Bạch biến là tình trạng một vài vùng da bị mất sắc tố khiến chúng có màu sáng, nhạt hơn bình thường và rất dễ nhận thấy. Hiện nay vẫn chưa có cách chữa bệnh bạch biến hiệu quả cho mọi trường hợp. Người bệnh thường cần nhận sự giúp đỡ hoặc điều chỉnh tâm lý nhờ vào liệu pháp hành vi – nhận thức và những lời khuyên từ bác sĩ tâm lý để giúp họ sống tự tin hơn.
Bạch biến không nhất thiết phải điều trị, nhiều người có thể trang điểm hoặc quần áo để che những vùng da khác màu này. Tuy nhiên, những người mong muốn điều trị bệnh bạch biến vẫn có những lựa chọn y khoa giúp ngăn ngừa tình trạng này lan rộng, thậm chí có khi giúp khôi phục lại một số sắc tố da.
Nhìn chung, vùng da bạch biến ở mặt có khả năng đáp ứng điều trị nhanh nhất. Các vùng khác trên cơ thể như môi, nhũ hoa, đầu ngón chân và ngón tay sẽ khó điều trị hơn.
Những tin đồn về các cách chữa bệnh bạch biến
Thực tế, có những nhận định sai lầm về việc điều trị bệnh bạch biến thường được mọi người truyền tai nhau.
Đầu tiên, mọi người cho rằng không thể nào chữa khỏi bạch biến. Mặc dù không phải ai cũng may mắn đáp ứng tốt với điều trị và có thể khôi phục lại sắc tố da như ban đầu nhưng vẫn có những người bệnh đạt được kết quả tốt. Vì vậy, tin đồn này không phản ánh đúng sự thật về khả năng chữa trị bạch biến.
Quan niệm thứ hai là sử dụng psoralen đường uống – chất được sử dụng trong một số phương pháp chữa bệnh bạch biến – sẽ gây độc cho gan. Tuy nhiên, thuốc uống psoralen thật sự không gây độc lên gan.
Thứ ba, phương pháp điều trị kết hợp psoralen và tia UVA (PUVA) cho người bệnh bạch biến có khả năng gây ung thư da. Khi được sử dụng để điều trị bạch biến, liệu pháp PUVA được yêu cầu thực hiện với số lần hạn chế – với con số khoảng 150 lần thì vẫn chưa được chứng minh là gây ung thư da. Nếu so sánh, số lần điều trị bằng phương pháp PUVA cho bệnh vẩy nến có khi nhiều gấp đôi so với bệnh bạch biến. Đã có khảo sát cho thấy một tỷ lệ nhỏ người bệnh được điều trị bằng PUVA với hơn 250 lần có khả năng phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy trên da. Tuy nhiên, loại ung thư này có thể điều trị.
Các lựa chọn trong điều trị bệnh bạch biến
Các cách chữa bệnh bạch biến đều nhằm mục đích khôi phục lại cân bằng màu sắc cho làn da của người bệnh. Một số phương pháp sẽ giúp bổ sung thêm sắc tố trong khi một số cách sẽ loại bỏ sắc tố. Tùy chọn cách chữa trị sẽ tùy thuộc vào:
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Vị trí và kích thước các vùng da bị bạch biến
- Số lượng các mảng da bị mất sắc tố
- Các vị trí da bạch biến lan rộng đến đâu
- Cơ thể đáp ứng với điều trị như thế nào
Các cách chữa bệnh bạch biến bao gồm điều trị y khoa, phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, không phải tất cả các phương pháp điều trị đều có hiệu quả với tất cả mọi người, một số cách còn có khi gây ra tác dụng phụ ngoài mong muốn. Hãy luôn liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp phải các tác dụng không mong muốn khi điều trị để họ điều chỉnh lại liều lượng hoặc cung cấp các lựa chọn thay thế khác.
Điều trị y khoa
Bạn thường phải mất khoảng 3 tháng điều trị trước khi thấy hiệu quả. Các cách điều trị y khoa bao gồm:
Kem bôi ngoài da
Một số loại kem gồm corticosteroid, có thể giúp trả lại sắc tố cho những mảng da bạch biến trong giai đoạn đầu hoặc làm chậm sự tăng trưởng bệnh. Bác sĩ sẽ kê cho bạn một đơn thuốc với các loại kem bôi có tác dụng nhưng cũng có nguy cơ gây ra tác dụng phụ khi dùng trong thời gian dài. Các tác dụng không mong muốn bao gồm:
- Teo da tại chỗ bôi thuốc
- Mỏng da
- Lông tăng trưởng nhanh
- Kích ứng da
Thuốc uống
Một số loại thuốc như steroid và kháng sinh có khi đem lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh bạch biến. Tuy nhiên, bạn cần phải được bác sĩ kê chỉ định trong đơn thuốc thay vì tự ý sử dụng.
Liệu pháp psoralen và tia UVA (PUVA)
Sự kết hợp điều trị này yêu cầu bạn dùng psoralen dưới dạng thuốc uống hoặc kem bôi trên da. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bạn tiếp xúc với tia UVA để kích hoạt các loại thuốc giúp phục hồi màu sắc cho làn da. Cuối cùng, bạn cần giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và đeo kính râm để bảo vệ da, mắt. Liệu pháp này cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ như:
- Cháy nắng
- Buồn nôn
- Ngứa
- Tăng sắc tố da
Tia UVB dải hẹp
Đây là một phương pháp dùng thay thế cho liệu pháp PUVA truyền thống. Cách này sẽ để người bệnh trị liệu với loại ánh sáng chọn lọc hơn nên thường ít gây ra tác dụng không mong muốn. Đây có thể là một phần của chương trình điều trị tại nhà dưới sự giám sát của bác sĩ.
Điều trị bằng laser excimer
Phương pháp điều trị này có tác dụng với các mảng bạch biến nhỏ và sẽ cần ít hơn 4 tháng, 2–3 lần/tuần để thực hiện.
Giảm sắc tố
Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tiến hành làm giảm sắc tố da, đồng nhất màu da nếu hơn 50% cơ thể bị bạch biến. Đây thường là giải pháp khi các phương pháp điều trị để phục hồi sắc tố cho da thất bại. Cách này tập trung vào việc làm mờ màu sắc của vùng da bình thường để đồng màu với các vùng bị bạch biến. Người bệnh có thể mất từ 2–3 năm để điều trị có hiệu quả. Bạn sẽ cần sử dụng một loại thuốc như monobenzon theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
Tác dụng phụ lớn nhất của phương pháp này là gây mất sắc tố da và viêm. Người bệnh có xu hướng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời vĩnh viễn.
Phẫu thuật
Lựa chọn phẫu thuật là giải pháp cuối cùng khi thuốc và các liệu pháp dùng ánh sáng không có hiệu quả. Bác sĩ sẽ đề nghị các lựa chọn phẫu thuật nếu bạn không xuất hiện thêm các mảng da bạch biến mới, tình trạng bệnh xấu đi trong vòng 12 tháng gần nhất hoặc bệnh bạch biến không có nguyên nhân từ ánh sáng mặt trời. Các loại phẫu thuật chữa bạch biến bao gồm:
- Ghép da. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy da từ các vùng da bình thường, khỏe mạnh, có đầy đủ sắc tố và chuyển đến khu vực bị bạch biến. Các rủi ro từ việc ghép da bao gồm nhiễm trùng, sẹo hoặc không tái tạo lại sắc tố như ban đầu. Ngoài ra, có một cách khaác ít rủi ro hơn là tạo ra các vết phỏng, phồng rộp trên vùng da bình thường rồi chuyển phần trên của vết phỏng sang khu vực khác.
- Cấy ghép tế bào hắc sắc tố melanocyte. Bác sĩ sẽ lấy các tế bào melanocyte ra ngoài và nuôi dưỡng chúng trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các tế bào được cấy ghép vào những khu vực bị mất sắc tố trên da.
- Xăm sắc tố (Micropigmentation). Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa sắc tố vào da qua một đầu kim nhỏ, tương tự với hình thức xăm hình bình thường. Cách này tốt nhất nên làm ở vùng môi vì chúng có thể khó phù hợp cho màu da bình thường của người bệnh.
Các phương pháp hỗ trợ điều trị khác
Ngay cả khi bạn đang sử dụng các phương pháp điều trị y khoa để chữa bạch biến, kết quả có thể chưa thể hiện ngay lập tức. Vậy nên, bạn có thể kết hợp với các biện pháp sau:
- Kem chống nắng. Giảm phơi nắng có thể giúp giữ cho làn da trông đều màu hơn. Rám nắng, cháy nắng sẽ càng làm tăng độ tương phản giữa các vùng da bạch biến với phần da bình thường. Vì vậy, hãy sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao (từ 30 trở lên) để bảo vệ làn da dưới nắng tốt hơn. Lưu ý, bạn cần chú ý sử dụng kem chống nắng cho những khu vực da bị bạch biến vì thiếu mất sắc tố sẽ khiến da dễ cháy nắng và tổn thương do tia UV.
- Mỹ phẩm. Kem trang điểm hoặc che khuyết điểm có thể giúp da trở nên đều màu hơn. Bạn có thể dùng các sản phẩm nhuộm da để mang đến kết quả lâu dài, ngay cả khi rửa với nước.
- Kiểm soát tâm lý. Một nghiên cứu cho thấy thuốc và các liệu pháp điều trị tâm lý có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thấy có nhưng cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Bạn có cần thiết phải điều trị bệnh bạch biến?
Bệnh bạch biến không gây đau, ngứa như vẩy nến hay gây bong tróc da nhưng những vùng da sáng màu nổi bật với kích thước và hình dạng không đồng đều sẽ khiến người bệnh mặc cảm, tự ti về ngoại hình, nhất là những người có màu da tối. Sự tương phản màu da này khiến mọi người dễ chú ý đến những người bị bạch biến và tò mò về vẻ ngoài “kỳ lạ” này. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra cách chữa bệnh bạch biến hiệu quả nhưng sự thật không phải ai cũng may mắn chữa khỏi tình trạng này.
Cho dù bạch biến không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe thể chất cũng như không truyền nhiễm nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh phải chịu đựng sự tò mò, kì thị từ những người xung quanh. Từ đó, họ có thể khó hòa nhập và có các mối quan hệ xã hội, công việc và dần trở nên trầm cảm, xa lánh với mọi người. Vậy nên, những phương pháp giúp phục hồi sắc tố da, làm da trở nên đồng màu chính là hy vọng của những người mắc phải tình trạng này.
Tuy nhiên, nếu bạn tìm hiểu về cộng đồng bạch biến trên thế giới thì sẽ thấy rất nhiều người vẫn lạc quan và sống một cuộc sống năng động, khỏe mạnh. Thậm chí có những người mẫu nổi tiếng bị bạch biến vẫn luôn tự hào về sự khác biệt này và họ luôn cố gắng truyền tải những thông điệp tích cực đến với mọi người. Thêm vào đó, nếu bạn vẫn chưa thoát ra khỏi những suy nghĩ bi quan, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị. Chỉ cần bạn tự tin về chính mình và thể hiện các bản chất tốt đẹp của bản thân, những khác biệt về ngoại hình sẽ không còn quá quan trọng nữa.