Tinh dầu tràm trà có rất nhiều lợi ích cho da. Với những bạn bị sẹo lồi, chỉ cần kiên nhẫn áp dụng 4 cách dùng tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi dưới đây, tình trạng sẹo lồi sẽ được cải thiện một cách bất ngờ.
Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi là những vết sẹo bất thường, chúng phát triển vượt ra khỏi ranh giới vết thương ban đầu, thường nổi cao lên trên bề mặt da, có màu hồng, đỏ hoặc màu tím, bề mặt trơn nhẵn. Khi chạm vào vết sẹo lồi, bạn thường cảm thấy ngứa, châm chích và hơi đau.
Công dụng của tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà được chiết xuất từ lá cây tràm trà – Melaleuca Alternifolia có nguồn gốc từ Úc. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tinh dầu tràm trà có tác dụng điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá, mụn mủ, mụn đầu trắng, thâm mụn và sẹo lồi. Tinh dầu tràm trà có tính sát trùng, kháng viêm và kháng khuẩn mạnh. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi bắt đầu sử dụng, đặc biệt nếu da bạn dễ bị dị ứng.
Tinh dầu tràm trà còn dùng để điều trị các bệnh lý như:
- Nhiễm trùng như mụn trứng cá.
- Nhiễm nấm móng (nấm mốc da).
- Nhiễm khuẩn âm đạo, tái phát herpes.
- Nhiễm trùng miệng và mũi, đau họng.
- Nhiễm trùng tai như viêm tai giữa và viêm tai ngoài.
- Ho, phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phổi.
4 cách dùng tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi hiệu quả
1. Aspirin và tinh dầu tràm trà
Công dụng
Aspirin là một salicylate và là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Nhờ BHA (Beta hydroxy acid), aspirin thường được sử dụng trong điều trị mụn và làm mờ sẹo.
Chuẩn bị
- 4 viên aspirin
- 1/2 – 1 muỗng cà phê nước cất
- 2 – 3 giọt tinh dầu tràm trà
Cách thực hiện
- Nghiền nát thuốc aspirin dạng viên trong chén sạch, sau đó cho thêm vài giọt nước cất vào. Trộn đều cho đến khi được một hỗn hợp nhão mịn.
- Thoa hỗn hợp thuốc lên sẹo lồi của bạn, để khô tự nhiên trong 15-30 phút.
- Rửa sạch hỗn hợp thuốc bằng nước mát.
- Thoa 2 – 3 giọt tinh dầu tràm trà lên vết sẹo lồi, massage nhẹ nhàng.
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày một lần.
2. Hỗn hợp tinh dầu hoa oải hương và tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi
Công dụng
Tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi nhờ có khả năng khử trùng, kháng viêm, giảm sưng. Tinh dầu hoa oải hương có công dụng trẻ hóa da, trị vết thâm, giảm kích thước mô sẹo và ức chế sự phát triển của chúng.
Chuẩn bị
- 2-3 giọt tinh dầu tràm trà
- 2-3 giọt tinh dầu hoa oải hương
Cách thực hiện
- Trộn đều hỗn hợp hoa oải hương và tinh dầu tràm trà.
- Thoa hỗn hợp này lên vết sẹo lồi như bôi thuốc mỡ thông thường.
- Massage nhẹ nhàng vùng bị sẹo lồi trong 2 – 5 phút để da hấp thụ tốt hơn.
- Sử dụng mỗi ngày cho đến khi sẹo lồi mờ đi.
3. Hỗn hợp muối biển, gel nha đam và tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi
Công dụng
Công dụng của muối biển là sát trùng vết thương, tẩy tế bào chết, trị mụn, trị sẹo. Gel nha đam kết hợp với tinh dầu tràm trà có khả năng làm mềm mô sẹo, giúp giảm đau, giảm sưng sẹo lồi hiệu quả.
Chuẩn bị
- 1 muỗng cà phê muối biển
- 2 muỗng canh nước cất
- 3 – 5 giọt tinh dầu tràm trà
- 1/2 muỗng cà phê gel nha đam
- Bông y tế
Cách thực hiện
- Cho muối biển vào nước đã đun nóng, khuấy tan ra.
- Nhúng bông y tế vào dung dịch nước muối rồi đắp lên vết sẹo lồi.
- Giữ nguyên trong khoảng 5 phút.
- Gỡ bông y tế ra, thấm khô rồi thoa tinh dầu tràm trà lên.
- Đợi trong 5 phút cho tinh dầu khô đi.
- Thoa tiếp gel lô hội lên vết sẹo lồi, để khô.
- Thực hiện mỗi ngày cho đến khi lành sẹo.
4. Hỗn hợp vitamin E và tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi
Công dụng
Vitamin E vừa có tác dụng dưỡng ẩm, vừa có khả năng phục hồi các tổn thương trên da, trị vết rạn da và sẹo lồi. Sử dụng hỗn hợp vitamin E và tinh dầu tràm trà trị sẹo lồi không chỉ giúp mô sẹo mềm đi, giảm kích thước sẹo mà còn làm mờ màu sẹo, giúp da đều màu hơn.
Chuẩn bị
- 1/2 muỗng cà phê tinh dầu tràm trà
- 1/2 muỗng dầu vitamin E
Cách thực hiện
- Trộn đều hỗn hợp vitamin E và tinh dầu tràm trà.
- Vừa thoa hỗn hợp lên vùng sẹo lồi vừa massage nhẹ nhàng.
- Sau đó giữ nguyên để hỗn hợp ngấm vào da.
- Sử dụng mỗi ngày để làm mờ sẹo nhanh chóng.
Một số phương pháp điều trị sẹo lồi chuyên nghiệp
Tiêm corticosteroid nội thương tổn
Khi sử dụng phương pháp tiêm corticosteroid nội thương tổn, các bác sĩ thường dùng triamcinolone acetonide để tiêm trực tiếp vào sẹo lồi. Phương pháp điều trị sẹo lồi này có thể đạt hiệu quả đến 70%. Nhưng cũng gần 50% sẹo lồi tái phát trong vòng 5 năm.
Tiêm interferon – alpha
Interferon-alpha là các protein được tế bào sản sinh nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch. Interferon-alpha được tiêm sau phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi để ngăn ngừa sẹo tái phát.
Tiêm fluorouracil
Fluorouracil là một loại thuốc hóa trị, được dùng để tiêm trực tiếp vào sẹo lồi. Tuy nhiên, khoảng 50% số bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này bị tái phát trong vòng 1 năm. Tiêm Fluorouracil có thể được kết hợp với phương pháp corticosteoid để trị sẹo lồi.
Tiêm bleomycin
Bleomycin ức chế TGF – β và lysyl oxidase để giảm tổng hợp collagen nhằm giảm kích thước sẹo lồi. Tiêm bleomycin có thể gặp tác dụng phụ như tăng sắc tố da, teo da (trường hợp hiếm gặp).
Pulsed Dye Laser – laser xung nhuộm
Laser xung nhuộm được có khả năng cải thiện sẹo lồi, đặc biệt các sẹo lồi có màu đỏ hoặc đỏ sẫm. Phương pháp laser là phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng bởi tính hiệu quả và an toàn của chúng.
Miếng dán silicone
Miếng dán silicone sẽ được cắt theo kích thước vết sẹo của bạn. Khi dán, nó sẽ giúp bạn giảm cảm giác đau ngứa, ngăn sẹo lồi phát triển kích thước. Bạn nên vệ sinh miếng dán silicone mỗi ngày và thay mới sau từ 10 – 14 ngày.
Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi
Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi thường được tiến hành sau khi tiêm corticosteroid nội thương tổn, băng ép, bôi imiquimod, dán silicone… Hiệu quả của phương pháp này từ khoảng 50 – 80% tùy vào từng trường hợp.
Phẫu thuật lạnh – cryotherapy
Phẫu thuật lạnh – cryotherapy là phương pháp sử dụng nitơ lỏng (hoặc carbon dioxide và argon) làm lạnh thương tổn (sẹo lồi) của bạn. Liệu trình của phương pháp này thường kéo dài từ 3 – 10 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 4 tuần. Sau thời gian điều trị, vết sẹo lồi sẽ xẹp xuống và ít có biến chứng xảy ra.
Xạ trị
Phương pháp xạ trị thường được sử dụng sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi. Tùy thuộc vào mỗi trường hợp sẽ có khả năng tái phát khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp này không được dùng cho trẻ em. Hiện nay, phương pháp này ít được sử dụng do xuất hiện khả năng ung thư tế bào vảy ở da tại vùng điều trị.
Châu Khoa | HELLO BACSI