Hồi hộp là gì ?
Hồi hộp là cảm giác tim đập nhanh, cảm giác rung động, đánh trống ngực mà chúng ta cảm thấy ở bên ngực trái, thường là trên đầu nhũ. Một vài người nói rằng tim của họ như đang chạy đua; người khác thì nói ngực họ đau, giống như đánh trống hoặc rung động. Triệu chứng này thường được gây ra do nhịp tim nhanh hơn bình thường so với tuổi, giới và tình trạng sức khỏe. Đôi khi cảm giác này là do nhịp tim không đều.
Hình ảnh minh họa: Hồi hộp
Tổng quan về tim
Tim là một khối cơ có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể. Tim có hai buồng ở phía trên là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái, và hai buồng phía dưới là tâm thất phải và tâm thất trái.
Hoạt động bơm của các buồng tim phía trên và phía dưới được phối hợp một cách nhịp nhàng với nhau để đảm bảo bơm một lượng máu hằng định đi khắp cơ thể. Khi tế bào cần nhiều oxy hơn, ví dụ khi đang vận động, tim sẽ đập nhanh hơn để bơm nhiều máu hơn đến phổi và tế bào.
Một xung động điện được phát ra ở nhĩ phải. Nó sẽ dẫn truyền qua nhĩ trái, xuống thất phải va thất trái. Xung động điện này sẽ kích thích các buồng tim co bóp, tống máu ra ngoài.
Có mấy loại hồi hộp ?
Hồi hộp có thể do tần số tim nhanh một cách bất thường nhưng vẫn đều, ngoại tâm thu hoặc nhịp tim bất thường.
Bình thường tim đập khoảng 70 lần/ phút, dao động ở người trưởng thành từ 60-100 lần/phút. Nhịp tim bình thường khi nghỉ của bạn phụ thuộc vào tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn (bạn càng khỏe thì mạch càng chậm và nhịp tim càng tăng ít theo tuổi). Tần số tim thường tăng khi vận động, lo lắng, khi dùng café và những thuốc kích thích khác hoặc do tuyến giáp tăng hoạt động (cường giáp).
Ngoại tâm thu thường vô hại và xuất hiện do các tế bào cơ tim có thể phát xung động đi theo con đường dẫn truyền khác với bình thường. Chúng ta cảm thấy như bị hụt 1 nhịp tim hoặc đánh trống ngực và thường xảy ra khi nghỉ.
Nhịp tim bất thường cũng có thể gây hồi hộp. Bắt mạch có thể thấy không đều do tim đập không nhịp nhàng. Nguyên nhân có thể do hoạt động điện bất thường ở tâm nhĩ hoặc tâm thất. Trong đó, nhịp phát ra từ tâm thất ít gặp hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn nhịp từ nhĩ.
Nguyên nhân gây hồi hộp
Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
Nhịp nhanh xoang (nhịp nhanh, đều)
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến nhịp tim nhanh là do thuốc, gồm có: caffeine, rượu, và các thuốc kích thích như cocaine; các thuốc điều trị ho và cảm cúm không cần kê toa, và một số thuốc kê toa như salbutamol để điều trị hen.
Lo lắng và cường giáp cũng là nguyên nhân làm nhịp tim tăng gây hoi hộp.
Một bệnh lý nặng tiềm ẩn của tim, tuy ít khi gây nhịp nhanh xoang, thường gây hoi hộp kéo dài và kèm theo khó thở.
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các chất bạn đã dùng, như đã nói bên trên, và hoàn cảnh xuất hiện hồi hộp. Sau đó bác sĩ sẽ bắt mạch, đo huyết áp, nghe tim và làm một số xét nghiệm. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây hồi hộp.
Ngoại tâm thu (nhịp lạc chỗ hoặc nhịp mất)
Ngoại tâm thu xuất hiện khi tế bào cơ tim phát ra xung động điện ngoài xung động nhịp nhàng bình thường và gây co cơ tim. Sau một nhát ngoại tâm thu, tim sẽ nghỉ lâu hơn bình thường nên cảm giác như bị mất nhịp. Những ngoại tâm thu vô hại có khuynh hướng xuất hiện khi nghỉ và biến mất khi gắng sức. Chẩn đoán khi thấy được ngoại tâm thu trên điện tâm đồ (ECG). Đa số không cần điều trị đặc hiệu.
Rung nhĩ
Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất và gây ra nhịp tim không đều, thường là nhanh. Tâm nhĩ đập một cách loạn xạ. Bệnh thường gặp khi bạn lớn tuổi, bị tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch tiềm ẩn. Uống rượu quá mức và cường giáp cũng có thể khởi phát rung nhĩ. Khi phát hiện nhịp tim không đều, bác sĩ sẽ cho đo điện tâm đồ để chẩn đoán bệnh. Điều trị bao gồm thuốc làm giảm nhịp tim (như bisoprolol), thuốc phục hồi nhịp xoang (như flecainide) và thuốc chống đông máu để ngăn ngừa đột quỵ (như warfarin). Các biện pháp điều trị khác bao gồm sốc điện chuyển nhịp (để phục hồi nhịp xoang), đốt điện (phá hủy vùng cơ tim gây loạn nhịp) và cấy máy tạo nhịp (để chiếm quyền kiểm soát nhịp tim).
Nhịp nhanh trên thất
Đây cũng là một nguyên nhân khác gây hồi hộp. Tim sẽ đập thật nhanh sau đó ngưng lại hoặc đập chậm lại. Nhịp nhanh trên thất xảy ra khi những xung động điện bất thường khởi phát ở tâm nhĩ và chiếm quyền hệ thống phát xung bình thường của tim. Bệnh thường không có nguyên nhân. Một số người nhận thấy cơn nhịp nhanh của họ khởi phát khi gắng sức, xúc động, khi uống rượu hoặc cafe. Bệnh thường gặp lần đầu ở người trẻ. Đa số trường hợp là vô hại và không cần điều trị. Khi gây khó chịu, các thuốc ức chế bê-ta (như bisoprolol) để làm chậm nhịp tim hoặc đốt điện có thể có hiệu quả.
Rối loạn nhịp thất
Dạng rối loạn nhịp này ít gặp hơn nhưng thường nguy hiểm hơn các rối loạn nhịp nhĩ như rung nhĩ hay nhịp nhanh trên thất. Chẩn đoán được thực hiện bằng việc đo điện tâm đồ. Những người bị rối loạn nhịp thất cần đến bác sĩ tim mạch khám để có hướng điều trị thích hợp.
Xét nghiệm nào cần thực hiện ?
Xét nghiệm máu nên được thực hiện ở những người bị hồi hộp để loại trừ thiếu máu hoặc cường giáp. Điện tâm đồ là xét nghiệm không thể thiếu với mục đích ghi lại các hoạt động điện của tim giúp chẩn đoán các bệnh lý tim mạch đã có hoặc tiềm ẩn. Điện tâm đồ 24h ghi lại hoạt động điện của tim liên tục trong 24h. Bản được yêu cầu đo điện tim khi đang hồ hộp. Những xét nghiệm khác sẽ được thực hiện tùy từng trường hợp.
Phương pháp điều trị là gì ?
Điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây hồi hộp. Bạn có thể được yêu cầu giảm lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày hoặc kiêng những thức ăn có thể khởi phát hồi hộp. Đa số trường hợp sẽ được điều trị bởi bác sĩ đa khoa tổng quát, một số khác nên được khám và điều trị tại bệnh viện.
Bạn cần làm gì khi bị hồi hộp ?
Nếu cơn hồi hộp của bạn không chấm dứt sớm (trong vòng vài phút), hoặc có kèm theo đau ngực, khó thở, chóng mặt, bạn nên gọi cấp cứu. Nếu mức độ hồi hộp ít nhưng kéo dài dai dẳng hoặc hay tái phát, bạn nên đến khám bác sĩ tổng quát.
Khi bị hồi hộp, bạn nên bắt mạch của mình. Cụ thể là bạn nên cho bác sĩ biết mạch của bạn nhanh bao nhiêu trong lúc hồi hộp. Cụ thể là bao nhiêu nhịp trong một phút, đều hay không đều. Thông tin này có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây hồi hộp. Y tá sẽ hướng dẫn bạn bắt mạch nếu bạn không biết cách bắt.
Tài liệu tham khảo
http://www.patient.co.uk/health/palpitations