Hội chứng tủy bên có các triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn khiến bác sĩ khó chẩn đoán. Và một trong những triệu chứng ít ai chú ý đến nhất chính là nấc cụt kéo dài.
Một loại đột quỵ được gọi là hội chứng Wallenberg là một cơn đột quỵ gây tổn thương ở phần dưới của thân não. Nguyên nhân là do tắc nghẽn mạch máu nhỏ trong não, từ đó gây ra hàng loạt dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng. Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn mắc hội chứng Wallenberg hay hội chứng tủy bên, hãy tham khảo kỹ những thông tin hữu ích dưới đây:
Hội chứng tuỷ bên / Hội chứng Wallenberg là gì?
Đây là trường hợp đột quỵ có một loạt các triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán đối với bác sĩ. Lý do những triệu chứng bất thường này xuất hiện cùng nhau là vì hội chứng Wallenberg là một cơn đột quỵ làm tổn thương một vùng nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng của não điều khiển nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Và phần bị tổn thương chính là tuỷ bên, có chức năng kết nối giữa não với các phần dưới của cơ thể.
Các triệu chứng của hội chứng tủy bên là gì?
Thông thường các triệu chứng rất khó nhận biết. Bác sĩ phải khám thần kinh cẩn thận để xác định tất cả các dấu hiệu và kết hợp với nhau để chẩn đoán hội chứng tủy bên.
Mặt
Thông thường, một bên mặt bị tê. Ngoài ra còn có mất cảm giác với nhiệt độ hoặc đau ở một bên khuôn mặt.
Mí mắt có thể rũ xuống ở cùng bên tê và có thể thay đổi kích thước đồng tử. Thông thường, có thể có cử động giật mắt khi bạn liếc nhìn từ bên này sang bên kia. Chứng này được gọi là động mắt.
Một số bệnh nhân có thể bị đau trên khuôn mặt và miệng.
Cánh tay và chân
Thường bị tê và giảm cảm giác ở cánh tay, chân hoặc cả chân và tay ở bên đối diện với bên bị tê mặt. Đôi khi, có thể bị yếu liệt từ nhẹ đến trung bình ở cánh tay hoặc chân.
Hầu hết những người bị đột quỵ tủy bên đều gặp khó khăn trong việc phối hợp động tác ở tay và chân.
Các triệu chứng khác
Những người bị đột quỵ tủy bên có thể bị chóng mặt, giọng khàn và khó nuốt. Đặc biệt, loại đột quỵ này có thể gây ra nấc cụt liên tục kéo dài trong nhiều ngày. Thực chất, triệu chứng nấc cụt dài ngày này có thể là dấu hiệu giúp bác sĩ chẩn đoán bạn mắc hội chứng tủy bên.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn hay người quen của bạn nấc cục liên tục trong nhiều ngày, bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay vì nó có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ hoặc một rối loạn thần kinh.
Làm thế nào để các bác sĩ chẩn đoán hội chứng tủy bên?
Chẩn đoán hội chứng tủy bên thường được thực hiện bằng cách khám thần kinh và sau đó xác nhận lại chẩn đoán bởi chụp cộng hưởng từ (MRI) não. Chụp MRI não khẳng định vị trí của các bất thường và xác định liệu đó có phải là cơn xuất huyết não hay nhồi máu não hoặc thậm chí nó có phải là một khối u não hoặc nhiễm trùng hay không.
Thông thường chụp CT não không phát hiện đột quỵ ở thân não, do đó, chụp CT não không phát hiện các bất thường trong hội chứng tủy bên.
Phương pháp điều trị hội chứng tủy bên là gì?
Việc điều trị đột quỵ tủy bên bao gồm kiểm soát huyết áp và dùng thuốc tiêu sợi huyết. Thông thường, điều trị đột quỵ tủy bên phụ thuộc vào việc phân loại mức độ nặng của chẩn đoán, bao gồm có cao huyết áp không, có bệnh tim không, cholesterol cao không, có tiểu đường hoặc rối loạn đông máu không. Một khi nguyên nhân của đột quỵ được xác định, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị cơn đột quỵ hiện tại và ngăn ngừa những cơn đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
Đột quỵ sẽ diễn tiến như thế nào?
Sau khi đột quỵ tủy bên, các triệu chứng có thể tiếp tục nặng lên trong vòng 48-72 giờ đầu tiên, đặc biệt là nếu bạn không tới phòng cấp cứu ngay. Sau đó, những người sống sót sau đột quỵ trải qua hội chứng tủy bên thường cải thiện theo thời gian, mặc dù các triệu chứng hiếm khi hoàn toàn biến mất.