễ hơn làm”, thế nhưng, bạn hãy cố gắng hạn chế lớn tiếng hoặc gay gắt với chồng mình. Hãy làm cho cuộc trò chuyện cởi mở và chân thực hơn với bạn đời. Nếu anh ấy chỉ biết lắng nghe và “chịu đựng” những cơn thịnh nộ từ bạn, rõ ràng cuộc hôn nhân của bạn bắt đầu có vấn đề rồi đấy!
Không biết cách chấm dứt cuộc cãi vã
Sẽ rất khó để chấm dứt cuộc cãi vã! Những lúc như thế này, bạn cần phải bình tĩnh và dùng tấm lòng của mình để nhìn nhận vấn đề. Nếu không, bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái khó chịu như la hét, khóc hoặc thậm chí là “nguội lạnh” với nửa kia.
Khi có xung đột, nhịp tim của bạn sẽ tăng vọt đến 100 nhịp mỗi phút. Bạn không thể kiểm soát não bộ của mình và thường dễ bị rơi vào trạng thái nói năng lắp bắp, không mạch lạc. Do vậy, cách tốt nhất là bạn hãy im lặng trong các cuộc cãi vã và sau đó, bình tĩnh ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng đối thoại với nhau hơn và cải thiện được mối quan hệ của 2 người.
Lúc nào cũng chịu đựng với những điều mình không hài lòng
Ngay cả khi bạn luôn cố gắng tỏ ra bình tĩnh, cơ thể bạn cũng sẽ thường mệt mỏi khi phải chịu đựng những gì bạn không thích và chúng sẽ có những tín hiệu dễ nhận biết như giọng nói của bạn nhỏ hơn, đồng tử giãn rộng, màu da nhợt nhạt và kèm theo đó là một nụ cười “giả tạo” cùng cách ứng xử gượng gạo. Tất cả những tín hiệu này dự báo cho một đợt “sóng ngầm” sẽ xuất hiện khi hai bạn không thể kiểm soát được những xúc cảm của mình nhiều hơn được nữa.
Nếu bạn thường xuyên không nói cho đối phương biết cảm giác thực sự của mình, đối phương sẽ không biết được bạn đang nghĩ gì và có thể khắc phục được nhược điểm như thế nào. Bên cạnh đó, việc chọn cách im lặng thay vì giãi bày sẽ làm cho mối quan hệ của hai bạn ngày càng có khoảng cách và sớm bị tan vỡ.
“Chiến tranh lạnh”
Khi có “bức tường” vô hình ngăn cách cuộc trò chuyện, điều này có nghĩa là cuộc sống hôn nhân của bạn sắp bị giết chết từ từ. Khi bạn không còn bận tâm gì đến việc sinh hoạt của nhau, có nghĩa là bạn đã không còn tha thiết phát triển mối quan hệ này nữa.
Dĩ nhiên, bạn không cần phải cãi nhau suốt ngày để thể hiện được sự quan tâm của mình đến với nửa kia. Thế nhưng, thay vì cứ mãi im lặng, hãy mạnh dạn giải quyết vấn đề này vì xét cho cùng, đối thoại vẫn là giải pháp hữu hiệu cho bất kỳ đời sống vợ chồng nào.
Giải quyết các mâu thuẫn quá lâu
Đây là trường hợp thường thấy ở các cặp vợ chồng. Thế nhưng, nếu bạn không dứt khoát cùng nửa kia đối mặt giải quyết vấn đề, chúng sẽ ngày càng trầm trọng hơn và đôi khi bạn có muốn “hạ màn” cũng không kịp. Theo một nghiên cứu gần đây, khi có nhiều cặp vợ chồng thực hiện liệu pháp điều trị tâm lý theo kiểu “lần đầu tiên hẹn hò” đã cho thấy rằng hầu hết họ đợi đến 6 năm mới có thể giải quyết vấn đề hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lân cận, và thông thường những vấn đề họ gặp phải đã rất khó để cứu vãn. Do vậy, nếu bạn càng kéo dài thời gian giải quyết các trục trặc xảy ra khi sống chung, bạn sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa để hàn gắn lại vết nứt này và cả hai bạn càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để cuộc hôn nhân không phải chấm dứt.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:
- Vì sao người ta dễ bị “tình cũ không rủ cũng đến”?
- Tại sao sống thử dễ dẫn đến chia tay?