Trẻ dưới 1 tuổi không được xem tivi, tiếp xúc với thiết bị thông minh là cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới trước những lo ngại về ảnh hưởng của vấn đề này đối với sức khỏe trẻ nhỏ.
Vào ngày 24/4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một số hướng dẫn mới về hoạt động thể chất, lối sống vận động và giấc ngủ cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong khuyến cáo này, WHO đã cảnh báo rằng việc trẻ em xem tivi, tiếp xúc, sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng ngày càng nhiều đang trở thành nguyên nhân làm tổn hại sức khỏe của trẻ.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, kêu gọi mọi người hãy làm điều gì đó tốt nhất cho sức khỏe ngay từ giai đoạn đầu đời của trẻ để đảm bảo trẻ có sức khỏe tổng thể tốt. Ông nhấn mạnh rằng: Thực tế đã chứng minh giai đoạn thời thơ ấu rất quan trọng cho sự phát triển của một con người. Những thói quen, lối sống không tốt trong thời thơ ấu có thể trở thành tác nhân tàn phá cuộc sống sau này của trẻ và là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ… ở một số người trong tuổi trưởng thành.
Trong báo cáo được công bố dưới dạng tin tức trên trang web của mình, WHO tuyên bố rằng: Đối với trẻ dưới 5 tuổi không chỉ phải hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với màn hình tivi, thiết bị thông minh… mà còn phải hạn chế việc trẻ ngồi trong xe đẩy, ngồi lì một chỗ quá lâu, cần đảm bảo trẻ có giấc ngủ ngon hơn và có nhiều thời gian hơn để chơi các trò chơi tích cực giúp cơ thể khỏe lên.
Theo các đại diện của WHO, việc giảm thời gian tiếp xúc với tivi hay thiết bị thông minh sẽ giúp trẻ có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất nên nhờ đó mà chất lượng giấc ngủ được cải thiện tốt hơn. Điều này có thể tác động tích cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và sức khỏe của trẻ, giúp ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em sau này.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thời gian tiếp xúc với tivi, thiết bị thông minh quá nhiều chính là thảm họa đối với sức khỏe của trẻ em. Theo The Lancet Child & Adolescent Health, việc tiếp xúc với màn hình tivi, máy tính bảng, điện thoại hơn 2 giờ mỗi ngày có thể dẫn đến tình trạng kém nhận thức và chậm chạp trong suy nghĩ ở trẻ. Một số nghiên cứu khác đã chỉ rằng việc tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị này có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực như hội chứng khô mắt và thị lực kém.
Việc không đáp ứng các khuyến nghị về hoạt động thể chất hiện tại là nguyên nhân gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm ở tất cả các nhóm tuổi. Hiện tại, hơn 23% người trưởng thành và 80% thanh thiếu niên không hoạt động thể chất đầy đủ. Thói quen hoạt động thể chất lành mạnh, thói quen ngủ tốt được thành lập sớm ngay từ bé sẽ được duy trì qua thời thơ ấu, thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành. Do đó, WHO đề xuất một số hoạt động để trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể rời xa các thiết bị này như: đọc sách, kể chuyện, hát và giải đố… Đây là những hoạt động rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Một số khuyến nghị quan trọng theo đề xuất của WHO là:
Đối với trẻ em dưới 1 tuổi:
Hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày, không cho phép tiếp xúc với màn hình tivi, thiết bị thông minh, không ngồi gò bó trong xe đẩy, trong địu… quá 1 giờ/lần. Do đó, WHO khuyến cáo:
- Hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt thông qua hoạt động chơi với người giữ trẻ càng nhiều càng tốt. Đối với những trẻ chưa biết đi, bé nên được vận động cơ thể ít nhất 30 phút mỗi ngày trong khi thức thông qua việc chơi đùa với người chăm sóc.
- Không để trẻ nằm/ngồi quá 1 giờ/lần trong xe đẩy, ghế cao hoặc ngồi/ngủ trong địu và tuyệt đối không cho tiếp xúc với tivi, thiết bị thông minh. Thay vào đó, bạn hoặc người chăm sóc trẻ nên chơi với trẻ, đọc sách và kể chuyện cho trẻ nghe.
- Thời gian ngủ: Đối với trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi, trẻ cần ngủ khoảng 14 – 17 giờ mỗi ngày và 12 – 16 giờ đối với trẻ từ 4 – 11 tháng. Việc ngủ đủ giấc, bao gồm cả giấc ngủ trưa giúp chất lượng giấc ngủ được đảm bảo, trẻ phát triển khỏe mạnh.
Đối với trẻ em từ 1 – 2 tuổi:
Dành ít nhất 3 giờ/ngày cho các hoạt động thể chất và không cho phép tiếp xúc với màn hình tivi, thiết bị thông minh… Đối với trẻ ở độ tuổi này, WHO khuyến cáo:
- Cha mẹ và người trông trẻ cần đảm bảo trẻ có ít nhất 3 giờ mỗi ngày cho các hoạt động thể chất với bất kỳ cường độ nào, bao gồm các hoạt động thể chất cường độ trung bình đến mạnh mẽ, các hoạt động được chia đều cho cả ngày và càng nhiều càng tốt.
- Không bị gò bó quá 1 giờ mỗi lần trong xe đẩy, ghế cao hoặc trong địu trên lưng của người chăm sóc hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài. Đối với trẻ 1 tuổi, không nên dùng thời gian trên màn hình tĩnh (như xem tivi hoặc video, chơi game trên máy tính). Bạn cũng không nên cho trẻ xem tivi, video, chơi game trên máy tính. Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, thời gian tiếp xúc với các thiết bị này không quá 1 giờ, nên hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc càng ít càng tốt. Thay vào đó, trẻ nên được chơi với người chăm sóc, được nghe đọc sách và kể chuyện.
- Thời gian ngủ mỗi ngày của trẻ nên đảm bảo từ 11 – 14 giờ bao gồm cả giấc ngủ trưa. Luôn đảm bảo trẻ ngủ ngon và đủ giấc.
Đối với trẻ em từ 3 – 4 tuổi:
Hoạt động thể chất ít nhất 3 giờ/ngày, thời gian tiếp xúc với màn hình tivi, thiết bị thông minh… tối đa không quá 1 giờ. WHO đã đưa ra các khuyến cáo cho trẻ trong độ tuổi này như sau:
- Cha mẹ và người trông trẻ cần đảm bảo trẻ có ít nhất 3 giờ mỗi ngày cho các hoạt động thể chất với bất kỳ cường độ nào, trong đó ít nhất 60 phút là hoạt động thể chất cường độ trung bình đến mạnh mẽ. Các hoạt động thể chất được trải đều trong ngày và càng nhiều càng tốt.
- Không bị gò bó quá 1 giờ mỗi lần trong xe đẩy, ghế cao hoặc trong địu trên lưng của người chăm sóc hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài. Thời gian xem tivi hay tiếp xúc với các thiết bị thông minh không quá 1 giờ, nên hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc càng ít càng tốt. Thay vào đó, trẻ nên được chơi với người chăm sóc, được nghe đọc sách và kể chuyện, chạy nhảy chơi đùa…
- Thời gian ngủ mỗi ngày của trẻ nên đảm bảo từ 10 – 13 giờ bao gồm cả giấc ngủ trưa. Luôn đảm bảo trẻ ngủ ngon và đủ giấc.
Lan Quan / HELLO BACSI