U vú là sự phát triển các mô trong vú. Các khối u thường xuất hiện trong vú và thường lành tính. Nguyên nhân có thể là do:
- U nang;
- Bướu sợi tuyến vú (khối u lành tính);
- Sẹo, mô ở vết thương;
- Ung thư (trường hợp hiếm).
Khối u có thể là ung thư, vì vậy bạn cần được bác sĩ chẩn đoán và kiểm tra ngay. Khối u cũng có thể là các u nang hoặc các mảng cứng, thường là bướu sợi tuyến vú. Các khối u này thường được chẩn đoán và xác định lành tính hay không bằng phương pháp y tế.
Làm thế nào biết được bạn mắc u vú?
Khối u vú có thể khác nhau. Nếu bạn có một khối u vú, bạn có thể cảm nhận được:
- Một khối u rõ ràng dưới da;
- Một vùng dày, nhô lên một chút dưới da, khác hẳn so với các mô vú xung quanh;
- Vú đỏ, có lúm hoặc hõm trên da;
- Một bên vú lớn hơn bên còn lại (vú bất đối xứng);
- Thay đổi núm vú, chẳng hạn như núm vú đó kéo vào trong hoặc có chất dịch bất thường từ núm vú;
- Đau vú, ngực.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn phòng ngừa u vú như thế nào?
Nguyên nhân gây ra u vú vẫn chưa được nghiên cứu và hiểu rõ. Vì vậy, không có phương pháp cụ thể để phòng ngừa u vú. Tuy nhiên, các phương pháp sau đây giúp bạn có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh:
- Tự kiểm tra vú. Bạn có thể dùng tay để kiểm tra các bất thường ở vú. Thời điểm kiểm tra tốt nhất là sau chu kỳ kinh nguyệt từ 3 – 5 ngày.
- Nếu có các bất thường ở vú, hay chu kỳ kinh nguyệt, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.
Bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp kiểm tra sau đây để xác định liệu bạn có mắc u vú hay không:
- Siêu âm;
- Sinh thiết;
- Chụp nhũ ảnh.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan:
Khi nào thì nên chụp nhũ ảnh?
Những điều cần biết về quy trình xét nghiệm vú