Bạn có thể kiếm soát được bệnh tiểu đường của mình nếu bạn có chế độ ăn uống một cách thông minh và hợp lý. Các loại thực phẩm phù hợp có thể giúp kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng để theo dõi lượng đường (carbohydrate) bạn ăn (chất này có tên là glucose – có thể ảnh hưởng đến đường huyết).
Họ có thể khuyên bạn dùng chỉ số đường huyết (glycemic index). Chỉ số đường huyết phân nhóm các loại thực phẩm gây tăng đường huyết. Thực phẩm nhiều đường sẽ có chỉ số đường huyết cao hơn.
Ngoài ra, hãy tham khảo những lời khuyên sau:
Hãy ăn một bữa ăn nhiều màu sắc. Đó là một cách dễ dàng đảm bảo bạn ăn nhiều rau quả, ngũ cốc, đậu, các loại hạt và chất đạm (thịt nạc).
Theo dõi lượng calo của bạn. Tuổi, giới tính và mức độ hoạt động của bạn ảnh hưởng đến lượng thức ăn bạn cần ăn để tăng, giảm hay duy trì cân nặng của mình.
Ăn nhiều chất xơ. Bạn có thể lấy chất xơ từ các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như ngũ cốc, rau quả, đậu, và các loại hạt. Các nghiên cứu khuyến cáo: đối với bệnh nhân tiểu đường loại 2, chế độ giàu chất xơ có thể cải thiện lượng đường huyết và nồng độ cholesterol.
Bạn có thể ăn bao nhiêu?
Kiểm tra hàm lượng ghi trên nhãn dinh dưỡng. Nó có thể ít hơn bạn nghĩ. Chỉ ăn vừa đủ lượng thức ăn tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân tiểu đường. Ăn thừa calo sẽ dẫn đến thừa mỡ và thừa cân.
Không được bỏ bữa, ăn đủ số bữa chính và bữa phụ trong ngày. Hàng ngày, nên ăn các bữa vào những khung giờ giống nhau.
Chế độ ăn kết hợp điều chỉnh lối sống dành cho bệnh nhân tiểu đường
Nếu bạn có lượng cholesterol cao cùng với bệnh tiểu đường, bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn áp dụng chế độ ăn kết hợp điều chỉnh lối sống.
Mục tiêu của chế độ ăn này là: để giảm hàm lượng cholesterol, giảm cân nặng và giúp bạn được chủ động hơn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim, căn bệnh mà bệnh nhân tiểu đường thường mắc phải.
Theo kế hoạch thay đổi lối sống để điều trị, bạn nên:
- Hạn chế lượng chất béo xuống 25% tổng số calo hàng ngày.
- Ăn không quá 7% calo hàng ngày từ chất béo bão hòa, và lên đến 20% chất béo không bão hòa từ dầu thực vật hoặc các loại hạt.
- Duy trì lượng carbohydrat từ 50-60% lượng calo hàng ngày.
- Duy trì 20-30g chất xơ mỗi ngày.
- Khẩu phần ăn có chứa 15-20% protein mỗi ngày.
Bạn cũng sẽ cần luyện tập thể dục nhiều hơn và thường xuyên tái khám.
Bạn có thể dùng đường không?
Bạn có thể nghe nói bệnh nhân tiểu đường không nên ăn thêm bất kỳ loại đường nào. Trong khi một vài bác sỹ lại nói rằng, bạn hoàn toàn có thể.
Hầu hết các chuyên gia hiện nay nói rằng một lượng nhỏ đồ ngọt cũng tốt, miễn nó là một phần trong bản kế hoạch tổng thể của bữa ăn lành mạnh. Đường ăn (đường đơn, fructose) không làm tăng lượng đường trong máu như các loại tinh bột được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm.
Nhưng hãy nhớ rằng đường là một carbohydrate. Vì vậy khi bạn ăn một loại thức ăn ngọt như bánh quy, bánh gato, hoặc kẹo, nó sẽ thay thế cho một loại carbohydrate hoặc tinh bột nào đó (ví dụ như khoai tây) mà bạn có thể ăn ngày hôm đó. Cuối cùng, tổng số gram carbohydrate cho 1 bữa ăn quan trọng hơn là nguồn gốc của nó.
Nếu bạn dùng insulin, tinh chỉnh liều lượng carbohydrate để bạn có thể kiểm soát lượng đường huyết càng nhiều càng tốt. Bạn cần kiểm tra lượng đường sau khi ăn đồ ăn có đường.
Đọc nhãn thực phẩm để bạn biết lượng đường hoặc carbohydrate trong những thức ăn và đồ uống. Ngoài ra, kiểm tra xem có bao nhiêu calo và bao nhiêu chất béo trong khẩu phần.
Cách dùng các đồ ngọt khác
Bạn có thể thêm các đồ ngọt nhân tạo vào đồ ăn và đồ uống của mình. Tuy nhiên, hãy kiểm tra cẩn thận nhãn mác bởi có những loại chứa rất nhiều carbohydrate.
Nếu cần thiết, bạn có thể điều chỉnh các loại thực phẩm khác trong bữa ăn để giữ cho lượng đường huyết dưới tầm kiểm soát.
Một số đồ ngọt được gọi là “rượu đường”, ví dụ như xylitol, mannitol, và sorbitol, có một số lượng calo và làm lượng đường huyết tăng nhẹ. Nếu bạn tiêu thụ chúng quá nhiều, bạn có thể bị đầy hơi và tiêu chảy.
Cỏ ngọt Stevia là một lựa chọn khác để làm những đồ ngọt. Đó là một sản phẩm tự nhiên mà không có calo.
Bạn có thể uống rượu không?
Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ xem liệu bạn có thể uống rượu được không Nếu bác sỹ nói bạn có thể bạn chỉ nên uống ở mức rất hạn chế, vào những lúc đường huyết được kiểm soát tốt, mà không nên uống thường xuyên. Đa số các loại rượu và các đồ uống hỗn hợp đều chứa đường, và rượu còn chứa rất nhiều calo.
Tài liệu tham khảo
http://www.webmd.com/diabetes/blood-sugar-habits-16/healthy-diet-basics