Sáp dưỡng ẩm Vaseline là loại sáp dầu khoáng thường được sử dụng như một chất làm mềm da và làm dịu vết bỏng. Tác dụng của vaseline là không thể chối cãi. Thế nhưng, nếu sử dụng không đúng cách thì bạn có thể gặp phải những tổn thương không đáng có đấy!
Sáp dầu khoáng (petroleum jelly) là một chất béo, nhờn, không mùi, không vị làm từ dầu khoáng và sáp tự nhiên. Sản phẩm này phù hợp với những người có làn da khô vì hoạt động như một lớp bao phủ trên bề mặt da giúp làm dịu sự khô ráp của da.
Sáp dưỡng ẩm Vaseline chính là phiên bản sáp dầu khoáng có thương hiệu của Unilever. Theo Healthline (Petroleum jelly vs. Vaseline), Unilever đã tuyên bố sử dụng những thành phần chất lượng nhất với quy trình lọc đặc biệt để sản xuất sáp dưỡng ẩm Vaseline.
Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách sử dụng thì làn da của bạn sẽ có nguy cơ bị tắc lỗ chân lông, dị ứng và nhiễm trùng vết thương. Để bảo vệ làn da luôn khỏe đẹp, bạn hãy cùng tìm hiểu về những công dụng của Vasenline và những lưu ý khi sử dụng loại sáp này nhé.
Tác dụng của sáp dưỡng ẩm Vaseline
Sáp dưỡng ẩm Vaseline thường được tin dùng như một sản phẩm quen thuộc trong túi xách các cô gái hoặc tủ của các gia đình nhờ những tác dụng làm mềm môi, giữ ẩm và làm dịu vết thương. Ngoài ra, loại sáp dầu khoáng này còn mang lại nhiều tác dụng khác mà có thể bạn chưa biết đấy!
1. Tác dụng của Vaseline giúp giữ ẩm cho da
Sáp dưỡng ẩm Vaseline có chứa thành phần từ dầu khoáng trong khoáng chất tự nhiên nên có thể giúp làn da của bạn cải thiện được tình trạng bong tróc, nứt nẻ và khô da. Sản phẩm này cũng có thể dưỡng ẩm cho làn da bạn thêm mịn màng và khỏe mạnh.
Bạn có thể giúp da mặt của mình mềm mịn hơn bằng cách sử dụng một lượng ít sáp dưỡng ẩm Vaseline thoa lên da mặt. Trong mùa lạnh, bạn cũng có thể sử dụng sáp cho mũi nếu cảm thấy vùng da ở mũi bị khô. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng sáp để bảo vệ đôi bàn tay khỏi những vết chai sần do cầm nắm nhiều.
2. Vaseline có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh chàm
Bệnh chàm là tình trạng da mãn tính gây kích ứng, ngứa và có vảy. Khi mắc phải căn bệnh này, nhiều người thường dùng sáp dưỡng ẩm để giảm ngứa và giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, bạn cần phải hết sức thận trọng hỏi bác sĩ trước khi sử dụng sáp dưỡng ẩm Vaseline để đảm bảo an toàn khi điều trị bệnh chàm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Làm gì khi mắc bệnh chàm
3. Công dụng của Vaseline làm dịu các vết thương nhẹ
Sáp dầu khoáng được sử dụng như một chất làm dịu kích ứng và giúp da mau lành. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, bạn có thể sử dụng sáp này để hỗ trợ chữa lành vết thương nhẹ bởi vì sản phẩm có chứa một thành phần tên là dầu mỏ thạch. Thành phần này hoạt động như một rào cản tự nhiên nên nó có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm nguy cơ để lại sẹo lồi sau khi chữa lành vết thương.
Trước khi sử dụng kem dưỡng ẩm Vaseline để làm dịu các vết thương nhẹ, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh làm tình trạng nặng hơn do dùng sai cách.
4. Vaseline hoạt động như chất tẩy trang
Nhiều người thường sử dụng sáp dầu khoáng để tẩy trang và giữ độ ẩm cho da mặt, đặc biệt là mắt. Khi muốn tẩy trang mắt, bạn nhắm mắt và dùng miếng bông mềm đã thoa lên sáp ấn nhẹ vào vùng da cần tẩy trang. Bạn nên cẩn thận khi thực hiện cách tẩy trang này với sáp dưỡng ẩm Vaseline để để tránh gây dị ứng mắt.
Sáp dầu khoáng cũng giúp bạn tránh được tình trạng thuốc nhuộm dính trên da đầu hoặc tẩy được cả màu sơn móng tay. Trước khi nhuộm tóc tại nhà, bạn có thể thoa sáp dưỡng theo đường chân tóc để ngăn chặn thuốc nhuộm dính vào da đầu gây ra nhiều tác dụng phụ. Trong trường hợp muốn tẩy trang móng tay, bạn có thể thoa một lớp sáp lên da tay để làm mềm và xóa chất sơn. Sản phẩm này cũng có tác dụng ngăn ngừa tình trạng móng bị gãy xước và sứt mẻ.
5. Giúp ngăn ngừa hăm tã
Theo kết quả nghiên cứu năm 2013 (Efficacy of petrolatum jelly for the prevention of diaper rash: a randomized clinical trial.), sáp dầu khoáng có thể giúp ngăn ngừa hăm tã cho trẻ. Khi không có kem chống hăm sẵn ở nhà, mẹ có thể dùng sáp dưỡng ẩm Vaseline để giúp ngăn ngừa hăm tã cho bé. Bạn nên lau sạch và để da bé khô ráo trước khi thoa sáp dưỡng ẩm
6. Tác dụng của vaseline giúp dưỡng môi
Môi bạn thường xuyên bị tình trạng khô ráp, nứt nẻ, gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Đừng lo nhé, Vaseline sẽ giúp bạn không chỉ có một đôi môi mịn màng mà còn căng mọng như đang dùng son bóng nữa đấy.
7. Vaseline hỗ trợ quá trình cạo lông
Trong quá trình cạo lông, nếu bạn lo lắng vùng da của mình bị trầy xước hoặc tổn thương thì hãy thử xoa một lớp mỏng Vaseline vào vùng da cần xử lý. Sáp dưỡng ẩm sẽ giúp bạn giải quyết đám “vi-ô-lông” thật đơn giản và nhanh chóng.
8. Vaseline tẩy tế bào chết cho môi
Bạn cho muối biển xay mịn và đường cát trắng vào một bát nhỏ rồi cho Vaseline vào hỗn hợp trộn đều. Sau đó, bạn làm ẩm môi của mình bằng nước ấm rồi bôi hỗn hợp lên môi và dùng bàn chải đánh răng có lông mềm để chà xát thật nhẹ nhàng. Bạn giữ nguyên môi trong khoảng 30 phút thì rửa lại bằng nước ấm. Bạn thực hiện từ 2 – 3 lần/tuần để làm sạch và chăm sóc da môi tốt nhất.
9. Công dụng của Vaseline xử lý tóc chẻ ngọn
Để hạn chế tình trạng tóc khô ráp và chẻ ngọn, bạn có thể dùng vaseline để thoa lên tóc. Tóc bạn sẽ phục hồi và cải thiện đáng kể sau khoảng 72 giờ sử dụng.
10. Vaseline giúp tạo dáng cho lông mày
Trước khi sử dụng chì kẻ mày hoặc mascara, bạn có thể sử dụng vaseline để tạo dáng nhằm sở hữu cặp lông mày sắc sảo và gọn gàng.
11. Giữ mùi hương nước hoa
Bạn có thể thoa Vaseline trước khi xịt nước hoa lên cơ thể để giúp mùi nước hoa giữ trên cơ thể mình lâu hơn.
12. Tránh làm son dính vào răng
Vào những buổi gặp gỡ, hẹn hò quan trọng, son là người bạn không thể thiếu đối với chị em phụ nữ, nhưng “vật dụng bất ly thân” này đôi lúc có thể làm chị phụ nữ ngượng ngùng vì son dính vào răng. Vậy nên bạn hãy thử bôi Vaseline vào phía trong môi, giáp với răng trước khi đánh son để tình trạng này sẽ không còn tiếp diễn nữa.
Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà sáp dưỡng ẩm Vaseline mang lại thì bạn cũng nên lưu ý về những rủi ro mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng sáp dầu khoáng sai cách nhé.
Lưu ý khi dùng sáp dầu khoáng
So với các loại sáp dầu khoáng thông thường, sáp dưỡng ẩm Vaseline có thể khác biệt một chút về kết cấu đậm đặc, mức độ mềm mịn và mùi hương đặc trưng. Tuy nhiên, chúng lại không có sự khác biệt về mức độ an toàn khi sử dụng. Nếu bạn sử dụng sai cách thì sản phẩm vẫn có thể gây ra những tác hại đối với sức khỏe. Vì thế, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây khi sử dụng sáp dầu khoáng để ngăn ngừa các rủi ro ngoài ý muốn nhé.
1. Làm tắc lỗ chân lông
Sáp dầu khoáng cũng là một trong những tác nhân gây tắc lỗ chân lông nếu lớp sáp không được tẩy sạch hoàn toàn sau một ngày dài dưỡng ẩm trên da bạn. Tình trạng này còn khiến da mặt của bạn bị nổi mụn như mụn đầu đen, mụn trứng cá, mụn bọc…
Trước khi dưỡng ẩm, bạn nên làm sạch da kỹ lưỡng để giảm thiểu nguy cơ mụn tiềm ẩn và cũng cần tẩy sạch hoàn toàn lớp sáp sau khi đã sử dụng một thời gian dài trên da để da mặt được thông thoáng.
2. Gây dị ứng da
Cơ thể bạn có thể bị dị ứng khi sử dụng một số loại sáp dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ thạch. Bạn có thể gặp các triệu chứng dị ứng sau khi sử dụng sáp là phát ban, ngứa, da đỏ, sưng, phồng rộp hoặc đau thắt ngực và cổ họng. Khi gặp phải những dấu hiệu này, bạn hãy nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị nhé.
3. Làm nhiễm trùng da
Nếu bạn không làm sạch da đúng cách và để da khô hoàn toàn trước khi thoa Vaseline lên da thì điều này sẽ vô tình tạo nên nhiều mầm bệnh khiến da bạn bị nhiễm nấm và nhiễm trùng.
Nếu da bạn bị nhiễm trùng khi sử dụng sáp dầu khoáng thì bạn nên ngưng sử dụng sáp và đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ sơ cứu và điều trị vết thương đúng cách.
4. Ảnh hưởng đến sức khỏe
Một số loại dầu khoáng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Khi bạn sử dụng và hít phải chúng trong một thời gian nhất định thì bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh viêm phổi.
Nhiều người cũng thường sử dụng sáp dưỡng này như một cách chống khô môi trong mùa đông lạnh. Tuy nhiên, đôi môi của bạn có thể bị tróc da và chảy máu nếu bạn sử dụng sáp dưỡng có chứa hương liệu không tự nhiên, nhiều phẩm màu và các chất gây kích ứng da khác.
Để tránh những tác hại không mong muốn thì bạn nên cẩn thận thoa một ít sáp dầu khoáng lên tay trước khi sử dụng để xem liệu sản phẩm có phù hợp với làn da của bạn hay không. Đây cũng là một sản phẩm bạn không nên tùy tiện sử dụng khi có bệnh về da mà cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Trong quá trình sử dụng thì bạn cũng cần có thói quen vệ sinh da và sử dụng sản phẩm đúng cách để da thẩm thấu sản phẩm tốt hơn.
Để sáp thẩm thấu vào da tốt hơn thì bạn nên lấy một ít sáp ra tay và nhẹ nhàng xoa hai lòng bàn tay với nhau để làm nóng sản phẩm trước khi xoa đều lên da. Bạn cũng cần lưu ý phải vệ sinh tay, da và giữ cho da khô trước khi sử dụng sản phẩm để ngăn ngừa viêm nhiễm.
Bạn tuyệt đối không sử dụng Vaseline trên làn da dễ bị nổi mụn, những vết thương hở, vết thương đang chảy máu hoặc viêm nhiễm. Nếu như bạn cảm thấy không an tâm và thích sử dụng những sản phẩm có tính thiên nhiên hơn để thay thế các thành phần từ hóa dầu thì bạn có thể lựa chọn sáp ong, dầu dừa, dầu ô liu… Bạn cũng vẫn phải lưu ý khi sử dụng các thành phần thiên nhiên vì chúng cũng có thể gây dị ứng tùy vào cơ địa và thời gian sử dụng của mỗi người.
Sáp dầu khoáng là một trong những loại sáp dưỡng có nhiều lợi ích khi sử dụng ở mỗi vị trí khác nhau trên cơ thể. Thế nhưng, việc sử dụng sáp dầu cũng gây ra những tác đối với làn da nếu bạn chọn lựa sản phẩm không an toàn. Để quá trình dùng sáp dầu khoáng hiệu quả hơn, bạn nên tìm hiểu và tham khảo những loại sáp đáng tin cậy trên thị trường.
Ngay cả khi bạn sử dụng các dòng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như sáp dưỡng ẩm Vaseline thì vẫn có những rủi ro khi bạn vô tình dùng sai cách. Vì thế, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và tham khảo ý kiến của bác sĩ trong trường hợp mình bị tổn thương da hay mắc các bệnh da liễu. Hãy luôn cẩn trọng khi chăm sóc da để lúc nào cũng tự tin với làn da mềm mại và khỏe mạnh nhé!