Mỗi loại sẹo do bất kỳ nguyên nhân nào gây ra cũng có cách để xử lý. Dù vết sẹo lớn hay nhỏ thì vẫn là một ví dụ tuyệt vời về sự hồi phục kỳ diệu của da khi chúng ta bị thương. Chúng tôi mách bạn những cách tác động vào quá trình này để đảm bảo thu nhỏ vết sẹo và khiến chúng trông bình thường nhất có thể.
Sẹo được hình thành như thế nào?
Sẹo là kết quả của quá trình tái tạo vùng da bị tổn thương. Nó bao gồm rất nhiều yếu tố và tiến trình khác, từ ảnh hưởng di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe, chế độ ăn uống và thói quen sống như hút thuốc lá, phơi nắng và dùng nhiều đồ uống có cồn. Những thói quen không lành mạnh sẽ gây hư tổn da từ bên trong và ảnh hưởng tới khả năng làm lành vết thương của chúng.
Tùy vào mức độ sâu của vết thương mà hình dạng sẹo sẽ khác nhau. Chúng có thể phẳng hoặc lồi lên; có thể có màu đỏ, rám nâu hoặc sẫm màu; hình tròn, vệt thẳng, đứt đoạn hoặc ngoằn ngoèo. Một số vết sẹo sẽ rất khó thấy và một số khác lại rất nổi bật, thậm chí có thể mang hình dáng như vết lằn bánh xe.
Việc sẹo sẽ trông như thế nào rất khó đoán được bởi vì vết thương, từ một vết xước nhẹ cho đến một ca phẫu thuật, sẽ để lại sẹo với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Nội dung bài viết phía dưới đây chủ yếu nói về những việc bạn nên làm để giúp vết thương mau lành, ở mức cơ bản nhất để áp dụng được trong nhiều trường hợp khác nhau. Cách mà bạn chăm sóc da trong và sau quá trình chữa lành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu nhỏ vết sẹo cũng như vùng da đó có thể mịn màng và trông như bình thường hay không.
Thu nhỏ vết sẹo đang tồn tại trên da
Quá trình làm lành da ở mỗi người sẽ rất khác nhau – một số người có thể chữa lành nhanh chóng và dễ dàng hơn so với những người khác. Tuy nhiên, việc làm lành da có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cách bạn chăm sóc da nữa. Hãy làm theo những bước hướng dẫn sau đây khi bạn bị thương:
- Rửa sạch vết thương một cách nhẹ nhàng. Bất kỳ loại chất gây kích ứng nào – kể cả nước nóng, xà bông hay xà phòng khô – đều có thể làm vết thương trở nên nặng hơn.
- Nếu vết thương bị dính bẩn hoặc vật thể nhỏ như đá, kính vỡ… bạn nên lấy chúng ra cẩn thận càng sớm càng tốt. Nếu để các vật thể lạ ở trong vết thương quá lâu thì nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ càng cao, dẫn tới vết thương càng nghiêm trọng hơn.
- Những vết đứt trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, vì vậy rửa sạch vết thương ngay lập tức là cực kỳ quan trọng.
- Dùng các loại thuốc mỡ kháng khuẩn đã được chứng minh là KHÔNG hữu ích trong việc trị sẹo, trừ khi vết thương bạn đã bị nhiễm trùng với những dấu hiện như sưng, tấy đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng các loại thuốc kháng khuẩn thường xuyên sẽ làm những vi khuẩn chống kháng sinh phát triển mạnh hơn nữa. Những loại thuốc này cũng sẽ làm nguy cơ bị nhiễm trùng tăng cao hơn. Bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào để tránh gây ảnh hưởng xấu đến vết thương của mình.
- Hãy băng vết thương lại và giữ cho chúng luôn đủ độ ẩm. Thoa lên vết thương một ít vaseline sẽ có lợi cho việc giữ ẩm.
- Sau khi vết thương đã lành, bạn vẫn nên tiếp tục chăm sóc vùng da đó. Bên cạnh việc chăm sóc nhẹ nhàng thì bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời cũng rất cần thiết. Bởi vì ánh nắng chỉ cần trong một thời gian ngắn cũng có thể làm giảm khả năng hồi phục da của bạn.
- Theo một số nghiên cứu, những loại thuốc có chứa quercetin hoặc chiết xuất từ hành có thể có tác dụng trong việc hỗ trợ làm lành vết thương.
- Nếu da đã lành, bạn hãy thoa lên một lớp mỏng serum hoặc dưỡng thể làm ẩm có chứa chất chống oxi hóa và những thành phần bổ sung tốt cho da để giúp da cân bằng độ ẩm.
Đối với một số sẹo lồi, các loại gel trị sẹo không kê toa cũng đã được chứng minh là có tác dụng tốt nếu được sử dụng thường xuyên và liên tục trong ít nhất là 1-2 tháng hoặc lâu hơn.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ thu nhỏ vết sẹo?
Có một số trường hợp bạn không nên tự xử lý vết thương và sẹo tại nhà mà nên đến gặp bác sĩ để nhận được sự điều trị phù hợp. Bạn nên đi khám vết thương ngay khi:
- Vết thương rất sâu.
- Có những vật thể đang hoặc có khả năng bị rỉ sét kẹt lại trong vết thương.
- Vết thương do người hoặc động vật cắn.
- Vết thương bị nhiễm trùng, sưng, tấy đỏ lên hoặc cảm thấy nóng khi chạm vào.
- Vết thương bị rỉ nước.
Sau khi vết thương đã lành nhưng vẫn bị lồi lên, thô ráp, sần sùi hoặc có hình dạng kỳ lạ, các bác sĩ sẽ có nhiều phương pháp để cải thiện bề ngoài cho vùng da bị sẹo này. Những quy trình từ điều trị bằng tia laser cho đến phẫu thuật chỉnh sẹo đều có nhiều ưu, nhược điểm khác nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị thu nhỏ vết sẹo an toàn và phù hợp.
Những điều bạn cần chú ý trong quá trình thu nhỏ vết sẹo
Để thu nhỏ vết sẹo khi da đang hồi phục, bạn nên lưu ý:
- Không bôi các loại dầu hoặc kem đặc lên vết thương. Thoa một lớp mỏng vaseline sẽ có ích hơn cho da trong những ngày đầu hồi phục.
- Không ngâm vết thương trong nước vì chúng sẽ làm da yếu hơn.
- Không cọ xát vì nó có thể gây ra thêm nhiều vết thương nhỏ và làm cản trở quá trình tái tạo da.
- Luôn bôi kem chống nắng vì ánh nắng mặt trời có thể tổn hại đến vết thương nhiều hơn.
Tránh dùng các loại chất tẩy rửa khô, những sản phẩm có mùi hương (tự nhiên hoặc tổng hợp) và sản phẩm có chứa bất kỳ một lượng bạc hà, bạc hà cay, trái cây họ cam quýt, khuynh diệp, long não hay các chiết xuất thực vật dễ gây kích ứng. Tất cả những loại sản phẩm này đều có khả năng làm tăng nhiễm trùng và cản trở da hồi phục.
Việc này nói thì dễ, làm lại rất khó nhưng bạn hãy cố gắng: không cạy hay gỡ những miếng vảy (mày) trên vết thương. Hãy để miếng vảy tự bong ra, nếu không vết thương của bạn sẽ trở nên xấu hơn. Những miếng vảy được hình thành để bảo vệ làn da non đang được tái tạo phía dưới. Vì vậy, nếu bạn để miếng vảy bảo vệ càng lâu thì càng thu nhỏ vết sẹo dễ dàng.
Những cách thức chăm sóc và lưu ý để thu nhỏ vết sẹo trên đây là rất cơ bản và có thể áp dụng cho nhiều trường hợp. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, vết thương và sẹo đòi hỏi những sự chăm sóc và điều trị chuyên biệt hơn. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất.