Tìm hiểu chung
Nhiễm trùng hậu sản là bệnh gì?
Nhiễm trùng hậu sản bao gồm một loạt các nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi sinh và mổ lấy thai hoặc trong quá trình cho con bú. Ngoài chấn thương xảy ra trong suốt quá trình sinh hoặc mổ lấy thai, những thay đổi sinh lý trong suốt thai kỳ cũng góp phần vào sự hình thành nhiễm trùng hậu sản. Cơn đau điển hình mà nhiều phụ nữ cảm thấy trong giai đoạn ngay sau sinh cũng gây khó khăn để phân biệt nhiễm trùng hậu sản và đau sau sinh. Một số nhiễm khuẩn thông thường bao gồm:
- Viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng nội mạc tử cung;
- Viêm vú, nhiễm trùng vú;
- Nhiễm trùng vết mổ;
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng hậu sản là gì?
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng hậu sản bao gồm:
- Đau hạ vị, sốt nhẹ hoặc sản dịch có mùi hôi (dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung);
- Đau, cứng, nóng, đỏ ở một hoặc cả hai bên vú kèm theo sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi hay đau đầu (dấu hiệu của viêm vú);
- Da đỏ, tiết dịch, sưng, nóng, nhạy cảm hoặc đau xung quanh vết mổ, vết thương (dù đó là vết rạch lấy thai, khâu cắt tầng sinh môn hoặc vết rách), vết mổ có dấu hiệu sắp bung;
- Tiểu khó, tiểu đau, cảm giác phải đi tiểu thường xuyên và khẩn trương nhưng tiểu ra rất ít hoặc không có, nước tiểu nhiều bọt hoặc có máu (dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu);
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa nhiễm trùng hậu sản diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống phải cấp cứu, vì vậy bạn hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh tình trạng này.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng hậu sản?
Nhiễm trùng hậu sản ít phổ biến kể từ khi xuất hiện thuốc sát trùng và penicillin. Tuy nhiên, một số sinh vật ở da như Streptococcus hoặc Staphylococcus và các vi khuẩn khác cũng gây nhiễm trùng, chúng phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt và ấm áp.
Nhiễm trùng hậu sản thường bắt đầu trong tử cung sau khi sinh. Tử cung có thể bị nhiễm nếu túi ối bị nhiễm trùng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm trùng hậu sản?
Bệnh nhân hậu sản thường tiết dịch âm đạo trong vòng một vài ngày sau khi sinh. Thời gian theo dõi ngắn có thể không đủ để xác định dấu hiệu nhiễm trùng trước khi xuất viện. Theo như nghiên cứu, 94% các trường hợp nhiễm trùng hậu sản được chẩn đoán sau khi xuất viện. Nhiễm trùng hậu sản xảy ra thường xuyên hơn ở những nơi kém vệ sinh, chất lượng chăm sóc sức khỏe kém.
Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng hậu sản?
Dựa trên phương pháp sinh em bé, nguy cơ hình thành nhiễm trùng hậu sản là khác nhau. Tỷ lệ nhiễm trùng là:
- 1-3% khi sinh bằng đường âm đạo;
- 5-15% khi mổ lấy thai được thực hiện trước khi chuyển dạ;
- 15-20% khi mổ lấy thai sau khi chuyển dạ.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, bao gồm:
- Thiếu máu;
- Béo phì;
- Nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng lây qua đường tình dục;
- Khám âm đạo nhiều lần trong quá trình chuyển dạ;
- Theo dõi thai nhi bằng hình thức xâm nhập vào tử cung;
- Chuyển dạ kéo dài;
- Chậm trễ khi vỡ ối và sinh;
- Vi khuẩn liên cầu nhóm B trú ở âm đạo;
- Còn lại một phần nhau thai trong tử cung sau khi sinh;
- Băng huyết sau sinh;
- Trẻ tuổi;
- Thuộc nhóm kinh tế xã hội thấp.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng hậu sản?
Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiễm trùng hậu sản. Bác sĩ có thể lấy mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu để xét nghiệm và tìm vi khuẩn hoặc sử dụng một tăm bông để lấy dịch tử cung nhằm chẩn đoán nhiễm trùng hậu sản.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm trùng hậu sản?
Bác sĩ sẽ cho sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có cho con bú vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc kê toa thuốc. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn cần phải dùng kháng sinh đường tĩnh mạch và cách điều trị khác. Nếu bạn có một vết thương bị nhiễm trùng thì bác sĩ có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để thoát lưu.
Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn sau một vài ngày điều trị bằng kháng sinh nếu sử dụng thuốc đầy đủ ngay cả khi triệu chứng đã biến mất. Nếu thuốc không có tác dụng thì hãy báo cho bác sĩ biết để chuyển sang một loại thuốc khác hoặc một phương pháp khác. Bên cạnh đó, bạn hãy uống nhiều nước để tránh mất nước và nghỉ ngơi nhiều để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm trùng hậu sản?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tắm vòi sen sát trùng vào buổi sáng ngày phẫu thuật;
- Loại bỏ lông mu bằng kéo cắt chứ không dùng lưỡi dao cạo;
- Sử dụng chlorhexidine-alcohol để sát trùng da;
- Dùng thuốc kháng sinh phổ rộng trước khi phẫu thuật.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.