Ghép tế bào máu gốc hay còn gọi là ghép tủy là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường của một người bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh từ người khác (người hiến tặng). Phẫu thuật này cho phép người nhận có tế bào máu gốc mới có thể tạo máu hiệu quả hơn.
Các tế bào máu gốc là những tế bào nằm bên trong xương, còn được gọi là tủy xương, chúng giống như bọt biển bên trong xương. Các tế bào máu gốc này sẽ phát triển thành 3 loại tế bào máu trưởng thành sau đây:
- Hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể
- Bạch cầu chống nhiễm trùng
- Tiểu cầu giúp đông máu.
Ngoài ra, một lượng nhỏ tế bào gốc có thể được tìm thấy trong máu và trong dây rốn (dây kết nối bào thai đến nhau thai của người mẹ). Một loại tế bào gốc khác, gọi là tế bào phôi gốc, có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể. Những tế bào này không nằm trong tủy xương.
Khi nào phương pháp ghép tế bào gốc được sử dụng?
Các bác sĩ sử dụng ghép tế bào gốc để điều trị những người có:
- Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.
- Bệnh nhân trải qua điều trị với liều cao hóa trị và xạ trị trong quá trình điều trị bệnh ung thư khác có thể gây tổn thương nghiêm trọng hoặc phá hủy tủy xương. Cấy ghép tế bào máu gốc giúp thay thế những mô bị phá hủy này bằng những tế bào khỏe mạnh.
- Bệnh lý về máu nặng, như thalassemias, thiếu máu bất sản, thiếu máu hồng cầu hình liềm. Trong các bệnh này, cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu hoặc hồng cầu sản xuất ra không thể làm được nhiệm vụ của chúng.
- Một số bệnh suy giảm miễn dịch làm cơ thể không thể sản xuất đủ bạch cầu để chống lại nhiễm trùng. Nếu không có các tế bào bạch cầu, những căn bệnh nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Cấy ghép cung cấp tế bào gốc để thay thế các bạch cầu bị mất.
Có các loại cấy ghép tế bào gốc nào?
Hai loại cấy ghép tế bào gốc chính là tự thân và dị thân.
Đối với phương pháp cấy tự thân, tế bào gốc của bạn sẽ được thu thập và lưu trữ để sử dụng sau này. Phương pháp này được sử dụng nếu cơ thể bạn vẫn còn lại một ít tế bào còn khỏe mạnh. Còn những tế bào ung thư sẽ được loại bỏ.
Đối với phương pháp cấy ghép dị thân, bạn sẽ nhận tế bào gốc từ người hiến tặng. Người hiến có thể là họ hàng (như người anh trai hoặc em gái) hoặc một người không có họ hàng gì với bạn. Bạn cũng có thể nhận tế bào gốc từ máu cuống rốn được tặng bởi một người không có họ hàng với bạn.
Để ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra, các tế bào gốc của người hiến phải càng phù hợp với bạn càng tốt. Để biết người hiến và người nhận có hợp với nhau không, bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm mô HLA.
Quy trình thu thập tế bào gốc diễn ra như thế nào?
Các tế bào gốc được sử dụng trong cấy ghép được thu thập từ người hiến bằng một số cách sau.
Một thủ thuật được gọi “tách chiết”, bác sĩ sẽ lấy máu từ cánh tay của người hiến. Sau đó, máu của người hiến tặng sẽ đi qua một máy tách chiết để lấy ra các tế bào gốc. Phần còn lại của máu sẽ được trả lại cho người hiến.
Tế bào gốc có thể được thu thập trực tiếp từ khung xương chậu của người hiến tặng. Thủ thuật này không còn được sử dụng nhiều nữa vì phải được thực hiện tại một bệnh viện và phải gây tê hoặc gây mê. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ chích một kim rỗng vào xương chậu để hút tủy ra khỏi xương.
Máu chứa tế bào gốc có thể thu thập từ một dây rốn và nhau thai sau khi một em bé được sinh. Máu sẽ được đông lạnh và lưu trữ tại một ngân hàng máu dây rốn để sử dụng trong tương lai.
Nhìn chung, ghép tế bào gốc có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, đối với một số người, ghép tế gốc là cách điều trị tốt nhất để chữa lành bệnh hoặc để kéo dài sự sống.