Hiện nay có 5 tỷ người sử dụng điện thoại trên toàn cầu và 3 tỷ người có kết nối Internet. Sự phát triển nhanh chóng của sản phẩm công nghệ đã giúp con người nhanh chóng kết nối, truy cập thông tin và giải trí nhưng cũng khiến chúng ta càng trở nên lệ thuộc, thậm chí mắc chứng nghiện điện thoại.
Điện thoại ngày nay không còn là những chiếc máy bàn nghe gọi đơn giản mà đã trở thành điện thoại thông minh, hay còn gọi là smartphone, giúp con người trong mọi việc. Theo kết quả nghiên cứu từ công ty phân tích truyền thông comScore năm 2017, người Mỹ dành trung bình khoảng 2 giờ 51 phút trên smartphone. Giới trẻ Việt Nam cũng dành tới 2 giờ 20 phút dùng điện thoại mỗi ngày.
Chứng sợ hãi khi không có điện thoại cũng ngày càng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Bạn hãy đọc những sự thật đáng sợ về chứng nghiện điện thoại sau để hiểu hơn về tác động của chiếc máy bạn vẫn dùng hàng ngày nhé.
1. Công nghệ khiến bạn mất đi mối quan hệ
Chứng quá tập trung vào điện thoại có thể khiến bạn phớt lờ mọi người xung quanh, ngay cả khi ở bên cạnh người thân. Đây là thói quen gây khó chịu cho người đối diện nhưng lại khá phổ biến. Không khó để thấy những bạn trẻ ngày nay nói chuyện với nhau mà mắt chỉ nhìn vào màn hình máy tính hay lướt mạng trong lớp học.
Những điều này vô tình làm bạn mất đi những mối quan hệ xung quanh đấy. Công nghệ cũng có thể gây ảnh hưởng lên nhịp sống gia đình của bạn nếu bạn không ngước mắt khỏi màn hình điện thoại và để tâm đến mọi người nhiều hơn.
2. Ứng dụng mạng xã hội thiết kế để gây nghiện
Nếu bạn thấy mình tìm điện thoại trong vô thức hoặc thường xuyên cập nhật mạng xã hội, thậm chí là mỗi vài phút thì cũng không phải do bạn thiếu ý chí cai nghiện mạng xã hội đâu. Sự thật là gần như mọi ứng dụng trên điện thoại của bạn đều được các chuyên gia thiết kế để gây nghiện cho bộ não.
Ví dụ như Instagram liên tục báo cho người dùng số lượt thích mới để giữ chân người dùng. Những lượt thích mới sẽ làm bạn muốn kiểm tra thông báo ngay và tiếp tục dùng ứng dụng. Bạn có thể bị những thông báo này thu hút và mất một khoảng thời gian khổng lồ mà không biết đấy!
3. Smartphone chính là “chiếc máy đánh bạc”
Bất cứ khi nào bạn nhấc điện thoại lên, sẽ có một điều bất ngờ không biết trước đang chờ đón bạn như một tin nhắn tán tỉnh từ người bạn mới quen ở bữa tiệc hay thông tin về một dự án mới từ sếp…
Cảm giác hồi hộp không biết mình sẽ đọc được gì từ tin nhắn hay từ các thông báo cũng giống như cảm giác chờ đợi xem mình trúng được bao nhiêu tiền khi chơi máy đánh bạc vậy. Đây là một cảm giác rất dễ gây nghiện. Theo một phương diện nào đó thì điện thoại thông minh về cơ bản chính là chiếc máy đánh bạc trong túi.
4. Bộ não của bạn sẽ ngày càng mất tập trung
Nếu bạn cảm thấy dường như mình ngày càng dễ mất tập trung hay khả năng ghi nhớ những điều mình vừa đọc kém hơn từ khi bắt đầu lên mạng thì bạn đã cảm giác đúng rồi đấy. Khi lên mạng, việc thấy hàng ngàn liên kết, quảng cáo và còn phải thường xuyên trượt và kéo màn hình sẽ làm bạn khó lòng tập trung vào một việc nhất định.
Mặc dù tình trạng mất tập trung này là tạm thời nhưng lại gây ảnh hưởng lâu dài và có thể thay đổi cách bộ não của bạn hoạt động.
5. Smartphone lấy đi thời gian quý giá
Bạn có bao giờ băn khoăn tại sao tất cả các mạng xã hội đều miễn phí? Đó là vì mạng xã hội không phải một người bán hàng mà là một người mua hàng. Các mạng xã hội đang mua sự chú ý hay thời gian của bạn. Chứng nghiện điện thoại là một vấn đề lớn vì thời gian là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Khi bạn dành sự chú ý vào một vấn đề gì thì bạn cũng đã quyết định mình sẽ sống như thế nào.
Có thể bạn chưa biết Steve Jobs đã không cho con ông sử dụng iPad và vợ chồng Bill Gates không cho phép con của họ dùng điện thoại trước 14 tuổi. Ngay cả các “cha đẻ” của những thiết bị tân tiến và phần mềm hiện đại cũng không xem công nghệ là điều quan trọng mà họ muốn giáo dục con cái đầu tiên!
Từ hôm nay, bạn hãy thử tắt hết các thông báo từ các ứng dụng trong điện thoại, sử dụng đồng hồ báo thức thay vì báo thức bằng điện thoại và để điện thoại ra khỏi phòng ngủ. Những thay đổi nhỏ này sẽ giúp bạn hạn chế những tác động tiêu cực của chứng nghiện điện thoại và có thể giành thời gian tận hưởng trọn vẹn cuộc sống thật của mình nhiều hơn!