Tìm hiểu chung
Bệnh thông liên nhĩ là gì?
Thông liên nhĩ là một dị tât bẩm sinh của tim. Khi mắc phải bệnh lý này, tim bệnh nhân sẽ có một lỗ hở ở vách ngăn giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. Lỗ hở ở vách ngăn này sẽ tạo ra một luồng thông từ trái sang phải làm cho máu ở hai bên của tim hòa trộn vào nhau. Điều này khiến cho máu ít oxy được bơm đi nuôi cơ thể, còn máu giàu oxy thì truyền về phổi. Sự tuần hoàn bất thường này có thể gây ra tình trạng tăng áp phổi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thông liên nhĩ là gì?
Khi mắc bệnh thông liên nhĩ, bạn có thể sẽ không bắt gặp triệu chứng gì trừ khi lỗ hở vách ngăn lớn (lớn hơn 5 mm) hoặc mắc phải khuyết tật khác ở tim.
Nếu lỗ hở lớn, các triệu chứng sau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau khi sinh:
- Khó thở;
- Đánh trống ngực (ở người trưởng thành);
- Nhiễm trùng đường hô hấp (ở trẻ em);
- Thở gấp khi vận động.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Suy tim hoặc các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh rất nguy hiểm và cần sự hỗ trợ y tế kịp thời. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có bất kỳ một trong các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:
- Khó thở;
- Dễ mệt, đặc biệt là sau khi vận động;
- Sưng bàn chân;
- Rối loạn nhịp tim.
Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh thông liên nhĩ?
Nguyên nhân gây ra bệnh thông liên nhĩ vẫn chưa được xác định rõ. Trẻ có thể mắc bệnh do di truyền hoặc do một số yếu tố khác tác động lên người mẹ khi đang mang thai, ví dụ như:
- Môi trường sống;
- Chế độ ăn uống;
- Các loại thuốc mà người mẹ sử dụng.
Nguy cơ mắc phải
Bệnh thông liên nhĩ có nguy hiểm không?
Thông liên nhĩ là dị tật tim bẩm sinh thường gặp nhất ở người trưởng thành. Do là dị tật bẩm sinh nên căn bệnh này không thể ngăn ngừa và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Ở một số trường hợp, lỗ hở sẽ đóng lại khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên ở một số trẻ khác thì lỗ hở vẫn duy trì đến khi trưởng thành. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh cho trẻ bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết cho trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh thông liên nhĩ?
Tình trạng sức khỏe của người mẹ khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ thai nhi mắc bệnh thông liên nhĩ, chúng bao gồm:
- Rubella: nhiễm rubella trong suốt những tháng đầu mang thai có thể tăng nguy cơ mắc dị tật tim ở bào thai;
- Bệnh tiểu đường hoặc Lupus;
- Béo phì;
- Bệnh phenylceton niệu (PKU);
- Thuốc, thuốc lá, rượu hoặc tiếp xúc với một số chất nhất định: việc dùng một số loại thuốc nhất định, thuốc lá, và rượu trong suốt quá trình mang thai cũng có thể tăng nguy cơ xuất hiện khuyết tật ở tim và gây hại đến bào thai.
Điều trị hiệu quả
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thông liên nhĩ?
Bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh thông liên nhĩ ở bạn thông qua khám lâm sàng các triệu chứng và kết quả kiểm tra tim.
Phương pháp kiểm tra tim đơn giản và hiệu quả nhất là nghe nhịp tim bằng ống nghe. Dựa vào âm thanh nghe được, bác sĩ sẽ xác định được máu lưu thông qua tim có ổn định không.
Ngoài ra, siêu âm tim cũng có thể được tiến hành để kiểm tra cấu trúc tim, hoạt động bơm máu cũng như lưu lượng máu. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn gặp chuyên gia khoa tim để làm các xét nghiệm sâu hơn.
Một số xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể đề nghị thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm thông tim;
- Chụp động mạch vành (đối với bệnh nhân trên 35 tuổi);
- Nghiên cứu Dople tim;
- Chụp MRI tim;
- Siêu âm tim qua thực quản;
- Điện tâm đồ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thông liên nhĩ?
Nếu con bạn bị thông liên nhĩ, bác sĩ chuyên khoa tim mạch có thể yêu cầu theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé trong một thời gian. Bác sĩ sẽ kiểm tra lỗ hở có tự khép lại hay không và tiến hành các phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu lỗ hở nhỏ, không gây ra triệu chứng gì hoặc chỉ gây các triệu chứng nhẹ, bé có thể không cần điều trị. Tuy nhiên với trường hợp lỗ hở lớn, khiến cho lượng máu hòa trộn quá nhiều, tim bị sưng hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng thì bé cần phải được chữa trị. Một số phương pháp điều trị bao gồm:
Dùng thuốc: Thuốc không giúp chữa lỗ hở, nhưng chúng có thể dùng để giảm các triệu chứng do bệnh gây ra hoặc những nguy cơ của biến chứng sau khi phẫu thuật. Thuốc cũng có thể giúp giữ nhịp tim bình thường, giảm nguy cơ đông máu.
Phẫu thuật: Trong trường hợp lỗ hở lớn, bác sĩ có thể đề nghị được phẫu thuật. Có hai thủ thuật chính là:
- Thông tim (Cardiac catheterization): ở thủ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một miếng lưới để vá lỗ hở lại. Các mô trong tim sẽ phát triển quanh lưới và lấp liền lỗ hở;
- Phẫu thuật mở tim: được thực hiện nếu lỗ hở quá lớn. Bệnh nhân sẽ được gây mê và sử dụng máy hỗ trợ tim phổi trong quá trình phẫu thuật.
Nếu không mắc các bệnh tim khác, việc lấp lỗ hở sẽ giúp bạn có được tuổi thọ và cuộc sống bình thường như mọi người.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thông liên nhĩ?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát diễn tiến của bệnh thông liên nhĩ:
- Luyện tập thể dục: việc mắc bệnh thông liên nhĩ thường không hạn chế hoạt động của bạn nhưng các biến chứng của nó như tăng áp phổi, loạn nhịp tim, hoặc suy tim thì có thể ảnh hưởng. Hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa tim để có thể giúp bạn lựa chọn phương pháp tập luyện an toàn;
- Thiết lập chế độ ăn uống khỏe mạnh với nhiều rau, quả, ngũ cốc và hạn chế cholesterol cũng như chất béo;
- Tránh bị viêm nhiễm: việc điều trị lỗ khuyết có thể làm thay đổi bề mặt của tim và khiến cho vi khuẩn xâm nhập. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để có biện pháp chữ trị tốt nhất;
- Dùng thuốc đúng như toa của bác sĩ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.