Tuy trẻ tập đi bị căng thẳng nghe có vẻ lạ nhưng đây lại là vấn đề khá phổ biến hiện nay khi các con có biểu hiện không bình thường.
Tuổi tập đi là khoảng thời gian đặc biệt và thú vị vì lúc này thể chất, cảm xúc và nhận thức của các con đều phát triển cùng một lúc. Do có những thay đổi xảy ra trong cơ thể và tâm trí của mình, trẻ mới biết đi thường nhạy cảm với thế giới xung quanh kèm theo xu hướng cảm thấy căng thẳng. Nếu con yêu có biểu hiện sự lo lắng và nóng nảy hơn so với bình thường thì bạn nên tìm hiểu lý do gây ra căng thẳng và đưa ra các giải pháp để làm dịu tâm trạng của bé.
Dấu hiệu trẻ tập đi bị căng thẳng
Các dấu hiệu căng thẳng ở trẻ trong độ tuổi tập đi thường rất đa dạng và khác biệt. Mỗi bé đều có tính cách riêng và sẽ biểu hiện căng thẳng qua các dấu hiệu của riêng mình. Vì vậy, bạn cần phải theo dõi các hành vi cũng như biểu hiện bất thường nơi con.
Những năm tháng chập chững biết đi, trẻ trải qua các mức độ phát triển ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, đòi hỏi trẻ trả lời tại sao con căng thẳng có thể không thực tế. Chỉ cần lắng nghe lời nói hoặc quan sát hành động của con, bạn cũng có thể nhận ra những dấu hiệu về sự hiện diện của căng thẳng.
Dưới đây là một số dấu hiệu trẻ tập đi bị căng thẳng bạn nên lưu ý:
- Thay đổi thói quen ăn uống
- Thay đổi giờ giấc lên giường
- Thay đổi cảm xúc (có dấu hiệu buồn, bám chặt lấy bố mẹ, dễ dàng bỏ cuộc hoặc tức giận)
- Tăng tần suất khóc hoặc cáu giận
- Thường gặp ác mộng và sợ phải đi ngủ
- Các chứng bệnh về thể chất, chẳng hạn như đau đầu hoặc đau bụng
- Những cơn động kinh, ho, cơ thể có các động tác thể hiện sự khó chịu
- Thường xuyên có các thói quen nhai tóc hoặc mút ngón tay
- Thay đổi thói quen đi vệ sinh.
Dù những biểu hiện này không phải lúc nào cũng chỉ ra việc trẻ tập đi bị căng thẳng nhưng chúng có thể liên quan đến những hành vi sai trái, thói quen hoặc sự phát triển của bé trong tương lai.
Nguyên nhân trẻ tập đi bị căng thẳng
Đối với trẻ mới biết đi, nhận thức của bé sẽ ngày càng tăng về vấn đề những người chăm sóc mình hàng ngày chính là lá chắn, bảo vệ con khỏi những mối đe dọa. Dù con yêu đang ở giai đoạn tập đi hoặc bắt đầu đi học mẫu giáo phải xa bố mẹ lâu hơn, bé vẫn sẽ cảm thấy lo lắng. Tuy bé hiểu việc bị tách khỏi người thân là điều bình thường nhưng đôi khi lại tạo ra các suy nghĩ tiêu cực trong con.
Khi gặp căng thẳng, khả năng chịu đựng của bé có xu hướng đi xuống. Điều này có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng từ ngoan ngoãn sang bướng bỉnh, khó khăn khi nói tạm biệt hoặc lo lắng về việc phải tách khỏi người chăm sóc trẻ thường ngày. Sau đây là một số nguyên nhân khiến trẻ căng thẳng:
1. Gia đình có sự thay đổi lớn
Những thay đổi quan trọng trong gia đình như có người qua đời, bố mẹ ly hôn hay mất việc làm hoặc chuyển đến nhà mới đều có thể gây căng thẳng cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, ngay cả những thay đổi tích cực như sự ra đời của em ruột cũng khiến con yêu rơi vào tình trạng căng thẳng vì bé phải thích ứng với một lối sống khác trong gia đình.
2. Tập ngồi bô
Khi việc tập cho con ngồi bô thành công, đây sẽ là cột mốc đáng ghi nhớ. Trẻ em dễ bị căng thẳng nếu bị bố mẹ thúc ép trong khi bé vẫn chưa sẵn sàng. Nếu học cách sử dụng bô khiến con cảm thấy như đang bị phạt, hãy cân nhắc dời lại lúc khác mới cho bé làm quen với dụng cụ này.
Có thể con đang cố gắng nói cho bố mẹ biết rằng bây giờ không phải là lúc học kỹ năng mới này. Bạn và bé càng đấu tranh về vấn đề trên bao nhiêu thì con càng cảm thấy bị căng thẳng bấy nhiêu.
3. Lịch trình quá nhiều
Trẻ em sống cho hiện tại và tận hưởng thời gian để trải nghiệm thế giới xung quanh. Do đó, nếu có quá nhiều hoạt động khác nhau hoặc phải di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác có thể gây ra căng thẳng cho trẻ. Ngoài ra, công việc và thói quen làm việc bận rộn của bố mẹ cũng khiến bé không theo kịp, từ đó dẫn đến tâm lý lo sợ.
Giải pháp khi con yêu bị căng thẳng
1. Kiên nhẫn
Điều quan trọng là hãy giữ bình tĩnh và nhìn nhận những cảm xúc của con yêu nhưng bạn không nên thể hiện sự quan tâm quá mức. Hãy tâm sự với con để trẻ hiểu được mong muốn của bạn. Nói với con rằng việc bé phải xa bố mẹ vào ban ngày là để con được chơi đùa nhiều hơn và sẽ không có gì xấu xảy ra cả. Từ đó, trẻ sẽ học được cách kiểm soát suy nghĩ để không bị dao động bởi sự căng thẳng hay nỗi sợ hãi.
2. Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi
Bố mẹ hãy xây dựng thời gian thích hợp để các con có thể nghỉ ngơi, ngủ trưa và chuẩn bị cho các hoạt động thể chất. Trẻ em sống theo giờ giấc sinh học khác biệt nhiều so với người lớn. Bé không thể đoán trước được mình sẽ làm gì tiếp theo. Vì vậy, hãy dành thời gian để bố mẹ cùng con cái vui đùa và tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau. Điều này sẽ cải thiện tâm trạng của bé và khiến con thoát khỏi cảm giác căng thẳng.
3. Kiểm soát việc xem truyền hình
Hãy thận trọng với những chương trình mà con đang xem trên tivi. Khi bạn xem các tin tức trên truyền hình, có nhiều hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi của con xuất hiện và sẽ ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của con. Do đó, hãy hạn chế theo dõi những tin tức như thế và chỉ xem khi con đã đi ngủ hoặc vắng mặt.
4. Dành cho bé thật nhiều cái ôm hôn
Một số cử chỉ thể hiện sự quan tâm và dành nhiều cái ôm hôn hơn cho bé hằng ngày. Điều này sẽ làm trẻ cảm thấy thoải mái cũng như cân bằng được tâm trạng. Cử chỉ yêu thương này còn giúp nâng cao sự tự tin và khả năng kiểm soát bản thân của trẻ, giúp bé phản ứng linh hoạt hơn trước những thay đổi.