Bơi lội là một môn thể thao tốt cho sức khỏe của bé nhưng nó cũng tồn tại nhiều nguy hiểm. Để tránh những tai nạn đáng tiếc, bố mẹ cần lưu ý đến một hiện tượng tuy không phổ biến nhưng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, đó là chứng đuối nước trên cạn.
Khi cho bé đi bơi, bạn luôn chú ý đến bé. Bạn chắc chắn nhân viên cứu hộ luôn có mặt ở đó và sẽ không để cho bé bị đuối nước. Thế nhưng, đôi lúc cũng không thể tránh khỏi sơ sót. Không phải bố mẹ nào cũng biết rằng khi bị đuối nước, dù bé đã được cứu sống nhưng vẫn còn nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng đang đe dọa.
Đuối nước là gì?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp quá nhiều dẫn đến khó thở. Điều này thường xảy ra khi bơi lội hoặc tắm nhưng đôi lúc cũng xảy ra khi uống nước. Không phải trường hợp đuối nước nào cũng dẫn đến tử vong. Nếu nạn nhân được sơ cứu đúng cách thì hoàn toàn có khả năng sống sót.
Chết đuối trên cạn và chết đuối thứ cấp là những hình thức chết đuối hiếm gặp nhưng nó lại khá phổ biến ở trẻ em, chỉ chiếm khoảng 1–2% số lượng các ca đuối nước. Đuối nước trên cạn diễn ra khi bé bị chìm xuống nước và hít vào một lượng nước. Chính lượng nước này sẽ đi vào đường hô hấp làm cho đường hô hấp co thắt và đóng lại. Còn chết đuối thứ cấp là tình trạng nước tràn vào phổi và tích tụ lại, gây ra tình trạng phù phổi. Do đó, bé sẽ có dấu hiệu khó thở ngay hoặc vài ngày sau mới xuất hiện.
Triệu chứng
- Ho;
- Tức ngực;
- Khó thở;
- Cảm thấy cực kỳ mệt mỏi;
- Hành vi của bé thay đổi.
Bố mẹ nên làm gì sau khi con bị đuối nước trên cạn?
Nếu bé có vấn đề về hô hấp sau khi bị đuối nước, hãy đến gặp bác sĩ. Mặc dù trong nhiều trường hợp các triệu chứng sẽ tự biến mất nhưng tốt nhất, bạn vẫn nên đưa bé đi khám. Bất kỳ vấn đề nào về hô hấp cũng có thể điều trị, nếu bé được khám ngay. Do đó, bạn nên theo dõi bé thật kỹ trong vòng 24 giờ sau khi đuối nước. Nếu các triệu chứng không biến mất hoặc trở nên tệ hơn, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức. Bé cần phải chụp X-quang để bác sĩ biết rõ về tình trạng của bé. Nếu phải nhập viện, bé sẽ được chăm sóc và hỗ trợ. Các bác sĩ sẽ kiểm tra đường hô hấp và theo dõi mức độ oxy của bé. Trường hợp bé bị khó thở nghiêm trọng, có thể sẽ phải sử dụng ống thở trong một thời gian.
Phòng ngừa
Điều quan trọng nhất là bạn phải đề phòng để trẻ không bị đuối nước:
• Luôn theo dõi chặt chẽ khi bé bơi;
• Chỉ cho phép bơi trong khu vực có nhân viên cứu hộ;
• Không bao giờ để bé bơi một mình;
• Không bao giờ để bé một mình gần chỗ có nước ngay cả trong nhà bạn. Nếu nhà bạn có hồ bơi, hãy chắc chắn rằng nó có rào chắn. Đừng quá lơ là ngay cả khi bạn biết rằng nước không sâu.
• Đăng ký cho bé các lớp học phòng chống đuối nước.
Ngoài xảy ra ở hồ bơi, với các bé nhỏ, đuối nước còn có thể xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào như ao hồ, bồn tắm, thau nhựa… Chết đuối trên cạn và chết đuối thứ cấp tuy không phổ biến nhưng luôn là một mối nguy hiểm rình rập các bé. Bạn hãy chú ý trẻ, đừng để tình huống xấu này có thể xảy ra.