Nhận diện 8 triệu chứng viêm màng não ở trẻ em

(3.68) - 97 đánh giá

Thực tế là chúng ta khó có thể nhận biết các triệu chứng viêm màng não ở trẻ em. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc đưa con đến bệnh viện kịp thời. Từ đó khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Viêm màng não là một bệnh liên quan đến tình trạng viêm của lớp màng bảo vệ não và tủy sống của chúng ta. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc căn bệnh này, nhưng triệu chứng của bệnh thường tương tự nhau.

Bệnh viêm màng não thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, việc trang bị kiến thức để nhận diện các dấu hiệu của bệnh ngay khi bé mới có một vài triệu chứng đầu tiên là hết sức cần thiết. Trong bài viết này, Chúng tôi sẽ chỉ ra 8 triệu chứng viêm màng não ở trẻ em để kịp thời đối phó nếu bệnh xảy ra.

Cấu tạo của màng não

Chức năng của màng não là bao quanh và bảo vệ não bộ, tủy sống và phần đầu của các dây thần kinh sọ não. Màng não được cấu tạo gồm có 3 lớp:

  • Màng cứng (dura mater): Đây là lớp màng có độ dày nhất trong 3 lớp màng, nằm ở ngoài cùng, dính chặt vào mặt trong xương sọ. Đây là một trong số ít cấu trúc của hộp sọ có khả năng cảm thấy đau, trong khi đó, não bộ không cảm nhận được cảm giác này.
  • Màng nhện (arachnoidea): Đây là một màng mỏng nằm sát với mặt trong của màng cứng, giúp bảo vệ não và tủy sống khỏi các tác động bất ngờ. Màng nhện được cấu tạo bởi mạng lưới các sợi và collagen gồm những sợi lỏng lẻo.
  • Màng nuôi hay còn gọi là màng mềm (pia mater): Là lớp trong cùng, bao bọc não và tủy sống. Màng nuôi có rất nhiều mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến tủy sống. Giữa màng nhện và màng nuôi có khoang dưới nhện chứa dịch não tủy.

Bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ là gì?

Viêm màng não ở trẻ là một bệnh nguy hiểm đặc trưng bởi phản ứng viêm của màng não và tủy sống. Nguyên nhân gây bệnh này ở trẻ thường là do virus (bệnh được gọi là viêm màng não vô khuẩn) hoặc vi khuẩn từ vị trí nhiễm trùng tại một phần khác của cơ thể di chuyển theo máu sang não và tủy. Ngoài ra, nhiễm nấm cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm màng não, nhưng điều này ít gặp hơn.

Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường là do virus. Viêm màng não ở trẻ do virus thường nhẹ hơn so với viêm màng não do vi khuẩn và có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày. Nhiều virus gây viêm màng não ở trẻ em thuộc nhóm enterovirus, như coxsackie, loại virus gây ra bệnh tay, chân, miệng. Việc trẻ nhiễm các bệnh do virus khác như quai bị, herpes simplex virus, cúm… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm màng não.

Trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 2 – 3 tháng bị viêm màng não có thể phải chịu các thương tổn nghiêm trọng khiến trẻ có nguy cơ bị điếc, khiếm khuyết thần kinh (động kinh), thậm chí là tử vong.

Triệu chứng của viêm màng não ở trẻ

1. Sốt cao đột ngột

Ảnh: brightside.me

Một trong những triệu chứng của viêm màng não là trẻ bị sốt một cách đột ngột kèm theo biểu hiện run rẩy. Nếu đã biết nói, con sẽ cho biết là bé đang rất lạnh, với các bé nhỏ hơn, con có thể tự tìm mền để đắp hay muốn được bế để ủ ấm.

Nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng rất nhanh và bạn khó có thể hạ sốt cho bé. Sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng… nên bạn cần chú ý đến các dấu hiệu khác của trẻ. Điều này có thể giúp bạn nhận ra những thay đổi trong tình trạng sức khỏe của con.

2. Con có biểu hiện đau đầu dữ dội

Những cơn nhức đầu do viêm màng não thường không chỉ đơn giản là cơn đau đầu dữ dội mà còn có thể đau đến mức không thể chịu đựng được. Đây có thể là nguyên nhân khiến bé quấy khóc không ngừng hoặc tỏ ra lơ mơ. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể lan đến cổ của trẻ, do đó một số trẻ có thể than đau cổ hoặc xoay trở cổ thường xuyên.

Một dấu hiệu quan trọng khác giúp nhận diện bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh là thóp trẻ bị sưng.

3. Tầm nhìn đôi

Trẻ bị bệnh viêm màng não không thể tập trung nhìn một vật gì đó. Đây là lý do giải thích vì sao con bị tầm nhìn đôi.

Ảnh: brightside.me

4. Đau bụng, buồn nôn và nôn

Trẻ bị bệnh viêm màng não thường mất cảm giác ngon miệng. Điều này xảy ra là do trẻ bị nôn hoặc buồn nôn liên tục kèm theo triệu chứng đau bụng.

5. Nhạy cảm với ánh sáng

Ảnh: brightside.me

Một dấu hiệu khác của viêm màng não là sợ ánh sáng chói. Ánh sáng chói khiến trẻ cảm thấy đau nhức mắt, chảy nước mắt và làm cho cơn đau đầu trở nên dữ dội hơn.

6. Tư thế cò súng – một triệu chứng viêm não ở trẻ em điển hình

Ảnh: brightside.me

Bạn có thể nhận biết trẻ có bị viêm màng não hay không nếu nhận thấy con trong tư thế nằm nghiêng, đầu ngửa ra sau, hai tay co lại, hai đầu gối co sát bụng, lưng cong ra sau. Trong y khoa, tư thế này còn được gọi là tư thế cò súng. Nếu bạn cố gắng xoay đỡ để bé nằm ở vị trí khác, bé sẽ có xu hướng nằm lại như cũ.

7. Con không thể duỗi thẳng chân

Ảnh: brightside.me

Cho con nằm ngửa và thực hiện các bước sau:

  • Bạn đặt tay lên ngực trái của con, tay phải luồn dưới gáy của con và từ từ nâng đầu con lên: Nếu con bị viêm màng não, bé sẽ có biểu hiện bị đau gáy và co hai chân lại.
  • Cho con nằm ngửa, chân duỗi thẳng, bạn gấp cẳng chân 1 bên chân của con vào đùi, từ từ gấp đùi vào bụng: Con bị viêm màng não khi chân còn lại cũng co lại.
  • Cho con nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng: Bạn ấn mạnh lên bờ xương mu của con, bé bị viêm màng não sẽ có phản ứng co hai chân vào bụng.

Trên đây là những dấu hiệu Brudziński đặc trưng của bệnh viêm màng não. Ngoài ra, trẻ bị bệnh này còn có dấu hiệu Kernig như con không thể hoàn toàn duỗi chân nếu bạn nhấc chân của con lên một góc khoảng 90°.

Bạn có thể kiểm tra dấu hiệu Kernig bằng cách sau: Cho con nằm ngửa, đặt cẳng chân của con vuông góc với đùi, đùi vuông góc với thân mình. Sau đó, bạn từ từ nâng cẳng chân của con lên thẳng trục với đùi.

Con bị tổn thương màng não khi các cơ sau đùi và cẳng chân bị co cứng, bạn không nâng cẳng chân của con lên được hoặc nâng lên được rất ít hoặc con than đau hay khóc.

8. Phát ban

Phát ban da cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo trẻ bị viêm màng não. Bạn có thể làm xét nghiệm này tại nhà để biết con có bị viêm màng não hay không. Cách thực hiện như sau:

Lấy một ly thủy tinh trong suốt, bạn đặt ly vào vị trí phát ban và ấn mạnh cho đến khi vùng da xung quanh trở nên nhợt nhạt. Nếu các đốm phát ban trở nên nhợt nhạt cùng với da, nhiều khả năng là bé không bị viêm màng não. Nếu đốm phát ban không nhợt màu, bạn nên đưa con đi khám, nguy cơ cao là bé đang bị phát ban do viêm màng não.

Bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ được điều trị như thế nào?

Nếu trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh khi bị viêm màng não, cơ thể của con có thể sản xuất ra đủ kháng thể để chống lại bệnh. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê toa thuốc để điều trị cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. Trong một số trường hợp, trẻ có thể phải nhập viện trong vài ngày để bác sĩ theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, đặc biệt là với các trẻ nhỏ. Điều này giúp các bác sĩ kịp thời ngăn ngừa các biến chứng xấu có thể xảy ra như tổn thương não, mất thính lực, động kinh, giảm khả năng học tập…

Nếu nguyên nhân khiến trẻ bị viêm màng não là do vi khuẩn, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng một số loại kháng sinh mạnh. Với trẻ sơ sinh, các bé thường phải nằm viện điều trị trong 2 tuần.

Viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán sớm trong giai đoạn đầu khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện thì khả năng chữa khỏi bệnh khá cao, khoảng 85%. Điều này giải thích vì sao các bác sĩ thường khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu nghi ngờ bé bị viêm màng não.

Thực tế, viêm màng não là bệnh rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, bạn cần quan sát kỹ những biểu hiện khác thường ở bé nhằm phát hiện các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đưa con đi khám trước khi bệnh có dấu hiệu trở nặng.

Phòng ngừa bệnh viêm màng não cho trẻ như thế nào?

Bạn có biết các loại vi khuẩn, virus gây ra bệnh viêm màng não có thể lây lan dễ dàng qua các hoạt động thường ngày như ho, hắt hơi, hôn hoặc ăn chung, dùng chung đồ đạc… Chính vì vậy, để ngăn ngừa bệnh viêm màng não cho trẻ, bạn nên:

  • Tập cho bé có thói quen rửa tay thường xuyên
  • Con được nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng tốt nhằm tăng cường hệ miễn dịch
  • Chỉ cho trẻ ăn thức ăn nấu chín hoặc đã được tiệt trùng, với trái cây, bạn nên cho bé ăn trái cây đã được rửa kỹ lưỡng
  • Dạy trẻ cách che miệng khi ho, hắt hơi. Tập cho bé thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài
  • Dạy trẻ không nên ăn đồ ăn, sử dụng chung dụng cụ để ăn với người khác
  • Tiêm vaccine: vaccine viêm màng não mủ do Hib (Haemophilus influenzae loại B – Hib), vaccine phế cầu khuẩn (PCV13), Pneumococcal polysaccharide (PPSV23), vaccine viêm màng não mô cầu…

Quan Lan / HELLO BACSI

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Con nói chuyện với bạn tưởng tượng, bố mẹ nên làm gì?

(94)
Một số bé thường nói chuyện vu vơ một mình thì rất có thể con đang gặp gỡ người bạn tưởng tượng trong tâm trí của mình. Việc phát hiện sớm và có ... [xem thêm]

4 vitamin và khoáng chất giúp trẻ ăn ngon

(25)
Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ biếng ăn lâu ngày sẽ khiến cơ thể bị thiếu dưỡng chất và gây suy dinh dưỡng. Vì vậy, việc tìm ra ... [xem thêm]

Sử dụng kem đánh răng than hoạt tính có an toàn cho bạn không?

(84)
Kem đánh răng hoạt tính hiện nay đang được khá ưa chuộng với các hứa hẹn từ quảng cáo như răng trắng sáng, hơi thở thơm tho… Tuy nhiên, các nhà nghiên ... [xem thêm]

Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi viêm gan B và C?

(87)
Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xếp thứ 2 trên toàn thế giới với tỷ lệ người mắc viêm gan B và xếp vị thứ 3 trên toàn cầu về số lượng ... [xem thêm]

4 loại dụng cụ nấu ăn độc hại trong gian bếp nhà bạn

(53)
Bạn có đang dùng các loại xoong nồi chống dính, phủ gốm hay làm bằng các chất liệu như nhôm và đồng? Đây chính là 4 dụng cụ nấu ăn độc hại bạn vẫn ... [xem thêm]

Những ông bố nên ăn gì để sinh con khỏe mạnh?

(80)
Những tác động từ di truyền, môi trường và các hành vi ứng xử đều đóng vai trò quan trọng đối với khả năng sinh sản của nam giới. Dinh dưỡng cũng ảnh ... [xem thêm]

Bệnh thiếu máu cơ tim nên chữa sớm kẻo bị đột quỵ

(81)
Với tiền sử gia đình có mẹ và anh trai mất vì bệnh tim, bà Loan (Hà Nội) hoang mang vô cùng khi nhận kết quả chẩn đoán bị thiếu máu cơ tim. Ngay cả khi lo ... [xem thêm]

11 cách trị sưng môi đơn giản ngay tại nhà

(86)
Cách trị sưng môi bằng đá lạnh, nước ấm, tinh bột nghệ, lô hội, mật ong… không những giúp bạn tiết kiệm mà còn an toàn cho sức khỏe. Bạn có biết cách ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN