Rất nhiều người còn mơ hồ về săng giang mai và không biết nó có liên quan gì với bệnh giang mai hay không? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn cảnh về săng giang mai.
Săng giang mai là gì?
Săng giang mai là tổn thương dạng vết loét phổ biến của bệnh giang mai. Khoảng 4 tuần sau khi xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể, chúng mới xuất hiện và tự động biến mất sau đó khoảng 1-2 tháng.
Hình ảnh thường gặp là các nốt đỏ như phát ban ở vùng da nhiễm bệnh. Lâu dần, những nốt ban này sẽ tạo thành vết loét không đau. Ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV, tổn thương sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Vết loét có nhiều khả năng xảy ra trên dương vật, hậu môn hoặc trực tràng của nam giới. Ở phụ nữ, săng giang mai có thể xuất hiện ở cổ tử cung, âm hộ hoặc đáy chậu. Ngoài ra, chúng còn thường xảy ra ở môi, lưỡi, niêm mạc da, mí mắt của cả nam và nữ.
Săng giang mai ở miệng
Đây là tổn thương khá phổ biến của những bệnh nhân giang mai. Săng giang mai ở miệng thường là hậu quả của việc quan hệ tình dục bằng miệng với người bị giang mai. Ngoài ra, bệnh này còn do các yếu tố phi tình dục khác gây ra như hôn hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân (ly, tách…) với bệnh nhân giang mai.
Săng giang mai ở miệng có 2 giai đoạn phát triển:
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện dễ nhận biết nhất là những vết loét không đau xuất hiện ở lưỡi hoặc xung quanh khoang miệng. Vết loét xảy ra sau khi người bệnh có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với bệnh nhân giang mai trước đó từ 3-90 ngày mà không sử dụng bao cao su.
Trong giai đoạn này, vết loét màu hồng đỏ ở miệng có đường kính từ 0,3-3cm, không gây đau đớn hay ngứa ngáy. Nếu xuất hiện ở lưỡi, nó có màu trắng đục với kích thước tương tự như vết loét ở khoang miệng.
Khi chuyển sang giai đoạn 2, vết loét vẫn tồn tại nhưng sau vài ngày, chúng tự biến mất. Tuy nhiên, xoắn khuẩn giang mai không hề mất đi mà tiếp tục lây lan ra toàn thân với các triệu chứng nặng nề hơn như: phát ban khắp cơ thể; đau bụng; rụng tóc bất thường và có thể xuất hiện săng giang mai ở cơ quan sinh dục.
Nếu không được chữa trị sớm, người bệnh rất dễ lây lan xoắn khuẩn gây bệnh cho người khác khi hôn, nói chuyện hoặc quan hệ tình dục bằng miệng.
Bản thân bệnh nhân săng giang mai ở miệng cũng sẽ gặp nhiều bất tiện và nguy hiểm như: ăn uống khó khăn, hôi miệng, vàng răng, viêm lợi… Thậm chí, săng giang mai ở miệng còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ và hệ thần kinh.
Săng giang mai ở bộ phận sinh dục
Nguyên nhân gây săng giang mai ở bộ phận sinh dục chủ yếu là do có hoạt động tình dục không an toàn với bệnh nhân giang mai. Ngoài ra, bệnh còn lây truyền qua đường da tiếp da hoặc dùng chung đồ cá nhân với người bệnh.
Ngay khi xoắn khuẩn giang mai vùng kín từ cơ thể người bệnh xâm nhập vào cơ thể người lành, chúng sẽ tạo ra biểu hiện đặc trưng là nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều bỏ qua những triệu chứng này vì chúng rất mờ nhạt.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3-90 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm xoắn khuẩn. Qua giai đoạn này, bệnh có những biểu hiện rõ ràng hơn.
Đối với phụ nữ sẽ có cảm giác sưng đau, tấy đỏ ở âm hộ và rát buốt khi đi tiểu. Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân còn thấy có máu hoặc mủ lẫn trong nước tiểu của mình. Nếu quan sát kỹ, người bệnh còn thấy khí hư màu vàng, có mùi hôi đi ra cùng nước tiểu.
Ở nam giới: Bệnh nhân có cảm giác tiểu rắt và có mủ lẫn trong nước tiểu. Dương vật bị tổn thương nên sưng to hoặc nổi hạch ở bẹn. Sau một thời gian không điều trị, các hạch đỏ dần lên và có hình tròn.
Mối liên hệ giữa săng giang mai và bệnh giang mai
Săng giang mai và bệnh giang mai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bệnh nhân bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai chắc chắn sẽ có săng giang mai xuất hiện.
Bạn có thể hiểu săng giang mai là giai đoạn tổn thương đầu tiên của bệnh giang mai. Nếu bệnh nhân giang mai không được điều trị triệt để trong giai đoạn này, bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn ở những giai đoạn tiếp theo. Ở thời kỳ biến chứng nguy hiểm, bệnh giang mai có thể khiến người bệnh bị những ảnh hưởng nặng nề như mất kiểm soát hoạt động cơ bắp, sa sút trí tuệ, thậm chí là tử vong.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI