Định nghĩa đi tiêu ra máu
Đi tiêu ra máu là thuật ngữ y khoa dùng để mô tả sự xuất hiện của máu trong phân. Máu có thể chứa đầy cả bồn cầu, hay trải dài thành một vệt trên thành bồn cầu, hoặc chỉ là một vài giọt máu, đây là tình trạng bất thường mà chúng ta không nên bỏ qua mà phải tìm hiểu nguyên nhân. Nguồn chảy máu có thể từ bất kì đoạn nào trong ống tiêu hóa hoặc cơ quan khác, từ mũi, miệng cho đến trực tràng và hậu môn. Màu sắc có thể từ đỏ tươi đến nâu sẫm, đen, tùy vào lượng máu chảy và thời gian máu nằm trong lòng ống tiêu hóa.
Bất cứ khi nào có tình trạng chảy máu trong ống tiêu hóa, máu cũng sẽ bị đào thải ra ngoài cùng với phân. Màu sắc phân sẽ phụ thuộc vào lượng máu chảy, nguồn chảy máu và máu chảy trong ống tiêu hóa nhanh thế nào.
Đôi khi, tình trạng máu chảy rất ít, rỉ rả mà mắt thường không thể nhìn thấy, điều này có thể được nhận biết nhờ các xét nghiệm tại các trung tâm y tế.
Những triệu chứng đi kèm với đi tiêu ra máu là gì?
Tùy vào vị trí và nguyên nhân chảy máu ở đoạn nào của ống tiêu hóa mà màu sắc và độ rắn của phân có thể rất thay đổi:
- Phân có thể có màu đỏ tươi, nâu sẫm, đỏ thẫm hay đen.
- Việc chảy máu có thể không rõ ràng, không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có thể phát hiện bằng xét nghiệm tìm máu trong phân (tìm hồng cầu trong phân).
- Máu có thể chảy tự nhiên ra ngoài theo nhu động của ruột hoặc có thể chảy ra ngoài cùng với phân.
- Nếu phân tạo thành khuôn thì máu có thể hòa lẫn vào trong phân hoặc có thể chỉ phủ ở bề mặt phân.
- Phân có thể thành khuôn hay lỏng như tình trạng tiêu chảy. Phân có thể bình thường về hình dạng và kích thước hoặc có thể bé như đầu bút chì.
- Có thể kèm theo đau bụng hoặc không.
Tùy vào số lượng máu mất và tốc độ mất máu mà người bệnh có thể bị choáng ngất, mệt mỏi, khó thở và đau ngực. Nếu tình trạng máu chảy rỉ rả trong khoảng thời gian dài, cơ thể thích nghi được, những triệu chứng này có thể dần dần xuất hiện. Nếu tình trạng máu chảy ồ ạt, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện đột ngột.
Đi tiêu ra máu không bao giờ được xem là một hiện tượng bình thường và không được kết luận đó là do nguyên nhân lành tính trừ khi các bác sĩ tầm soát loại trừ được các nguyên nhân ác tính. Kể cả khi máu được xác định là do bệnh trĩ (một nguyên nhân thường gặp gây đi tiêu ra máu đỏ tươi), thì lượng máu chảy ra có thể vẫn đáng kể và người bệnh sẽ cần đến can thiệp của thủ thuật hay phẫu thuật để kiểm soát tình trạng chảy máu.
Đi tiêu ra máu (Nguồn: www.egeszsegtukor.hu)
Nguyên nhân gây đi tiêu ra máu là gì?
Máu hiện diện trong phân có thể có nguồn hốc từ bất kì đoạn nào trong ống tiêu hóa.
- Bệnh trĩ
Trĩ là nguyên nhân hay gặp nhất gây đi tiêu ra máu. Mạch máu ở thành trực tràng có thể phình to, bị sưng tấy và chảy máu. Trĩ có thể do tình trạng táo bón lâu ngày làm người bệnh phải rặn nhiều khi đại tiện, do tiêu chảy, có thai, béo phì và ngồi ghế tiểu tiện lâu. Tất cả yếu tố trên làm tăng áp lực trong búi tĩnh mạch trĩ làm chúng phình to lên. Chảy máu thường đi kèm với bỏng rát và ngứa hậu môn.
- Nứt hậu môn
Chảy máu có thể cũng xảy ra do nứt hậu môn, hay nứt da vùng hậu môn. Phân rắn có thể làm cho da bị nứt. Những nguyên nhân khác bao gồm có thai và quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Nứt hậu môn cũng đi kèm với các bệnh khác như viêm nhiễm ở ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng), ung thư và nhiễm trùng. Nứt hậu môn thường rất đau, ngay cả khi ngồi.
- Viêm túi thừa, viêm ruột, dị dạng động tĩnh mạch , viêm ruột do thiếu máu cục bộ, lồng ruột
Máu có thể chảy do nhiều bệnh lý khác nhau của đại tràng, như: viêm túi thừa, viêm nhiễm ruột và dị dạng động tĩnh mạch. Polyp đại tràng, các loại ung thư và khối u khác có thể cũng gây đi tiêu ra máu. Khi lượng máu cung cấp cho đại tràng bị suy giảm hay thiếu hụt, đại tràng có thể bị viêm nhiễm và chảy máu. Điều này có thể do thiếu máu cục bộ ở đại tràng (máu đến đại tràng bị giảm đi), hay do lồng ruột (1 đoạn đại tràng lồng vào 1 đoạn khác và xoắn lại, khi đại tràng tự xoắn lại). Viêm túi thừa chảy máu thường không gây đau, nhưng có thể mất 1 lượng máu đáng kể. Đau là dấu hiệu chảy máu trong đại tràng.
- Nhiễm vi khuẩn hay virus
Tình trạng nhiễm trùng đại tràng thường đi kèm với tiêu chảy phân máu như trong trường hợp nhiễm Shigella, Campylobacter, Clostridium diffcile.
- Viêm – loét dạ dày
Chảy máu có thể xuất phát từ dạ dày hay ruột non. Bệnh lý loét đường tiêu hóa và viêm dạ dày cấp tính là những nguyên nhân thường gặp.
- Chảy máu thực quản
Chảy máu có thể xuất phát từ thực quản do loét, giãn tĩnh mạch (tĩnh mạch phình to) hay Hội chứng Mallory Weiss gây rách thành thực quản, thường do nôn dữ dội.
- Các nguyên nhân khác
Đi tiêu ra máu cũng có thể do nuốt máu chảy từ mũi, từ việc chữa răng hay vết thương khác ở miệng gây chảy máu.
Xem thêm bài Nhiễm trùng shigella – lỵ trực trùng của BS. Huỳnh Bá Tín và BS. Trần Công Bảo PhụngKhi nào đi tiêu ra máu cần gặp bác sĩ?
Bất kì trường hợp đi tiêu ra máu nào đều không phải bình thường và bạn cần phải đến cơ sở y tế để khám và chữa bệnh. Tuy nhiên, trong một số tình huống nhất định bạn cần đến can thiệp y tế ngay lập tức như
- Phân đen, sánh như nhựa đường có thể do chảy máu từ thực quản, dạ dày hay tá tràng (đường tiêu hóa trên). Đặc biệt đây là một nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn ở những bệnh nhân bị bệnh gan và/hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa có giãn tĩnh mạch thực quản. Đây là tình huống tiềm ẩn đe dọa tính mạng.
- Phân màu nâu sẫm có thể do chảy máu đường tiêu hóa trên hay chảy máu từ ruột non.
- Choáng, mệt mỏi, ngất, đau ngực và khó thở có thể là triệu chứng của mất 1 lượng máu đáng kể.
- Chảy máu kèm theo sốt và đau bụng.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đi tiêu ra máu bằng cách nào?
- Tiền sử
Đi tiêu ra máu thường được chẩn đoán dựa vào tiền sử. Bác sĩ có thể hỏi những câu hỏi về tình huống xung quanh việc đi ngoài ra máu bao gồm màu sắc, lượng máu chảy, các triệu chứng đi kèm và tiền sử bệnh lý trước đó.
- Thuốc và thức ăn
Một số loại thuốc và thức ăn có thể đại tiện giống như đại tiện phân máu. Việc uống viên sắt bổ sung và thuốc bọc dạ dày Bismuth (Pepto-Bismol, Kaopectate), có thể làm phân chuyển sang màu đen, cũng giống như với củ cải đường và cam thảo. Thực phẩm có màu đỏ và củ cải đường có thể làm phân chuyển sang màu đỏ.
Những bệnh nhân mà đang dùng thuốc chống đông máu có nguy cơ cao đi tiêu phân máu. Ví dụ thuốc chống đông như Warfarin (Coumadin), Enoxaparin (Lovenox), Aspirin và thuốc kháng kết tập tiểu cầu như Clopidogrel (Plavix), Prasugrel (Effient), và Rivoroxiban (Xarelto).
- Bệnh lý, rượu, và vị trí chảy máu
Những bệnh nhân bị bệnh gan, kể cả những người nghiện rượu có nguy cơ cao chảy máu.
Màu sắc của phân có thể hướng đến nguồn máu chảy. Máu đỏ tươi trong phân thường chảy ra từ đại tràng, màu nâu sẫm thường từ ruột non, và màu đen thường từ đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, nếu chảy máu ồ ạt và máu chảy qua ruột nhanh, có thể không đủ thời gian để dịch tiêu hóa làm phân chuyển sang màu đen.
- Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là quan trọng để đánh giá tình trạng ổn định của bệnh nhân. Các dấu hiệu sinh tồn là quan trọng và có thể kể cả dấu hiệu sinh tồn ở tư thế đứng thẳng, do đó huyết áp và mạch nên được đo vào cả lúc nằm nghỉ ngơi và khi đứng. Ở 1 bệnh nhân có giảm thể tích máu, huyết áp có thể hạ, mạch có thể tăng, và bệnh nhân có thể bị choáng ngất và yếu mệt khi đứng. Sờ nắn bụng được tiến hành để xem bụng có mềm không, có khối hay tạng ổ bụng to, đặc biệt là gan và lách. Thăm trực tràng bằng cách cho 1 ngón tay vào trực tràng, nhằm mục đích cảm nhận khối hay bất thường khác. Màu sắc và độ rắn của phân có thể được kiểm tra khi rút ngón tay ra. Hậu môn cũng có thể được kiểm tra luôn.
- Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể được chỉ định nếu nghi ngờ về lượng máu chảy hay bệnh lý kèm theo khác. Xét nghiệm công thức máu đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu. Xét nghiệm đông máu bao gồm thời gian đông máu PT, chỉ số INR, và thời gian Thromboplastin từng phần (PTT). Tùy vào từng trường hợp mà các xét nghiệm khác có thể được chỉ định để đánh giá điện giải đồ, chức năng gan, thận.
- Thủ thuật
Nếu cần thiết và tùy thuộc vào vị trí mà bác sĩ nghi ngờ nguồn máu chảy, thủ thuật có thể được tiến hành để quan sát bên trong ống tiêu hóa. Nội soi trực tràng có thể được tiến hành ở phòng khám, bằng cách đưa nhẹ nhàng 1 ống soi vào bên trong hậu môn để kiểm tra một đoạn hậu môn và trực tràng ngắn.
Nội soi đại trực tràng là thủ thuật thực hiện cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, nó thường được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hay phẫu thuật viên, bằng cách dùng 1 ống mềm có gắn đèn camera dùng để quan sát bên trong đại tràng. Nội soi trực tràng quan sát được khoảng 25 cm đoạn đại tràng phía dưới, còn nội soi đại tràng kiểm tra được toàn bộ đại tràng từ hậu môn cho đến manh tràng, đoạn chuyển tiếp từ ruột non sang đại tràng.
Nếu nghi ngờ nguồn chảy máu là đường tiêu hóa trên, thủ thuật nội soi đường tiêu hóa trên sẽ được áp dụng, thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra thực quản, dạ dày và hành tá tràng, đoạn đầu của ruột non.
- Xquang
Chụp Xquang có thể hữu ích trong đánh giá đường tiêu hóa. Những xét nghiệm có thể được chỉ định như: chụp Xquang đường tiêu hóa trên hàng loạt, Chụp Xquang với baryt cản quang, chụp ruột non và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng.
Phương pháp điều trị đi tiêu ra máu là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây đi ngoài phân máu và việc điều trị được quyết định theo việc chẩn đoán bệnh.
Có thể phòng tránh đi tiêu ra máu không?
Phần lớn bệnh lý gây đi tiêu ra máu có thể phòng tránh được, nhưng cũng có thể không thể phòng tránh được.
Bệnh trĩ có thể phòng tránh bằng chế độ ăn uống hợp lý để tránh táo bón và tình trạng rặn nhiều khi đi tiêu, tuy nhiên việc mang thai bình thường và bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp lại làm gia tăng nguy cơ hình thành bệnh trĩ.
Việc phòng tránh táo bón cũng làm giảm nguy cơ viêm túi thừa, túi thừa trong thành đại tràng, và nguy cơ chảy máu túi thừa, tuy nhiên có thể đây là hậu quả của chế độ ăn của người phương Tây.
Nghiện rượu làm gia tăng nguy cơ đi tiêu ra máu theo nhiều cách thức khác nhau, từ việc kích thích trực tiếp thành ống tiêu hóa cho đến làm giảm yếu tố đông máu.
Tiến triển của đi tiêu ra máu là gì?
Tiến triển tùy thuộc vào bệnh lý mà bạn mắc phải. May mắn là các nguyên nhân gây đi tiêu ra máu thường là lành tính, do bệnh trĩ hay nứt hậu môn.
Việc quan trọng là triệu chứng đi tiêu phân máu là 1 dấu hiệu bất thường và cần được xác định nguyên nhân. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, và chẩn đoán càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.
Xem thêm bài Xét nghiệm máu ẩn trong phânTài liệu tham khảo
Blood in the Stool (Rectal Bleeding) – MedicineNet