Phân độ thiếu máu giúp mang lại hiệu quả trong quá trình chẩn đoán, xác định nguyên nhân thiếu máu và hỗ trợ điều trị bệnh.
Thiếu máu là tình trạng suy giảm lượng huyết sắc tố (hemoglobin) và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi khiến các mô tế bào trong cơ thể không được cung cấp đủ oxy. Điều này sẽ khiến bạn gặp phải các dấu hiệu thiếu máu như:
- Suy nhược cơ thể
- Cảm thấy đau ngực
- Móng tay chân dễ gãy
- Cảm thấy lạnh tay chân
- Nhịp tim đập không đều
- Da xanh xao và nhợt nhạt
- Đau đầu đi kèm chóng mặt
- Khó thở không rõ nguyên nhân
Bệnh thiếu máu có thể được phân độ dựa trên mức độ thiếu máu, diễn biến thiếu máu, nguyên nhân thiếu máu và đặc điểm dòng hồng cầu. Mỗi cách phân độ thiếu máu mang ý nghĩa và ứng dụng khác nhau trong việc chẩn đoán và phát hiện nguyên nhân gây thiếu máu. Do đó, bạn hãy cùng tìm hiểu 4 cách phân độ thiếu máu dưới đây nhé!
1. Mức độ thiếu máu
Phân độ thiếu máu này chủ yếu dựa trên lượng huyết sắc tố (hemoglobin) đo được trong cơ thể. Để kiểm tra, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), hay còn gọi là xét nghiệm máu tổng quát (loại xét nghiệm máu phổ biến nhất).
Xét nghiệm máu tổng quát giúp bạn phát hiện sớm các bệnh về máu và các tình trạng rối loạn, chẳng hạn như thiếu máu, nhiễm trùng, vấn đề đông máu, ung thư máu và rối loạn hệ miễn dịch.
Mức độ thiếu máu theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) được chia theo từng đối tượng dựa trên lượng huyết sắc tố bao gồm:
2. Diễn biến thiếu máu
Phân độ thiếu máu theo diễn biến bệnh được chia làm 2 loại là thiếu máu cấp tính và thiếu máu mạn tính.
Thiếu máu cấp tính
Thiếu máu cấp tính là sự sụt giảm nhanh chóng số lượng hồng cầu trong một thể tích máu (RBC) do tan máu hoặc xuất huyết cấp tính. Một số nguyên nhân thiếu máu cấp tính đe dọa tính mạng bao gồm:
- Chấn thương
- Vỡ túi phình động mạch
- Đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
- Xuất huyết đường tiêu hóa trên hoặc dưới (GI)
- Vỡ thai ngoài tử cung (Ruptured ectopic pregnancy)
Thiếu máu mạn tính
Thiếu máu mãn tính là kết quả của các tình trạng sức khỏe lâu dài gây ảnh hưởng đến khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu của cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu mạn tính bao gồm:
- Các bệnh về thận
- Bệnh ung thư, chẳng hạn như u lympho không Hodgkin, bệnh Hodgkin và ung thư vú
- Nhiễm trùng kéo dài như HIV, viêm nội tâm mạc, lao, viêm tủy xương, áp xe phổi và viêm gan B hoặc viêm gan C
- Rối loạn tự miễn dịch và các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, bệnh Crohn, bệnh lupus và bệnh viêm ruột (IBD)
- Một số phương pháp hóa trị được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào máu mới của cơ thể, dẫn đến thiếu máu.
3. Nguyên nhân thiếu máu
Phân độ thiếu máu theo nguyên nhân có 3 loại bao gồm:
• Do mất máu: Cơ thể có thể bị mất máu do các yếu tố bên trong và bên ngoài gây tổn thương, ví dụ như tai nạn chấn thương, kinh nguyệt kéo dài, xuất huyết dạ dày…
• Do tan máu: Tan máu là tình trạng tốc độ các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn là được tạo ra, thường các nguyên nhân như bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), nhiễm trùng siêu vi, ung thư máu, dùng thuốc penicillin, thuốc chống sốt rét…
• Do giảm hoặc rối loạn quá trình tạo máu: Tủy xương (phần tủy đỏ ở xương) là cơ quan tạo máu của cơ thể. Do đó, các bệnh lý liên quan đến tủy xương có thể gây thiếu máu như suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, hoặc rối loạn sinh máu như ung thư máu. Nguyên nhân gây bệnh cũng có thể do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng cho việc tạo máu như thiếu sắt, axit folic, vitamin B12, erythropoietin, acid amin…
4. Đặc điểm dòng hồng cầu
Đây là cách xếp loại thường được sử dụng để giúp tiếp cận và chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu.
Dựa vào thể tích trung bình khối hồng cầu (MCV)
MCV dùng để đánh giá kích thước hồng cầu lớn, nhỏ hay bình thường.
• Nếu chỉ số MCV thấp hơn bình thường: Chẩn đoán thiếu máu hồng cầu nhỏ, thường gặp ở bệnh thiếu máu thiếu sắt hoặc Thalassemia.
• Nếu chỉ số MCV cao hơn bình thường: Chẩn đoán thiếu máu hồng cầu to, thường gặp ở người thiếu vitamin B12, axit folic, nghiện rượu, bệnh gan…
Dựa vào lượng hemoglobin trung bình hồng cầu (MCH)
MCH dùng để đánh giá màu sắc hồng cầu ưu sắc, nhược sắc hay đẳng sắc.
• Nếu chỉ số MCH nhỏ hơn bình thường: Chẩn đoán thiếu máu hồng cầu nhược sắc.
• Nếu chỉ số MCH cao hơn bình thường: Chẩn đoán thiếu máu hồng cầu ưu sắc.
Dựa vào dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW)
RDW giúp xác định độ đồng đều về kích thước của các hồng cầu.
• RDW = 11 – 14%: Hồng cầu có kích thước đồng đều.
• RDW > 14%: Hồng cầu to nhỏ không đều.
Dựa vào chỉ số hồng cầu lưới hiệu chỉnh (CRC)
Hồng cầu lưới là các hồng cầu non mới được sinh ra từ tủy xương đến máu ngoại vi. Chỉ số CRC giúp xác định thiếu máu có hoặc không có khả năng hồi phục để định hướng nguyên nhân thiếu máu tại tủy xương hay ngoại vi.
• CRC ≥ 3%: Tủy xương phản ứng tốt với tình trạng thiếu máu
• CRC < 3%: Tủy xương phản ứng kém với tình trạng thiếu máu, quá trình tạo hồng cầu không hiệu quả.
Để tránh tình trạng thiếu máu, bạn nên duy trì lượng huyết sắc tố tối thiểu từ 80g/l trở lên. Đôi với những trường hợp có bệnh lý tim, phổi mạn tính, bạn nên duy trì khoảng từ 90g/l.
Một số cách giúp bạn đảm bảo chỉ số này nằm ở mức bình thường bao gồm:
– Bổ sung chất sắt, axit folic, vitamin B12 qua chế độ ăn uống hoặc chất bổ sung dưới chỉ định của bác sĩ.
– Tiêm hormon erythropoietin giúp kích thích tạo hồng cầu người bệnh suy thận, AIDS, viêm khớp dạng thấp…
– Trường hợp thiếu máu nặng cần truyền máu cùng nhóm. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu có thể điều trị bằng cấy ghép tủy xương.
Những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về 4 cách phân độ thiếu máu trong quá trình chẩn đoán bệnh. Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để hạn chế nguy cơ thiếu máu, đồng thời nên thăm khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm nhé!
Hoàng Trí | HELLO BACSI