Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Bệnh lan truyền từ người này sang người khác thường thông qua đường hô hấp, như khi người bệnh ho hay hắt hơi. Bệnh hiếm khi truyền qua vết thương ở da bị nhiễm trùng hoặc quần áo từ các vết thương của người bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì?
Khi vi khuẩn gây bệnh bạch hầu xâm nhập vào hệ hô hấp, chúng tạo ra một chất độc có thể gây:
- Yếu ớt;
- Đau họng;
- Sốt;
- Sưng hạch ở cổ.
Trong vòng 2 đến 3 ngày, bệnh nhân rất khó thở và khó nuốt, do “màng giả” tràn ra đến các mô mũi, amidan, thanh quản và cổ họng.
Các màng giả được hình thành từ các mô chết bởi độc tố mà vi khuẩn tiết ra gây cản trở hô hấp. Các chất độc có khi còn được hấp thụ vào máu và có thể gây tổn thương tim, thận và hệ thần kinh.
Bạn phải làm gì khi phát hiện bệnh bạch hầu?
Việc chẩn đoán bệnh bạch hầu thường dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Có thể xét nghiệm cổ họng để kiểm tra. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu từ một vết thương trên da để chẩn đoán xác định bệnh bạch hầu.
Điều quan trọng là phải bắt đầu điều trị ngay nếu bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, đừng chần chờ cho đến khi có xác nhận từ phòng xét nghiệm mới tiến hành điều trị.
Phương pháp điều trị bệnh bạch hầu ngày nay bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng độc bạch hầu để trung hòa độc tố do vi khuẩn tiết ra;
- Sử dụng kháng sinh để giết chết và loại bỏ vi khuẩn bạch hầu.
Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu thường được cách ly cho đến khi bệnh không còn khả năng lây sang người khác. Bệnh bạch hầu thường sẽ không có khả năng lây lan sau khi bệnh nhân đã điều trị kháng sinh được 48 giờ. Sau khi quá trình điều trị kháng sinh kết thúc, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để đảm bảo rằng không còn vi khuẩn bạch hầu trong cơ thể bệnh nhân nữa.
Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu:
Xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khiến bạn nghĩ rằng có thể mình đã mắc bệnh bạch hầu, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Làm thế nào để tránh bệnh bạch hầu?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu là tiêm chủng vắc xin. Có bốn loại vắc xin được sử dụng kết hợp để ngăn ngừa bệnh bạch hầu, bao gồm: DTaP, Tdap, DT và Td. Mỗi một loại vắc xin này đều có thể ngăn ngừa bệnh bạch hầu và uốn ván; trong đó vắc xin DTaP và Tdap còn có thể ngừa bệnh ho gà. Vắc xin DTaP và DT được tiêm cho trẻ em dưới bảy tuổi, còn vắc xin Tdap và Td được tiêm chủng cho trẻ trên 7 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn.
Trẻ em nên được tiêm chủng 5 liều vắc xin DTaP, mỗi một liều được tiêm ở các độ tuổi sau: 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 15-18 tháng tuổi và 4 – 6 tuổi. Ngoài ra, nếu bé không thể tiêm vắc xin DTaP, vắc xin DT không ngừa ho gà có thể được sử dụng thay thế.
Vắc xin Td là vắc xin ngừa uốn ván và bạch hầu được tiêm chủng cho thanh thiếu niên và người lớn như một liều tăng cường. Một liều vắc xin Tdap duy nhất được khuyến nghị sử dụng cho trẻ vị thành niên từ 11 – 18 tuổi (tốt nhất là khi 11-12 tuổi) và người lớn từ 19 tuổi trở lên. Phụ nữ nên tiêm chủng vắc xin Tdap trong mỗi lần mang thai (tốt nhất là trong quý mang thai thứ ba, giữa tuần thứ 27 và tuần thứ 36). Vắc xin Tdap cũng được khuyến nghị dành cho trẻ em từ 7 đến 10 tuổi chưa được chủng ngừa đầy đủ để ngừa bệnh ho gà. Vắc xin Tdap có thể được tiêm chủng bất kể lần cuối tiêm chủng vắc xin Td là khi nào.
Một số người không nên tiêm chủng hoặc nên chờ trong một số trường hợp như từng có hiện tượng dị ứng nặng (đến mức nguy hiểm đến tính mạng) sau khi dùng bất cứ liều vắc xin ngừa uốn ván hay ngừa bạch hầu nào trước đây, hay bị dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn:
- Bị co giật hoặc gặp vấn đề khác về hệ thần kinh;
- Đã từng bị đau nặng hoặc sưng phù sau khi chủng ngừa bất kỳ loại vắc xin ngừa bạch hầu hay uốn ván nào;
- Đã từng mắc phải hội chứng Guillain Barré (GBS);
- Cảm thấy không khỏe vào ngày tiêm chủng dự kiến.