Hành vi và phát triển
Bé phát triển như thế nào?
Tuần thứ hai của bé sẽ không có gì quá khác biệt so với tuần thứ nhất. Bé vẫn sẽ ngủ nhiều. Âm thanh lớn như tiếng chuông điện thoại hay tiếng chó sủa, cũng không thể khiến bé tỉnh giấc. Mắt của bé lúc này vẫn rất mờ, chỉ có thể nhìn được vật ở khoảng cách 20 cm đến 40 cm.
Hai tuần tuổi, bé có thể nhận ra giọng nói của bạn. Đây là lúc bé nhận thức được rằng mình có thể dựa dẫm vào bạn. Lắng nghe giọng nói của bố mẹ sẽ giúp bé thích nghi với thế giới mới lạ và giúp bé biết rằng mình không cô đơn. Vì vậy, bạn nên nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Bé sẽ không hiểu những gì bạn nói, nhưng bé có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự che chở trong từng lời nói bạn dành cho bé.
Trong những ngày đầu tiên của tuần thứ hai, bé có thể có khả năng nâng đầu nhẹ lên khi nằm úp (hãy luôn theo dõi và quan sát bé khi bé nằm úp).
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Đây là lúc bé dần nhận thức về mọi thứ xung quanh. Bạn nên tạo điều kiện cho bé quan sát các đặc điểm nhận dạng của bạn bằng cách nhìn bé ở khoảng cách gần. Bạn có thể thực hiện những việc này trong những hoạt động chăm sóc bé hàng ngày. Khi cho bé bú, hãy di chuyển đầu của bạn từ bên này sang bên kia và quan sát xem liệu mắt bé có dõi theo bạn không. Bài tập này có thể giúp tăng cường cơ mắt của bé. Đừng lo lắng nếu bé chỉ nhìn lướt qua bạn, ánh mắt trẻ thường nhìn lơ đãng và lướt nhanh qua mọi thứ trong vài tháng đầu đời.
Hãy luôn nói chuyện, giao tiếp với bé để bé dần làm quen với giọng nói và sự hiện diện của bạn. Hơn hết, dù không hiểu những gì bạn nói nhưng bé có thể cảm nhận được tình yêu thương tràn ngập trong từng lời nói và hành động bạn dành cho bé. Điều này giúp bé cảm thấy an toàn và bình yên.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Thông thường, đa phần các bà mẹ Việt Nam sẽ không đưa bé đi bác sĩ định kỳ nếu bé phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở tuần thứ hai, bạn nên đưa bé đến phòng khám để bác sĩ có thể:
- Làm sạch đường hô hấp bằng cách hút mũi cho bé, điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng nôn khan và nghẹt thở;
- Tra thuốc mỡ kháng sinh vào mắt cho bé để phòng ngừa bệnh lậu hay nhiễm ký sinh trùng;
- Đo chiều cao, chu vi vòng đầu để theo dõi sự phát triển của bé.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Ở giai đoạn này, bé có thể mắc phải bệnh vàng da. Đây là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ sinh non hoặc một số trẻ được nuôi bằng sữa mẹ.
Bệnh vàng da là tình trạng da và tròng trắng mắt chuyển thành màu vàng. Hầu hết, các ca mắc vàng da đều do gan trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện nên không thể loại bỏ bilirubin trong máu. Nồng độ bilirubin trong máu cao có thể khiến da chuyển màu vàng. Trẻ sinh thiếu tháng và trẻ sơ sinh mắc các bệnh di truyền hoặc nhiễm trùng có khả năng mắc vàng da cao.
Các dấu hiệu vàng da bao gồm da mặt bé chuyển thành màu vàng, sau đó đến da vùng ngực, bụng và cuối cùng là chân. Nếu bé có màu da tối, bạn có thể nhận biết được liệu bé có bị vàng da hay không bằng cách quan sát sắc vàng trong tròng trắng của mắt hoặc ở nướu của bé. Một dấu hiệu khác để biết được liệu bé có mắc vàng da hay không: dùng ngón tay nhấn nhẹ lên mũi hoặc trán bé. Nếu mắc tình trạng này, làn da của bé sẽ chuyển màu vàng ngay khi bạn nhấc tay ra.
Để chẩn đoán vàng da, ngoài cách quan sát trực quan, bác sĩ còn có thể lấy một lượng nhỏ máu từ gót chân của bé để kiểm tra nồng độ bilirubin.
Phần lớn các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều không cần điều trị và thường tự biến mất trong vòng hai tuần. Do bilirubin đào thải chủ yếu qua phân, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo mẹ nên cho bé bú nhiều hơn nếu bé mắc vàng da. Trẻ bú nhiều, từ đó bilirubin cũng được bài tiết nhiều hơn.
Nếu bé mắc tình trạng vàng da nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng ánh sáng để loại bỏ bilirubin.
Đừng quá lo lắng nếu bé bị vàng da, hãy luôn thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để bé được điều trị hiệu quả.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm là gì?
Trong vài tuần đầu tiên, điều hẳn người mẹ nào cũng quan tâm đó là cân nặng của bé. Liệu bé có bị suy dinh dưỡng không? Liệu bé có đạt cân nặng đúng chuẩn không? Sao con tôi lại nhẹ cân hơn so với những bé khác?
Đừng đặt nặng áp lực về vấn đề này. Chỉ với vài dấu hiệu sau, bạn có thể kiểm tra được liệu bé đã bú đủ hay chưa. Các dấu hiệu cho thấy bé bú đã đủ bao gồm: bạn cảm thấy ngực của bạn trống rỗng và nhẹ hơn sau khi cho bú, da bé hồng hào và săn chắc, đàn hồi ngay sau khi bạn nhấn xuống. Nếu bị mất nước, khi nhấn vào, da bé sẽ nhăn trước khi đàn hồi trở lại. Khi bú, bạn có thể lắng nghe tiếng bé nuốt, điều đó chứng tỏ bé đang tận hưởng dòng sữa mẹ ngọt ngào. Bé đi phân màu vàng hoặc phân đen đều đặn. Ngoài ra, bé tiểu ướt và phải thay tã 5 – 8 lần mỗi ngày. Đây là những dấu hiệu cho thấy bé đã nạp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết.
Cho dù bạn đang cho con bú hay cho bé bú bình, hãy nhớ rằng tỉ lệ tăng trưởng của bé sẽ khác nhau ở từng giai đoạn và nhiều bé có có xu hướng chậm lại vào những thời điểm nhất định.
Nếu bé luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ, năng động và khỏe mạnh thì tức là bé đang phát triển tốt. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về cân nặng của bé, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn và giải đáp. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho bé.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.