Những điều cần biết về bệnh viêm ruột thừa

(4.34) - 64 đánh giá

TỔNG QUAN

Bệnh viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng trong đó ruột thừa bị viêm và chứa mủ. Ruột thừa là một túi nhỏ như ngón tay nhô ra từ phần đầu của ruột già (manh tràng), thường nằm ở phía dưới và bên phải của bụng. Cấu trúc nhỏ hình con giun này không có chức năng quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không bao giờ tạo rắc rối.

Viêm ruột thừa thường gây đau bắt đầu từ vùng xung quanh rốn và sau đó di chuyển sang vùng bụng dưới bên phải. Đau do viêm ruột thừa sẽ tăng dần trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 giờ và cuối cùng trở nên rất nặng nề.

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng nó thường xảy ra ở người từ 10 đến 30 tuổi. Phương pháp điều trị viêm ruột thừa tiêu chuẩn là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.

Xem thêm bài Viêm ruột thừa cấp của TS.BS. Hoàng Đình Tuy và TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng bệnh viêm ruột thừa

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa có thể bao gồm:

  • Cơn đau âm ỉ bắt đầu xung quanh rốn và thường dịch chuyển sang phía dưới, bên phải của vùng bụng
  • Cơn đau nhói (như bị dao đâm, sharp pain) mạnh lên trong vài giờ
  • Đau xảy ra khi đè vào phía bên phải của vùng bụng dưới
  • Đau nhói ở phía bên phải vùng bụng dưới xảy ra khi vùng này được nhấn xuống và thả ra nhanh chóng ( đau hồi ứng , rebound tenderness)
  • Đau nặng hơn khi ho, đi lại hoặc làm những động tác gây khó chịu khác
  • Buồn nôn
  • Ói mửa
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Sốt nhẹ
  • Táo bón
  • Bí trung tiện (không “đánh rắm”, “xì hơi” được)
  • Tiêu chảy
  • Sình bụng

Vị trí của cơn đau có thể khác nhau tùy vào độ tuổi và vị trí của ruột thừa. Trẻ em hoặc phụ nữ mang thai có thể bị đau ruột thừa ở những nơi khác nhau.

Khi nào nên đi khám bác sĩ

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có những dấu hiệu hay triệu chứng làm bạn lo lắng. Nếu đau bụng nghiêm trọng đến mức không thể ngồi yên hoặc tìm một tư thế thoải mái, bạn nên đi bệnh viện ngay lập tức.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân bệnh viêm ruột thừa

Nguyên nhân của viêm ruột thừa không phải luôn luôn rõ ràng. Đôi khi viêm ruột thừa có thể xảy ra như là kết quả của:

  • Sự tắc nghẽn. Chất thải thức ăn hoặc phần cứng của phân ( fecal stone ) có thể ngăn chặn lỗ nối liên thông ruột thừa với ruột già.
  • Bệnh nhiễm trùng. Viêm ruột thừa cũng có thể xảy ra sau một bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm virus đường tiêu hóa, hoặc các loại viêm ruột khác.

Trong cả hai trường hợp, vi khuẩn bên trong ruột thừa sinh sản (nhân đôi) nhanh chóng, làm ruột thừa bị viêm, sưng tấy và chứa mủ. Nếu không điều trị kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ, gây viêm phúc mạc, áp-xe ruột thừa và những tình trạng bệnh trầm trọng khác.

BIẾN CHỨNG

Biến chứng bệnh viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Vỡ ruột thừa. Nếu bị vỡ ruột thừa, các chất bên trong ruột cũng như vi sinh vật gây bệnh sẽ bị rò rỉ vào khoang bụng. Điều này có thể gây ra viêm phúc mạc (nhiễm trùng khoang bụng).
  • Tụ mủ trong bụng. Nếu ruột thừa bị vỡ, tình trạng nhiễm trùng và sự rò rỉ từ ruột có thể tạo thành một ổ áp-xe (một túi/khoang chứa đầy mủ) xung quanh ruột thừa (áp-xe ruột thừa). Áp-xe ruột thừa cần phải được điều trị trước khi bị vỡ làm nhiễm trùng lan rộng hơn nữa trên toàn ổ bụng.

CHẨN ĐOÁN và XÉT NGHIỆM

Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa

Tính chất của cơn đau do viêm ruột thừa có thể thay đổi theo thời gian, do đó việc chẩn đoán đôi khi rất khó khăn. Thêm vào đó, đau bụng có thể xuất hiện do những tình trạng bệnh khác ngoài viêm ruột thừa. Để chẩn đoán viêm ruột thừa, bác sĩ cần hỏi quá trình và sự tiến triển của các triệu chứng cũng như thăm khám trực tiếp để phát hiện ra các dấu hiệu, đặc biệt là các dấu hiệu trên vùng bụng của bạn.

Các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa thường bao gồm:

  • Thăm khám lâm sàng để đánh giá đau bụng.
    • Dấu hiệu điển hình của viêm ruột thừa là đau lan toả ở vùng rốn, sau đó di chuyển đến và khu trú tại điểm McBurney, là điểm đánh dấu 1/3 độ dài đường nối gai chậu trước trên bên phải với rốn (xem hình). Điểm này được cho là tương ứng với vị trí mà ruột thừa dính với ruột già (manh tràng).
    • Bác sĩ có thể dùng tay ấn nhẹ lên vùng đau. Cơn đau do viêm ruột thừa thường tệ hơn khi bác sĩ đột nhiên thả tay ra và đó là dấu hiệu cho thấy sự viêm nhiễm đã lan đến phúc mạc (màng bụng) kế cận.
    • Bác sĩ cũng có thể tìm kiếm các dấu hiệu khác như cứng bụng và xu hướng co cứng cơ bụng khi ấn lên vùng ruột thừa viêm. Bạn cũng có thể được yêu cầu đứng nhón người trên mũi chân và đột ngột thả lỏng đổ toàn bộ trọng lượng cơ thể lên gót chân (heel-drop test) để xem cơn đau bụng có tệ hơn nhiều không.

​​

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ kiểm tra xem số lượng bạch cầu có tăng cao không và tình trạng này có thể phản ánh bệnh nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ có thể yêu cầu phân tích nước tiểu để đảm bảo rằng cơn đau của bạn không liên quan tới nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận. Nếu bạn bị sỏi thận, bác sĩ sẽ thường tìm thấy các tế bào hồng cầu trong nước tiểu, nhờ quan sát bằng kính hiển vi.
  • Chẩn đoán hình ảnh.
    • Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X quang bụng, siêu âm hoặc chụp CT bụng để giúp kết luận tình trạng viêm ruột thừa hoặc tìm ra những nguyên nhân gây đau bụng khác.
    • Chụp CT là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn vì nó có thể phát hiện ra hầu hết trường hợp viêm ruột thừa một cách chắc chắn, nhất là khi được kết hợp với thuốc cản quang (contrast) tiêm qua đường tĩnh mạch.
    • Siêu âm bụng có lợi điểm là không dùng tia xạ hoặc thuốc cản quang nhưng lại kém chính xác hơn. Thăm dò bằng siêu âm gặp khó khăn ở người béo phì và kết quả thường phụ thuộc vào người thao tác. Tuy nhiên, siêu âm rất hữu ích trong việc tìm kiếm nguyên nhân gây đau bụng ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai vì chụp CT không được chỉ định trong trường hợp này.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị viêm ruột thừa thế nào?

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm là phương pháp điều trị chính. Những chuẩn bị trước ca mổ bao gồm truyền dịch để bù nước và điều chỉnh rối loạn điện giải cũng như thuốc kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị những phương pháp điều trị khác tùy vào tình hình của bạn.

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Ruột thừa có thể được cắt bỏ dưới hình thức mổ hở hoặc mổ nội soi.

Mổ hở là phương pháp kinh điển qua đó bác sĩ tiếp cận với ruột thừa qua một vết rạch ở bụng dài từ 5 đến 10 cm. Mổ nội soi là phương pháp mới, ít xâm lấn hơn, trong đó một vài dụng cụ phẫu thuật (kèm camera) được đưa vào ổ bụng qua vài vết rạch nhỏ. Bác sĩ sẽ vừa nhìn màn hình vừa thao tác để cắt bỏ ruột thừa.

Nói chung, phẫu thuật nội soi cho phép bệnh nhân xuất viện và phục hồi nhanh hơn. Lành bệnh với vết sẹo nhỏ, bạn cũng ít bị nhiễm trùng vết mổ và ít bị đau hơn. Tuy nhiên, mổ nội soi có tỉ lệ tái nhập viện và bị áp-xe trong ổ bụng cao hơn. Thêm vào đó, mổ nội soi không luôn thích hợp cho tất cả mọi người. Nếu ruột thừa đã vỡ, nhiễm trùng đã lan tràn ra ngoài ruột thừa hoặc nếu áp-xe đã hình thành trong bụng, bác sĩ sẽ thường yêu cầu mổ hở vì hình thức này giúp làm sạch ổ bụng tốt hơn.

Dẫn lưu áp-xe trước khi phẫu thuật ruột thừa

Nếu ruột thừa đã vỡ và áp-xe đã hình thành xung quanh nó, bạn cần được dẫn lưu bằng cách đặt một ống thông qua da và vào nơi tụ mủ. Ruột thừa có thể được cắt bỏ vài tuần sau đó, sau khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát.

Điều trị nội khoa (không phẫu thuật)

Điều trị không phẫu thuật bằng cách truyền dịch và thuốc kháng sinh, cho ruột nghỉ ngơi có thể có hiệu quả ở một số trường hợp. Tuy nhiên, tỉ lệ tái phát là khá cao và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa thường được khuyến khích để chữa bệnh triệt để.

SINH HOẠT và HỒI PHỤC

Bạn thường mất một vài tuần để phục hồi sau ca mổ ruột thừa. Nếu ruột thừa đã vỡ, bạn có thể mất nhiều thời gian hơn. Trong quá trình này, bạn có thể làm một số việc để giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn, chẳng hạn như:

  • Tránh hoạt động gắng sức. Nếu ruột thừa được cắt bỏ bằng phẫu thuật nội soi, bạn nên hạn chế hoạt động trong 3 đến 5 ngày đầu tiên sau mổ. Nếu mổ hở, bạn nên hạn chế hoạt động trong vòng 10 đến 14 ngày đầu tiên sau đó. Hãy hỏi bác sĩ khi nào có thể trở lại hoạt động bình thường.
  • Hỗ trợ bụng khi ho. Bạn có thể cảm thấy đau bụng khi ho, cười hoặc ở các động tác khác. Việc đặt một cái gối trên bụng và ép bụng trước khi bắt đầu những động tác trên sẽ có thể giúp bạn thoải mái hơn.
  • Gọi bác sĩ nếu thuốc giảm đau không có tác dụng. Những cơn đau sẽ làm cơ thể bạn thêm căng thẳng và làm chậm quá trình lành bệnh. Nếu bạn vẫn đau mặc dù đã dùng thuốc giảm đau, hãy gọi cho bác sĩ.
  • Đứng dậy và di chuyển khi bạn đã sẵn sàng. Bắt đầu từ từ và tăng cường hoạt động khi bạn cảm thấy đã có thể làm việc đó.Hãy bắt đầu với việc đi bộ khoảng ngắn.
  • Ngủ khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Khi cơ thể đang hồi phục, bạn có thể cảm thấy mình hay buồn ngủ hơn bình thường. Hãy thoải mái với điều này và nghỉ ngơi khi cần thiết.
  • Thảo luận về việc làm việc hay đi học lại với bác sĩ. Bạn có thể trở lại làm việc khi bạn cảm thấy mình đủ khỏe. Trẻ em có thể trở lại trường học trong vòng một tuần sau khi phẫu thuật, mặc dù những hoạt động gắng sức, như giờ tập thể dục hoặc chơi thể thao, nên được hạn chế cho tới 2-4 tuần sau mổ.

ĐIỀU TRỊ BỔ TRỢ

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc để giúp bạn kiểm soát cơn đau sau ca mổ. Một số phương pháp điều trị bổ sung và thay thế có thể giúp ích khi được thực hiện cùng với việc uống thuốc. Hãy hỏi thêm bác sĩ về các lựa chọn an toàn, ví dụ:

  • Những cách làm mất tập trung, chẳng hạn như nghe nhạc và nói chuyện với bạn bè để bạn quên đi cơn đau
  • Gợi tưởng có định hướng, chẳng hạn như nhắm mắt lại và nghĩ về một nơi bạn yêu thích
Xem thêm bài Áp-xe là gì? của BS. Lâm Xuân Nhã và BS.TS. Phạm Nguyên Quý

Tài liệu tham khảo

http://www.mayoclinic.com/health/appendicitis/DS00274
http://archsurg.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=590869
http://www.uptodate.com/contents/acute-appendicitis-in-adults-management?source=see_link#H770943

Biên dịch - Hiệu đính

BS.TS. Phạm Nguyên Quý - TS.BS. Hoàng Đình Tuy
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Rotavirus gây bệnh gì ? Cách phòng ngừa

(68)
Rotavirus là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy. Trong hầu hết trường hợp bệnh thường khỏi trong vài ... [xem thêm]

Bệnh CELIAC

(47)
­ TỔNG QUAN Bệnh Celiac là gì? Bệnh Celiac là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy ... [xem thêm]

Tại sao đi tiêu ra máu ?

(97)
Định nghĩa đi tiêu ra máu Đi tiêu ra máu là thuật ngữ y khoa dùng để mô tả sự xuất hiện của máu trong phân. Máu có thể chứa đầy cả bồn cầu, ... [xem thêm]

Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thực quản và cách kiểm soát

(40)
Vỡ giãn tĩnh mạch xuất huyết thường xảy ra từ các tĩnh mạch giãn tại vị trí chỗ nối giữa tĩnh mạch thực quản và hệ thống tĩnh mạch chủ. Giãn tĩnh ... [xem thêm]

Vàng da thường liên quan đến những bệnh nào?

(21)
Vàng da là gì? Vàng da không phải là một bệnh mà là một triệu chứng có thể xảy ra trong nhiều bệnh lý khác nhau. Vàng da là tình trạng da và kết mạc mắt ... [xem thêm]

Bệnh viêm gan siêu vi (VGSV) và những điều cần biết

(55)
Một số điều cần biết về viêm gan siêu vi (VGSV) Tình trạng viêm ở gan có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng khoảng một nửa các trường hợp ... [xem thêm]

Ngộ độc thực phẩm ở người lớn

(36)
Ngộ độc thực phẩm diễn ra khi ăn hoặc uống phải thức ăn và nước uống bị nhiễm các vi sinh vật có hại, các chất độc hoặc các chất hóa học. Tình ... [xem thêm]

Những điều cần biết về bệnh viêm ruột thừa

(64)
TỔNG QUAN Bệnh viêm ruột thừa là gì? Viêm ruột thừa là tình trạng trong đó ruột thừa bị viêm và chứa mủ. Ruột thừa là một túi nhỏ như ngón ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN