Cho con bú là một công việc quan trọng trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, trẻ ngủ trong khi bú mẹ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng.
Hầu hết trẻ nhỏ đều ngủ trong khi bú suốt những tuần đầu đời, bạn có thể lo lắng vì điều này. Những câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu bạn rằng liệu mình cho con bú đúng cách chưa, con bú đã đủ no chưa hay con có vấn đề về sức khỏe không. Nếu bạn thắc mắc và không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề, Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những điều này.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trong khi một số trẻ ngủ đúng giấc bú đúng giờ, một số trẻ khác lại cảm thấy buồn ngủ khi đang bú mẹ. Thông thường trẻ sơ sinh có thể ngủ bất cứ nơi nào trong 14 – 18 giờ/ngày. Mỗi trẻ sơ sinh có thói quen khác nhau. Do đó, giờ ngủ của chúng cũng khác nhau miễn là con vẫn khỏe mạnh và phát triển tốt.
Con yêu có thể sẽ không bú và ngủ cố định theo giờ giấc nào trong vài tháng đầu tiên. Thậm chí vài bé không có bất kỳ thói quen sinh hoạt nào trong 1 – 2 năm đầu đời. Điều này là bình thường và bạn không nên lo lắng.
Thỉnh thoảng, con thường xuyên bị thức giấc và muốn bạn bế lên. Có khi, con chỉ ngủ được vài giờ rồi thức giấc hoặc con chỉ muốn bú thật nhanh rồi ngủ hay buồn ngủ đến mức ngủ ngay khi bắt đầu được cho bú.
Có nên tăng số lần bú cho con?
Nếu con thường xuyên ngủ trong khi bú, bạn nghĩ rằng con sẽ đói và cố gắng cho con bú thường xuyên hơn. Hầu hết trẻ nhỏ bú 8 – 12 lần/ngày trong khi số khác lại muốn được bú nhiều hơn. Việc thường xuyên cho con bú sẽ thúc đẩy việc tạo ra sữa nhiều hơn. Bạn sẽ nhận thấy một số dấu hiệu con đang đói, chẳng hạn như:
- Con có động tác mút vú ngay cả trong khi đang ngủ hoặc tạo ra âm thanh giống như đang bú mẹ
- Con bắt đầu đạp chân và nhấp nháy mắt
- Con quay đầu qua lại để tìm vú mẹ.
Bạn có thể đánh thức bé dậy không?
Bạn lo rằng ngủ quá nhiều, con sẽ bỏ lỡ những cữ bú hoặc ngủ quên trong khi bú. Để giúp bé thức dậy, bạn có thể thử những cách sau đây:
- Nằm ở một tư thế thoải mái và để bé lên người bạn. Sau đó, hãy cởi cúc áo và cho bé nằm lên sao cho da bé tiếp xúc da bạn. Lúc này, bạn nên nói nhỏ đánh thức con dậy. Bé sẽ từ từ thức dậy và tìm đến bầu vú của bạn. Bé sẽ thức hoặc bú một ít và trở lại giấc ngủ.
- Bật đèn ngủ trong phòng ngủ mờ một chút và không quá sáng vì có thể khiến bé mở mắt và thức giấc.
- Xoa bóp chân của bé hay những bộ phận khác của cơ thể chậm rãi và nói chuyện với bé bằng giọng nhẹ nhàng để không làm bé giật mình.
- Đôi khi, con không chịu thức dậy hay không mở mắt, bạn có thể vắt một ít sữa lên ngón tay rồi nhẹ nhàng chà lên môi của bé. Khi nếm được sữa mẹ, bé sẽ thức dậy và bú sữa.
- Đặt con ở tư thế thẳng đứng và nói chuyện với con bằng giọng bình thường. Hãy nhớ để tay phía sau đỡ đầu của con.