Sốt siêu vi thường không quá nghiêm trọng nếu bạn biết cách kiểm soát và theo dõi. Trong đó, bạn có thể thực hiện một số cách điều trị sốt siêu vi tại nhà để giảm bớt những triệu chứng gây khó chịu.
Sốt siêu vi là tình trạng sốt do nhiễm virus gây ra và tác nhân này rất dễ lây lan từ người sang người. Khi bạn nhiễm phải virus, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng lại để loại bỏ những tác nhân này ra ngoài cơ thể. Một trong những phản ứng đó là tăng nhiệt độ cơ thể lên hơn mức bình thường.
Thông thường, nhiệt độ cơ thể ở mức 37ºC và khi nhiệt độ tăng từ 1ºC trở lên thì được xem là sốt.
Không giống như vi khuẩn, virus sẽ không bị tiêu diệt bởi kháng sinh nên bạn chỉ có thể trông chờ vào hoạt động của hệ miễn dịch để tiêu diệt nó. Quá trình này thường mất từ 2–7 ngày hoặc có thể lâu hơn, tùy thuộc vào loại nhiễm trùng.
Tuy vậy, bạn có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà giúp điều trị sốt siêu vi thông qua việc giảm bớt những triệu chứng khó chịu. Bài viết sau đây sẽ mách bạn một vài cách đơn giản, dễ áp dụng.
5 cách điều trị sốt siêu vi tại nhà
1. Uống nhiều nước
Sốt siêu vi khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn, dễ dẫn đến tình trạng mất nước. Do đó, bạn cần cố gắng uống càng nhiều nước càng tốt khi bị sốt siêu vi.
Không chỉ có nước lọc, một số thức uống cũng giúp bổ sung nước cho cơ thể như:
- Nước ép trái cây
- Nước uống thể thao
- Nước dùng (trong các món canh)
- Súp
- Trà decaf (trà được khử caffeine)
Trẻ sơ sinh và trẻ tập đi có thể được bù nước nhờ vào thức uống có công thức đặc biệt cung cấp thêm chất điện giải.
2. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Sốt siêu vi là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nỗ lực để chống lại nhiễm trùng. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Ngay cả khi bạn không thể nằm dài cả ngày trên giường thì cũng nên tránh các hoạt động thể chất mạnh. Hãy đặt mục tiêu ngủ đủ 8–10 tiếng mỗi ngày hoặc cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bạn cũng nên tạm ngưng thói quen tập thể dục trong thời gian bị bệnh. Hoạt động gắng sức có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng thêm, khiến việc điều trị sốt siêu vi không có hiệu quả.
3. Sử dụng thuốc không kê đơn
Sử dụng những thuốc hạ sốt không kê đơn là cách dễ dàng nhất để kiểm soát cơn sốt tại nhà. Ngoài việc tạm thời hạ nhiệt độ cơ thể, các thuốc này cũng giúp bạn giảm bớt những triệu chứng gây khó chịu.
Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải nghỉ ngơi ngay cả khi đã cảm thấy tốt hơn sau vài giờ uống thuốc.
Một số thuốc hạ sốt không kê đơn phổ biến bao gồm:
- Paracetamol
- Ibuprofen
- Aspirin
- Naproxen
Lưu ý, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn thì bạn cũng cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Một số thuốc hạ sốt không kê đơn có những thận trọng trong khi dùng mà bạn nên biết:
- Aspirin không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Thuốc này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc hội chứng Reye – một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.
- Đừng dùng liều lớn hơn liều được đề xuất trong nhãn thuốc. Nếu không, bạn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như chảy máu dạ dày, tổn thương gan hoặc có vấn đề về thận.
- Nếu hay quên, bạn nên ghi lại thời gian đã uống thuốc để đảm bảo không sử dụng quá liều trong vòng 24 giờ.
4. Thử dùng các loại dược liệu
Theo kinh nghiệm dân gian, một số dược liệu có thể giúp hỗ trợ điều trị sốt siêu vi hay sốt nói chung tại nhà. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm này thường chưa có bằng chứng nghiên cứu về tác dụng trên người mà mới có hiệu quả ở thử nghiệm trên động vật. Mức độ an toàn khi dùng cho trẻ em hay các đối tượng đặc biệt khác cũng chưa rõ ràng. Do đó, tốt hơn hết bạn nên tránh dùng cách này cho những đối tượng nhạy cảm.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng không giám sát chất lượng cho những thực phẩm chức năng như dược phẩm. Để đảm bảo an toàn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi muốn sử dụng dược liệu hay thực phẩm chức năng từ dược liệu nào. Đồng thời, bạn nên nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Cây chùm ngây
Đây là một loài cây nhiệt đới với nhiều thành phần dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe. Hầu như các bộ phận của cây đều chứa vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa và kháng khuẩn. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy vỏ cây chùm ngây có khả năng làm giảm sốt ở thỏ.
Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh nó có tác dụng trên người. Lưu ý, bạn không nên sử dụng dược liệu này nếu:
- Đang mang thai
- Đang uống một số thuốc khác như lovastatin, fexofenadine, ketoconazole
Trong một báo cáo cho thấy có trường hợp người bệnh dùng lá chùm ngây và xuất hiện một tình trạng bệnh hiếm gặp ở da và niêm mạc, có tên gọi là hội chứng Stevens-Johnson.
5. Làm mát cơ thể
Bạn có thể làm mát cơ thể bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên làm mát ở mức độ vừa phải, nếu thấy cơ thể run lên thì nên dừng lại. Cảm giác rùng mình có khả năng khiến sốt tăng cao hơn.
Những điều bạn nên làm để làm mát cơ thể thật an toàn gồm:
- Ngâm hoặc lau mình với nước ấm sẽ giúp hạ bớt nhiệt độ cơ thể. Lưu ý, bạn không nên ngâm mình trong nước lạnh vì có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn thay vì hạ nhiệt.
- Mặc quần áo thoáng mát.
- Cố gắng không sử dụng quá nhiều chăn khi bạn cảm thấy ớn lạnh.
- Uống nhiều nước mát.
- Sử dụng quạt để lưu thông không khí.
Trường hợp cần đi khám, chữa bệnh
Sốt thường không phải là hiện tượng quá bất thường và đáng lo ngại. Thế nhưng, khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao sẽ gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Đối với trẻ em
Sốt cao ở trẻ nguy hiểm hơn nhiều so với người lớn. Đây là những trường hợp mà bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý ngay lập tức:
- Trẻ từ 0–3 tháng tuổi: Nhiệt độ cơ thể đo ở trực tràng là 38ºC hoặc cao hơn.
- Trẻ từ 3–6 tháng tuổi: Nhiệt độ cơ thể đo ở trực tràng trên 39ºC và kéo dài hơn một ngày. Nếu kèm theo những triệu chứng khác như phát ban, ho hay tiêu chảy, bạn nên đưa trẻ đến trung tâm y tế sớm hơn.
Đối với trẻ em trên 2 tuổi, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất khi trẻ sốt liên tục, nhiệt độ tăng hơn 40ºC. Ngoài ra, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám bệnnh nếu bị sốt cùng với các triệu chứng như:
- Thờ ơ và cáu kỉnh bất thường hay có những triệu chứng nghiêm trọng khác
- Con sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Thuốc hạ sốt không có hiệu quả
- Mất nước
Đối với người lớn
Sốt cũng có khi gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với người trưởng thành trong một vài trường hợp. Hãy đến bệnh viện để thăm khám nếu bị sốt từ 39ºC trở lên mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc kéo dài hơn 3 ngày. Nếu sốt kèm theo các triệu chứng sau đây, bạn cần đến gặp bác sĩ để được điều trị sốt siêu vi kịp thời:
- Đau đầu dữ dội
- Phát ban
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Cứng cổ
- Nôn thường xuyên
- Khó thở
- Đau ngực hoặc đau bụng
- Co giật
Nhìn chung, sốt siêu vi thường không quá nghiêm trọng với cả trẻ em và người lớn. Cơ thể hầu như sẽ “tống khứ” được virus ra ngoài và sốt chỉ là một phần của quá trình phản vệ. Tuy vậy, khi thấy tình trạng sốt không giảm bớt sau vài ngày điều trị sốt siêu vi tại nhà thì bạn nên đến bệnh viện sớm.