Làm thế nào để nhận biết trẻ bị tự kỷ? Những xét nghiệm giúp chẩn đoán tự kỷ ở trẻ một cách chính xác được xem là mối bận tâm của nhiều bậc cha mẹ.
Tự kỷ là chứng rối loạn phát triển nghiêm trọng. Trẻ em bị tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán tự kỷ ở trẻ một cách chính xác? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Sàng lọc phát triển
Sàng lọc phát triển là bài kiểm tra ngắn để biết được con bạn có phát triển đúng theo độ tuổi của trẻ hay không, đồng thời phát hiện những dấu hiệu chậm phát triển. Bạn cần nói với bác sĩ mọi dấu hiệu và hành vi về sự phát triển của trẻ.
Từ những thông tin đó, bác sĩ sẽ nói chuyện hoặc chơi với trẻ để nhận biết được cách trẻ cư xử, tương tác, phản ứng, học tập, nói chuyện và di chuyển. Thông thường, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để thực hiện bài kiểm tra vào lúc con được 9, 18, 24 và 30 tháng tuổi. Bác sĩ cần tiến hành thêm nhiều bài kiểm tra khác ở trẻ nếu con sinh thiếu tháng, nhẹ cân và mắc phải các tình trạng sức khỏe khác.
Kiểm tra hành vi
Ở liệu pháp này, bác sĩ dùng các câu hỏi để xác định kiểu chậm phát triển trí tuệ mà trẻ mắc phải. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh án của trẻ. Những câu hỏi thông thường liên quan đến sự phát triển trí tuệ ở trẻ như trẻ có chỉ cho bạn đồ vật nào đó mà trẻ thích hay không. Bởi vì, một khi mắc bệnh tự kỷ, trẻ thường có xu hướng không chỉ bất kỳ món đồ nào trẻ muốn cho bố mẹ cũng như không để tâm đến việc bố mẹ có đang nhìn vào món đồ đó hay không.
Từ những thông tin trên, sau đó bác sĩ dùng những hướng dẫn chẩn đoán để xác định hành vi của trẻ có liên quan đến triệu chứng chính của bệnh tự kỷ. Ví dụ, việc trẻ tập trung bất thường vào một thứ gì đó được xem là một triệu chứng của bệnh tự kỷ. Từ triệu chứng đó, chúng ta có thể hiểu được trẻ đang nghĩ gì. Việc trẻ chỉ tập trung vào một bộ phận trên đồ chơi, nhưng không muốn chơi với đồ chơi đó là vì trẻ không biết và hiểu món đồ chơi đó là gì. Trẻ hoàn toàn mất nhận thức kể cả với những món đồ bình thường.
Kiểm tra thể chất
Kiểm tra thể chất có vai trò xem xét vấn đề về thể chất có gây ra những triệu chứng bất thường của trẻ hay không. Bác sĩ sẽ đo cân nặng, chiều cao và vòng đầu của trẻ để chắc chắn rằng con bạn tăng trưởng bình thường.
Xét nghiệm thính lực cũng được thực hiện. Bài kiểm tra này dùng để đánh giá khả năng nghe của trẻ vì thính giác với sự chậm phát triển tâm thần cũng như những kỹ năng ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với nhau.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Các xét nghiệm cận lâm sàng có vai trò đánh giá liệu vấn đề thể chất có gây nên những triệu chứng bệnh tự kỷ của trẻ không.
Xét nghiệm đo nồng độ chì trong máu để chẩn đoán ngộ độc chì. Ngộ độc kim loại nặng có khả năng hủy hoại thần kinh và các bộ phận khác trong cơ thể trẻ. Xét nghiệm này tiến hành kiểm tra máu trong tĩnh mạch, gót chân hoặc đầu ngón tay. Nếu trẻ bị ngộ độc chì, bạn phải nhanh chóng cho trẻ điều trị.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não có thể cho hình ảnh chi tiết về não bộ và giúp bác sĩ tìm ra những dấu hiệu bất thường trong cấu trúc não gây nên các triệu chứng giống tự kỷ.
Bác sĩ sẽ thực hiện phân tích nhiễm sắc thể nếu nghi ngờ khiếm khuyết về trí tuệ ở trẻ.
Chẩn đoán tự kỷ khá khó khăn vì biểu hiện bệnh thay đổi đa dạng. Nếu bạn phát hiện những bất thường ở trẻ, hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ càng sớm càng tốt. CBác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán tự kỷ một cách chính xác và giúp trẻ điều trị bệnh kịp thời.