Uống thuốc – Mối tình đầu ngọt ngào hay đau khổ?

(3.68) - 95 đánh giá

Nếu ai đã từng trị bệnh cho con nít thì sẽ hiểu nỗi niềm cho con uống thuốc, cả nhà cùng vật lộn để con được uống thuốc, rồi nó phun phèo phèo, khóc đã đời rồi ói ra, rồi uống trở lại. Tưởng tượng một ngày uống 3-4 lần như vậy, thêm vào sự lo lắng, trăn trở không ngon giấc vì không biết con mình uống đủ liều hay không, hay uống quá liều, không biết có hết bệnh không hay bị tác dụng phụ gì không? Đối với đứa nhỏ thì có khi uống thuốc thành cuộc tra tấn về tinh thần và thể xác, ám ảnh nó cho tới lớn.

Chính vì vậy khi tôi cho toa, luôn ráng chọn loại nào uống lượng ít, ít lần trong ngày, thêm vị thơm ngọt vào trong thuốc, và càng ít thuốc càng tốt. Tôi có dịp tham khảo nhiều toa thuốc từ Việt Nam, thấy tội nghiệp mấy bé ở bên đó, chỉ có cảm sổ mũi thôi mà uống gần một rổ thuốc, chỉ có viêm da cơ địa mà uống 4 – 5 thứ thuốc khác nhau gồm cả corticoid (vô cùng đắng). Chưa kể vấn đề lãng phí tiền bạc và tác dụng phụ có thể có, đó còn là một gánh nặng của cả nhà khi phải cho con uống đống thuốc đó hàng ngày nếu con khó uống thuốc, mà phải nói thêm là thuốc ở Việt Nam không được ưu tiên làm cho con nít như thêm các mùi vị khác nhau ngay tại nhà thuốc như các nước tiên tiến.

Y khoa là để điều trị bệnh tật, nhưng không phải chẩn đoán và cho mớ thuốc là xong chuyện, mà có khi còn là một câu chuyện dài sau đó, chuyện tuân thủ điều trị và lòng tin của bệnh nhân, chuyện bác sĩ thấu hiểu từ những chi tiết nhỏ, những chi tiết nhỏ như vậy làm nên sự thành công trong điều trị. Bác sĩ bên Mỹ có một cái tật khá buồn cười là tính liều thuốc máy móc xong viết cái toa như vầy: Augmentin 7.426 ML hai lần một ngày. Tôi nhìn cái toa xong cười ngất, tưởng tượng mình là cha là mẹ, nhìn cái toa kiểu này không chửi thề mới lạ, làm sao lấy được chính xác lượng thuốc này cho con uống??? Bác sĩ có bao giờ tự cho con uống thuốc chưa???

Khi con bạn cần uống thuốc, nhất là khi chúng bắt đầu có chút trí khôn khoảng từ 1 tuổi trở lên, đó là mối tình đầu của chúng với uống thuốc. Mối tình đầu này ngọt ngào hay đớn đau sẽ quyết định thái độ của chúng với việc uống thuốc sau này. Nếu đó là một kinh nghiệm tốt, một chuyện vui, thì nó sẽ vui vẻ khi gặp lại người tình cũ. Còn nếu đó là một cuộc tình buồn đớn đau căng thẳng, thì mỗi lần thấy bóng dáng người xưa là nó chạy có cờ, nói gì tới ép nó uống người tình đắng nghét đó vô họng.

Chuyện uống thuốc là chuyện gần như 100% sẽ xảy ra, cũng như ai cũng sẽ yêu ít nhất một lần trong đời, thì chúng ta nên chuẩn bị cho con để không đớn đau trong cuộc tình này.

Chuẩn bị tâm lý

Một cách chuẩn bị tâm lý rất tốt là cho con chơi trò làm bác sĩ, khám bệnh cho búp bê, búp bê đã bị bệnh và cần phải uống thuốc, bác sĩ sẽ cho búp bê uống thuốc và búp bê sẽ hết bệnh sau khi uống thuốc. Con sẽ hiểu khi bệnh thì có lúc cần phải uống thuốc, và dễ chấp nhận hơn khi cần phải uống thuốc thật sự, có khi phải nhắc con nhớ trò này khi cho con uống thuốc. Dĩ nhiên là bạn phải chơi với con, còn nếu con có ipad, ba mẹ có iphone thì thôi đi.

Gương mặt tươi cười

Cho dù con đang bệnh, cho dù bạn đang rầu rĩ vì mới phải trả bộn tiền cho mớ thuốc, đừng bao giờ cho con uống thuốc với một gương mặt buồn bã, lo lắng, một thái độ tiêu cực hay ép buộc. Cho dù là còn rất nhỏ, con bạn sẽ cảm nhận được thái độ này và sợ thuốc. Thay vào đó hãy “giả bộ” như uống thuốc là một chuyện vui, một điều có ích. Một bà mẹ chia sẻ khi cho đứa con 10 tháng uống thuốc, chị cho thuốc vào một bơm tiêm hay ống bơm, chị chơi trò cút bắt với con bằng cách bịt mắt, vài lần thì chị bơm thuốc vào hai bên miệng của con trong lúc bịt mắt, đứa con 10 tháng nuốt ngay vì đang mê chơi và còn không biết là mình vừa uống thuốc, có người thì chơi trò lái máy bay để cho con uống thuốc.

Vừa cười vừa cho con uống thuốc thì uống thuốc sẽ là chuyện nhẹ nhàng với con. Nhẹ nhàng, tươi vui và kiên nhẫn.

Vòng qua lưỡi

Khi cho con uống thuốc, nhất là thuốc có vị đắng, không nên cho vào giữa miệng, nên dùng một bơm tiêm hay ống nhỏ, trẻ há miệng hay nhéo nhẹ vào má trẻ kéo ra và cho bơm tiêm hay ống thuốc vào hai bên má tới phía sau miệng và bơm từ từ vào để tránh lưỡi tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Trẻ nhỏ có thể cho ngậm ống bơm thuốc và mút từ từ nếu thuốc ngọt.

Cải thiện mùi vị

Nên chọn thuốc có mùi vị thơm ngọt sẽ khiến trẻ thích uống hơn, các pharmacy ở Mỹ có thể thêm các mùi vị như dâu, chuối, nho, dưa hấu,… Bạn nên nói với bác sĩ để bác sĩ có thể giúp bạn, nếu không có thuốc dễ uống hay không thể thêm mùi vị, có thể dùng các loại nước ép trái cây bé thích thêm vào thuốc cho bé dễ uống, chú ý không dùng quá nhiều bé sẽ không uống hết.

Thuốc vào thức ăn

Hầu hết các loại viên nén có thể được tán nhuyễn ra, hay có viên nang có thể được tháo ra để lấy các hạt thuốc bên trong (không được tán nhuyễn), và cho vào thức ăn trẻ ưa thích. Bên Mỹ hay dùng các loại như sốt táo (apple sauce) để cho thuốc vào và cho trẻ ăn, nhớ là phải cho ăn hết mới đủ liều.

Nhớ là nên hỏi bác sĩ trước khi dùng cách này vì một số thuốc dạng phóng thích chậm sẽ làm thay đổi tác dụng thuốc nếu tán nhuyễn ra. Khi tán nhuyễn có thể cho vào bọc nylon và nghiền bằng muỗng lớn.

Cho trẻ quyền kiểm soát

Bạn có thể cho trẻ được chọn lựa việc uống thuốc như là: uống trong ly nhỏ hay từ ống nhỏ thuốc, uống trước hay sau khi tắm, chọn loại mùi vị gì. Trẻ thường sẽ dễ chấp nhận và hợp tác hơn khi được chọn lựa, chúng ta cũng vậy. Thực sự đây là một khía cạnh rất hay mà cha mẹ cần phải học, nhất là cha mẹ VN thường theo kiểu áp đặt.

Uống thuốc lạnh

Uống thuốc lạnh sẽ làm tê vị giác và không bị khó chịu vì đắng, có thể cho ngậm viên nước đá NHỎ trước khi uống, hay cho thuốc trong tủ lạnh trước khi uống, nhất là các thuốc như corticoid rất đắng.

Làm ấm thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt thường được bảo quản trong tủ lạnh, nếu đem ra nhỏ liền sẽ rất khó chịu cho trẻ, nên cầm trong lòng bàn tay làm ấm 5-10 phút trước khi nhỏ vào mắt. Tốt nhất nhỏ khi ngủ, và nên nhỏ vào góc trong của mắt, thuốc sẽ phát tán ra cả mắt khi trẻ mở mắt hay chớp mắt.

Đánh lừa cái lưỡi

Cho trẻ ăn hay uống chút thức ăn lỏng mà lạnh ngọt như siro đá, chocolate lỏng trước khi uống thuốc sẽ làm lưỡi bị bao phủ bởi vị ngọt, giúp trẻ uống dễ hơn mà không bị đắng.

Phần thưởng

Khi trẻ lớn hơn thì có thể dùng phần thưởng để khích lệ, phần thưởng có thể là món đồ chơi nhỏ trẻ thích, có thể dùng những miếng dán có hình nhân vật hoạt hình trẻ thích dán vào lịch để trẻ thấy tiến triển của mình. Phần thưởng đầu tiên không nên quá khó sau đó có thể tăng độ khó từ từ như là uống hết một hay vài ngày thuốc mới có phần thưởng.

Tập uống thuốc viên

Khi trẻ từ 5 – 6 tuổi trở lên, bạn có thể tập cho uống thuốc viên, bắt đầu bằng tập nuốt những viên kẹo nhỏ như một trò chơi. Có thể áp dụng vài mẹo nhỏ, như nhúng thuốc viên nang vào nước lạnh trước khi cho uống để làm trơn hơn, hay bẻ nhỏ viên nang cho vào rau câu và uống nhiều lần.

Thật thà

Đừng bao giờ gạt trẻ bằng cách bảo là thuốc ngọt, dễ uống nếu thật sự không phải vậy, trẻ có suy nghĩ từ rất sớm và bạn sẽ làm trẻ rối loạn trong tư duy, mất lòng tin vào chính bạn. Giải thích cho trẻ uống thuốc sẽ làm trẻ bớt đau, thoải mái hơn, và trẻ sẽ cám ơn và tin bạn khi hết bệnh hay cảm thấy tốt hơn. ĐỪNG bao giờ gạt trẻ rằng thuốc là kẹo, con bạn sẽ tìm thuốc uống thay cho ăn kẹo và sẽ bị quá liều thuốc.

Nhờ bác sĩ

Tâm sự cùng bác sĩ để có sự giúp đỡ. Sự giúp đỡ có thể là:

  • Dùng thuốc có nồng độ cao hơn để làm giảm lượng thuốc phải uống, thay vì phải uống 10ml (500mg) thuốc Amoxicillin 250/5ml, thì chỉ cần uống 6.25ml loại 400mg/5ml thôi.
  • Dùng thuốc uống ít lần trong ngày hơn, 1 – 2 lần thay vì 3 – 4 lần
  • Dùng thuốc dạng syrup cho trẻ nhỏ, thêm mùi vị.
  • Thay bằng thuốc nhét hậu môn, hoặc thuốc tiêm tuỳ trường hợp cụ thể

Bác sĩ nên luôn suy nghĩ cho bệnh nhân khi cho thuốc, đặt mình vào hoàn cảnh cha mẹ mà đưa ra phương án tốt nhất.

Khi đã bó tay

Khi con bạn đã lỡ có mối tình đầu đau khổ với thuốc, hay khi phải uống quá nhiều và quá lâu, thì mỗi lần uống thuốc phải vật lộn là điều khó tránh khỏi. Có vài mẹo nhỏ có thể giúp đỡ như là nhờ người khác cho uống thay vì cha mẹ vì trẻ sẽ bớt chống đối với người lạ. Khi cần giữ chặt trẻ thì nên dùng chăn quấn trẻ sẽ bớt chống đối hơn.

Cho con uống thuốc là một kiến thức cần phải học và chuẩn bị, chứ không phải đợi tới con sốt rồi mới nháo nhào đè con ra mà bơm thuốc vào, nó không chống đối mới lạ. Mẹ hoảng thì con sợ thôi.

Bạn có thể tập cho con uống thuốc bằng cách cho uống vitamin, để khi con bệnh thực sự, uống thuốc không còn là nỗi sợ cho cả mẹ lẫn con.

Tài liệu tham khảo

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng – Nhi khoa dễ hiểu

https://www.facebook.com/pediatricsfordummies/photos/a.852266685125353/941563406195680

Biên dịch - Hiệu đính

Quản lý sưu tầm
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Làm gì khi con bị bỏng?

(50)
Rửa vết bỏng bằng nước lạnh nhiều lần ngay lập tức. Để nước lạnh chảy qua chỗ bị bỏng trong thời gian đủ lâu nhằm làm mát vùng bị bỏng và giảm ... [xem thêm]

Những vấn đề về khả năng đi của trẻ

(64)
Khi nào trẻ tập đi? Đa số trẻ nhỏ bước những bước đi đầu đời khi được 1 tuổi, cũng có trẻ sớm hơn hay trễ hơn 1 chút. Để có được những bước ... [xem thêm]

Một số câu hỏi về hen phế quản

(30)
Dưới đây tôi liệt kê những câu hỏi thường gặp nhất của phụ huynh khi có con được chẩn đoán hay nghi ngờ hen phế quản và câu trả lời đơn giản, dễ ... [xem thêm]

Đau ngứa hậu môn ở trẻ em

(24)
Những nguyên nhân gây khó chịu ở hậu môn đối với trẻ em bao gồm táo bón, vệ sinh kém và giun kim. Cảm giác đau khi đi ngoài có thể dẫn tới táo bón và một ... [xem thêm]

Về thuốc chữa ho, sổ mũi

(15)
Tôi đề cập tới 1 nhóm thuốc chữa triệu chứng chính mà thường xuyên xuất hiện trong các toa thuốc cũng như bịch thuốc khi phụ huynh mua tại tiệm: Thuốc ... [xem thêm]

Giúp con vượt qua đợt cảm bằng các mẹo mà không dùng thuốc

(61)
Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kì khuyến cáo không dùng bất kì các thuốc (OTC) giảm ho, sổ mũi nào cho trẻ bị cảm lạnh nhất là trẻ dưới 6 tuổi vì lợi ích thu ... [xem thêm]

Dùng đồng thời nhiều loại vaccine

(93)
Dùng đồng thời nhiều vaccine là gì? Dùng đồng thời nhiều vaccine được định nghĩa là chỉ định nhiều hơn 1 loại vaccine trong cùng 1 ngày khám ở những vị ... [xem thêm]

Chỉ định tầm soát đái tháo đường type 2 ở trẻ em

(17)
Hiệp hội đái tháo đường Mĩ (ADA) khuyến cáo làm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường type 2 cho những em bé có các đặc điểm lâm sàng sau đây: Thừa cân ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN