Biên dịch: Phùng Ngọc Dung; Phan Thị Thu Hiền; Dương Thị Bích Ngọc
Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Thị Hợi – Khoa Nội soi Thăm dò chức năng Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Chăm sóc cho những người được chẩn đoán GIST không dừng lại khi điều trị kết thúc. Bác sỹ điều trị của bạn sẽ tiếp tục kiểm tra để đảm bảo bệnh không tái phát, kiểm soát các tác dụng phụ và theo dõi sức khỏe chung. Điều này được gọi là chăm sóc sau điều trị.
Việc theo dõi thường bao gồm thăm khám thực thể định kỳ, làm các xét nghiệm hoặc cả hai. Các bác sĩ cần theo dõi sự hồi phục của bạn trong những tháng, năm sau khi kết thúc điều trị. Người bệnh tái khám định kì 3 – 6 tháng một lần kéo dài trong vòng 5 năm đầu và sau đó là mỗi năm một lần. Việc theo dõi này rất quan trọng vì khối u luôn có nguy tái phát, thậm chí nhiều năm sau phẫu thuật. Đối với những người bệnh ở giai đoạn GIST di căn, việc điều trị suốt đời là cần thiết để kiểm soát sự phát triển khối u.
Phục hồi chức năng ung thư có thể được bác sỹ khuyên làm và bao gồm bất kỳ dịch vụ nào trong số các dịch vụ như vật lý trị liệu, tư vấn nghề nghiệp, quản lý cơn đau, lập kế hoạch dinh dưỡng và tư vấn tâm lý. Mục tiêu của phục hồi chức năng là giúp mọi người giành lại quyền kiểm soát đối với nhiều khía cạnh của cuộc sống và duy trì sự độc lập và hữu ích nhất có thể.
Theo dõi tái phát
Ung thư có khả năng tái phát vì vậy một trong các mục tiêu của theo dõi là để kiểm tra sự tái phát. Ung thư tái phát được vì còn sót lại một lượng nhỏ các tế bào ung thư trong cơ thể mà ta không phát hiện được. Theo thời gian, các tế bào này tăng lên về số lượng cho đến khi chúng đủ để hiển thị trên các xét nghiệm hoặc gây nên các dấu hiệu và triệu chứng. Trong khi theo dõi, bác sĩ cần nắm rõ tiền sử bệnh của bạn để đưa ra các thông tin cá nhân về nguy cơ tái phát. Bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi đặc biệt về tình trạng sức khỏe của bạn. Một vài bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như xét nghiệm theo dõi thường qui. Những xét nghiệm cần làm khi kiểm tra định kỳ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm giai đoạn và loại ung thư lần đầu tiên được chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị.
Tâm trạng phấp phỏng lo âu trước khi làm xét nghiệm hoặc khi chờ kết quả xét nghiệm có thể làm tăng sự căng thẳng cho bạn và gia đình.
Kiểm soát các tác dụng kéo dài và các tác dụng phụ muộn
Hầu hết mọi người cho rằng tác dụng phụ chỉ xảy ra khi đang điều trị. Tuy nhiên, một điều gây bất ngờ đối với bệnh nhân sau điều trị là một số các tác dụng phụ kéo dài sau đợt điều trị. Một số khác gọi là tác dụng phụ muộn bởi có thể xuất hiện sau điều trị vài tháng hoặc vài năm. Hai tác dụng phụ này có thể bao gồm cả những thay đổi về thể chất và tâm lý.
Nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ xuất hiện một số tác dụng phụ dựa vào loại u, kế hoạch điều trị, và sức khỏe chung của bạn. Nếu bạn đã được điều trị bằng một phương pháp chắc chắn sẽ gây tác dụng phụ muộn, bạn có thể được thăm khám, chụp phim, hoặc các xét nghiệm máu để giúp tìm ra và kiểm soát các tác dụng phụ đó.
Lưu trữ hồ sơ bệnh án cá nhân
Người bệnh và bác sỹ cần cùng nhau xây dựng kế hoạch theo dõi sau điều trị. Người bệnh cần nói cho bác sỹ biết tất cả những băn khoăn, lo lắng về sức khỏe thể chất và tinh thần của mình trong tương lai. ASCO đưa ra một số biểu mẫu ghi lại quá trình điều trị và xây dựng kế hoạch chăm sóc sau khi điều trị kết thúc.
Đây cũng là thời điểm tốt để hỏi bác sỹ điều trị xem ai sẽ là người tiếp tục theo dõi sau điều trị cho bạn. Một số bệnh nhân tiếp tục đến gặp bác sỹ điều trị ung thư, một số khác sẽ do bác sỹ gia đình hoặc những bác sỹ khác theo dõi sau khi kết thúc điều trị. Quyết định này phụ thuộc vào một vài yếu tố bao gồm: loại u và giai đoạn khối u, các tác dụng phụ, luật bảo hiểm y tế và sở thích cá nhân.
Nếu bác sĩ theo dõi sau điều trị không phải là người đã trực tiếp điều trị cho bạn, hãy chia sẻ biểu mẫu tóm tắt điều trị và biểu mẫu kế hoạch chăm sóc sau điều trị của bạn với họ và với tất cả những bác sỹ theo dõi sau này.
Tài liệu tham khảo
https://www.cancer.net/cancer-types/gastrointestinal-stromal-tumor-gist