Tinh dầu có rất nhiều công dụng, một trong các công dụng nổi bật của chúng với sức khỏe con người là làm sảng khoái tinh thần, giúp chữa viêm họng hiệu quả.
Tinh dầu là sản phẩm được chiết xuất từ lá, vỏ cây, thân hoặc hoa thông qua chưng cất bằng hơi nước, rượu hoặc dầu. Tinh dầu có thể giúp tiêu diệt vi trùng, giảm viêm và tăng tốc độ chữa lành vết thương.
Viêm họng là tình trạng sức khỏe gây đau đớn, làm cho người mắc khó nuốt. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị nhiễm virus (cảm lạnh, cảm cúm) và nhiễm vi khuẩn (liên cầu khuẩn gây viêm họng).
Thực tế là hiện này không có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh về công dụng của việc sử dụng các loại tinh dầu trong việc chữa viêm họng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy rằng các loại tinh dầu có thể giúp giảm đau họng rất hiệu quả.
Khi sử dụng tinh dầu, điều quan trọng bạn cần nhớ là chỉ có thể hít hoặc thoa tinh dầu đã pha loãng với dầu nền, không được uống vì sẽ gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm tinh dầu đã pha loãng vào bồn tắm để tận hưởng những công dụng tuyệt vời của chúng.
11 loại tinh dầu giúp chữa viêm họng hiệu quả
1. Tinh dầu cỏ xạ hương
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên trang web NCBI (Hoa Kỳ), tinh dầu cỏ xạ hương có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ giúp chống lại các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh thông thường. Tinh dầu chiết xuất từ loại cỏ này cũng có tác dụng làm giảm co thắt cơ nên có thể được dùng để ngăn ngừa ho, gây đau họng.
2. Hoa oải hương
Mùi thơm của hoa oải hương được biết đến với tác dụng thư giãn. Năm 2005, một nghiên cứu về tinh dầu hoa oải hương cho thấy loại tinh dầu này cũng có thể có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng này.
3. Tinh dầu hoa cúc tím (echinacea)
Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2007, về đánh giá công dụng của tinh dầu hoa cúc tím trong việc phòng ngừa và điều trị cảm lạnh thông thường, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bộ phận của cây hoa cúc tím có thể giúp điều trị các triệu chứng cảm lạnh. Tinh dầu có nguồn gốc từ cây hoa này cũng đem lại lợi ích tương tự.
Sự kết hợp của hoa cúc tím và cây xô thơm đã được chứng minh là có công dụng làm giảm sự khó chịu từ đau họng. Khi được sử dụng dưới dạng tinh dầu, chúng có thể có tác dụng tương tự.
4. Tinh dầu cam đắng
Trước đây, tinh dầu cam đắng đã được sử dụng như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống để hỗ trợ giảm cân. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng loại tinh dầu này cũng có thể có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, có thể giúp giảm đau họng.
5. Tinh dầu tràm trà
Dầu tràm trà có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm mạnh giúp chống lại vi trùng. Loại tinh dầu này thường được sử dụng như một chất khử trùng cho tình trạng nhiễm trùng nướu và các vấn đề răng miệng khác.
6. Hỗn hợp tinh dầu quế, cà rốt hoang dã, khuynh diệp và hương thảo
Đôi khi việc sử dụng một hỗn hợp tinh dầu sẽ đem đến hiệu quả hơn so với việc dùng chỉ một loại dầu duy nhất. Theo nghiên cứu thực hiện năm 2017 về “Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus của ba hỗn hợp tinh dầu” thì sự pha trộn của các tinh dầu quế, cà rốt hoang dã, khuynh diệp và hương thảo đem đến cả đặc tính kháng khuẩn và kháng virus. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự phối trộn này có thể là một phương pháp điều trị công hiệu cho cả bệnh cúm và viêm phổi do vi khuẩn.
7. Tinh dầu khuynh diệp
Tinh dầu khuynh diệp thường được sử dụng như một chất khử trùng để điều trị cảm lạnh, viêm họng và ho. Một nghiên cứu năm 2011 đã so sánh đặc tính kháng khuẩn của các loại dầu khuynh diệp khác nhau. Dầu được làm từ các bộ phận khác nhau của cây có thành phần hóa học khác nhau và đều có công dụng kháng khuẩn ở một mức độ nào đó. Dầu từ quả khuynh diệp có hoạt tính kháng khuẩn cao nhất, thậm chí còn chống lại một số vi khuẩn kháng thuốc.
8. Tinh dầu chanh
Năm 2017, nhóm 4 nhà khoa học công tác tại Phòng thí nghiệm Cải tiến công nghệ sinh học và Công nghệ sinh học, Trung tâm Công nghệ sinh học của Sfax, Tunisia, đã chứng minh tinh dầu chanh có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với vi khuẩn gây bệnh listeria.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, tinh dầu chanh cũng có thể đem lại hiệu quả đối với các loại vi khuẩn khác gây ra tình trạng viêm họng.
Lưu ý là việc sử dụng tinh dầu được chiết xuất từ cam quýt trên da khiến làn da của bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Nếu bạn đang sử dụng các sản phẩm pha loãng từ nhóm tinh dầu này cho da, bạn hãy tránh để da tiếp xúc với ánh nắng.
9. Tinh dầu bạc hà
Có thể bạn chưa biết: Tinh dầu bạc hà là thành phần chính được sử dụng trong các viên ngậm trị đau họng và thuốc ho dùng để điều trị bệnh viêm họng. Nghiên cứu về “Hoạt động kháng khuẩn và chống oxy hóa của Mentha piperita L.” cho thấy tinh dầu bạc hà có đặc tính kháng khuẩn tương tự như kháng sinh gentamicin (Garamycin). Do đó, việc hít tinh dầu bạc hà cũng có thể giúp giảm viêm và giảm đau nên giúp giảm chứng đau họng.
10. Tinh dầu gừng
Gừng được biết đến là một thảo dược có tác dụng làm dịu dạ dày và là một phương thuốc tự nhiên giúp điều trị bệnh cảm lạnh thông thường. Theo cuốn “Herbal Medicine: Biomolecular and Clinical Aspects. 2nd edition” của nhóm tác giả Iris F. F. Benzie, Sissi Wachtel-Galor thì gừng có khả năng chống viêm có thể giúp giảm đau họng. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tinh dầu gừng để giúp giảm viêm họng.
11. Tinh dầu tỏi
Tinh dầu tỏi có chứa allicin, một hợp chất có đặc tính kháng virus và kháng nấm. Loại tinh dầu này có thể đặc biệt hữu ích trong việc chữa viêm họng do virus gây ra. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi có khả năng kháng khuẩn giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Mách bạn cách sử dụng tinh dầu chữa viêm họng
Để sử dụng tinh dầu, bước đầu tiên là bạn cần chọn đúng loại dầu phù hợp với bản thân (về mùi hương). Khi chọn các loại tinh dầu, hãy tìm các loại dầu hữu cơ được sản xuất và cung cấp bởi một thương hiệu uy tín. Bao bì sản phẩm phải có đầy đủ các thông tin nguyên liệu, xuất xứ, ngày chưng cất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng.
Khi bạn đã chọn một loại tinh dầu, có một số cách để sử dụng nó khi bị đau họng:
- Hít tinh dầu khuếch tán trong hơi nước nóng: Bạn có thể bỏ nhiều nhất 3 – 4 giọt tinh dầu vào 1 cốc nước sôi, trùm đầu bằng khăn và hít hơi nước qua mũi. Trong khi hít hơi tinh dầu, bạn nên nhắm mắt để tinh dầu không gây kích ứng mắt.
- Hít trực tiếp: Thêm 2 hoặc 3 giọt tinh dầu vào một miếng bông gòn, khăn tay hay bông tẩy trang và ngửi. Bạn cũng có thể đặt bông gòn có tẩm tinh dầu bên cạnh gối khi ngủ.
- Khuếch tán: Thêm vài giọt tinh dầu vào máy khuếch tán đặt trong phòng. Máy sẽ khuếch tán tinh dầu trong không khí.
- Thoa ngoài da: Thêm tối đa 10 giọt tinh dầu vào 2 muỗng canh dầu nền (dầu dừa, dầu jojoba, dầu ô liu) và thoa lên vùng da bên ngoài cổ họng của bạn.
Lưu ý là bạn không uống tinh dầu, không bôi tinh dầu nguyên chất lên da. Trước khi thoa lên da, bạn pha loãng chúng với dầu nền.
Những lưu ý trong việc sử dụng tinh dầu chữa viêm họng
Tuy có thành phần hoàn toàn tự nhiên nhưng tinh dầu cũng có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Theo Trung tâm Phòng chống Ngộ độc Thủ đô, Hoa Kỳ, nuốt phải một lượng nhỏ dầu khuynh diệp có thể gây co giật.
Việc sử dụng tinh dầu cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Hãy ngưng sử dụng và đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ tình trạng nào sau đây trong khi sử dụng các loại tinh dầu:
- Khó thở
- Ngứa
- Phát ban
- Nhịp tim nhanh…
Nếu đang mang thai hoặc cho con bú, bạn cần cẩn trọng hơn trong việc sử dụng tinh dầu. Tốt nhất, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại tinh dầu nào cho bất kỳ mục đích gì.
Trước khi sử dụng tinh dầu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc nhà trị liệu bằng hương liệu. Nhiều loại tinh dầu không an toàn cho trẻ em, chẳng hạn như tinh dầu bạc hà. Việc sử dụng loại tinh dầu này có thể gây ra triệu chứng khó thở ở trẻ em và vàng da ở trẻ sơ sinh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều loại tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và kháng virus. Tinh dầu có thể được xem là một phương thuốc thay thế để điều trị cho tình trạng đau họng.
Bạn có thể uống một cốc trà bạc hà ấm hoặc trà gừng với chanh và mật ong để tận hưởng những lợi ích của các loại thảo dược này.
Hầu hết các cơn đau họng sẽ tự biến mất trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn đã áp dụng các biện pháp chữa đau họng kể trên mà cơn đau họng của bạn vẫn kéo dài và có xu hướng tồi tệ hơn hoặc bạn bị sốt cao, hãy đến bệnh viện khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị hiệu quả.
Lan Quan/HELLO BACSI