Loét dạ dày

(4.11) - 74 đánh giá

Loét dạ dày thường do nhiễm vi khuẩn H. pylori. Một đợt điều trị 4-8 tuần với thuốc ức chế acid cho phép chữa lành ổ loét. Thêm vào đó 1 tuần điều trị với 2 loại thuốc kháng sinh kèm 1 loại thuốc ức chế tiết acid để diệt trừ hoàn toàn H.pylori. Việc điều trị diệt trừ H.pylori là cần thiết để ngăn ngừa loét dạ dày tái phát. Các thuốc kháng viêm được dùng trong điều trị một số bệnh như viêm khớp đôi khi cũng gây ra loét dạ dày. Do đó, nếu phải tiếp tục dùng thuốc kháng viêm thì bạn cần dùng thuốc kháng acid lâu dài.

Loét dạ dày

Kiến thức về đường ruột và quá trình tiêu hóa

Thức ăn đi qua thực quản để xuống dạ dày. Dạ dày tiết ra acid, là chất dù không thiết yếu cho cơ thể nhưng nó có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn. Sau khi được nhào trộn trong dạ dày, thức ăn đi vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Tại tá tràng và phần còn lại của ruột non, thức ăn được trộn với các enzyme (hóa chất) do tụy và các tế bào ở niêm mạc ruột tiết ra. Các enzyme này phân cắt thức ăn để sau đó được hấp thu vào cơ thể.

Giải thích một số thuật ngữ

Viêm đường tiêu hoá là tình trạng viêm do acid dạ dày gây ra. Viêm có thể xảy ra ở dạ dày, tá tràng (do acid đi xuống tá tràng cùng thức ăn) hoặc phần thấp thực quản (do acid trào ngược lên thực quản gây ra viêm thực quản trào ngược).

Loét đường tiêu hoá là ổ loét gây ra bởi acid dạ dày. Tại đây, lớp niêm mạc phủ của đường ruột bị tổn thương làm lộ ra lớp mô bên dưới. Nếu có thể nhìn từ lòng ruột, ổ loét trông giống như một hố nhỏ màu đỏ ở niêm mạc. Loét tá tràng là loại thường hay gặp nhất của bệnh loét đường tiêu hóa.

Loét dạ dày cũng là một dạng của loét đường tiêu hoá.

Nguyên nhân gây ra loét dạ dày là gì?

Bình thường dạ dày tiết ra acid giúp tiêu hóa thức ăn và tiêu diệt vi khuẩn. Vì acid này có tính ăn mòn nên một số tế bào ở lớp niêm mạc dạ dày và tá tràng sản xuất ra chất nhầy tạo thành một hàng rào tự nhiên có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc tránh khỏi tác động trực tiếp của acid. Bình thường luôn có sự cân bằng giữa lượng acid được tạo ra và hàng rào bảo vệ chất nhầy. Khi cân bằng này bị phá vỡ, acid có thể phá hủy lớp niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng gây ra loét.

Các nguyên nhân của loét dạ dày bao gồm:

  • Nhiễm Helicobacter pylori

Nhiễm Helicobacter pylori (thường được gọi là H.pylori) là nguyên nhân của khoảng 8/10 số trường hợp loét dạ dày. Một khi đã bị nhiễm vi khuẩn này, nó thường tồn tại suốt cuộc đời bạn trừ khi bạn được điều trị. Đối với nhiều người, vi khuẩn này sống ở lớp niêm mạc dạ dày và tá tràng mà không gây hại gì cả. Tuy nhiên, ở một số người, chúng gây viêm niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Tình trạng viêm này làm phá vỡ hàng rào chất nhầy bảo vệ (có thể kèm tăng lượng acid trong một số trường hợp) từ đó acid có thể gây viêm và hình thành ổ loét.

  • Các thuốc kháng viêm

Các thuốc kháng viêm đôi khi còn được gọi là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS). Có nhiều loại và nhãn hiệu khác nhau như aspirin, ibuprofen, diclofenac… Những thuốc này thường được dùng để điều trị các bệnh như viêm khớp, đau cơ… Ngoài ra, aspirin còn được dùng để bảo vệ chống sự hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, những thuốc kháng viêm này có thể gây tổn hại đến hàng rào chất nhầy của dạ dày và cho phép acid gây ra loét. Khoảng 2 trong 10 trường hợp loét dạ dày là do thuốc kháng viêm.

  • Các nguyên nhân và yếu tố khác

Các nguyên nhân khác khá hiếm. Ví dụ, một vài loại virus có thể gây ra loét dạ dày. Bệnh Crohn cũng có thể gây loét dạ dày ngoài những tổn thương khác ở ruột. Ung thư dạ dày ban đầu có thể trông giống như ổ loét dạ dày, tuy nhiên loại thương tổn này cần phải được loại bỏ ngay khi được phát hiện.

Triệu chứng của loét dạ dày là gì?

Đau ở vùng bụng trên, ngay dưới xương ức là triệu chứng phổ biến. Đau bụng thường chỉ thoáng qua hoặc dịu đi khi bạn uống thuốc kháng acid. Cơn đau đôi khi nặng hơn sau khi ăn hoặc nó thậm chí làm bạn thức giấc lúc nửa đêm.

Các triệu chứng khác có thể gặp như: ợ hơi, nôn, mệt mỏi hoặc có cảm giác đầy hơi sau bữa ăn.

Các biến chứng có thể xảy ra ở một số trường hợp và có khi nghiêm trọng như:

  • Chảy máu ổ loét. Mức độ chảy máu có khi chỉ là chảy rỉ rả một ít nhưng cũng có thể chảy máu nhiều dẫn đến tử vong.
  • Thủng dạ dày. Do loét sâu xuyên thành của dạ dày. Thức ăn và dịch acid trong dạ dày theo đó chảy vào khoang ổ bụng. Biến chứng này gây đau bụng dữ dội và cần được điều trị cấp cứu.

Những xét nghiệm cần được làm là gì?

Nội soi là xét nghiệm có thể xác định loét dạ dày. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa một ống soi nhỏ và mềm qua thực quản vào dạ dày để quan sát bên trong dạ dày của bạn. Qua đó có thể nhìn thấy hiện tượng viêm hoặc các ổ loét.

Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn H.pylori thường được thực hiện nếu bạn có ổ loét dạ dày. Nếu H.pylori được phát hiện thì nó được xem là nguyên nhân của loét dạ dày. H.pylori có thể được phát hiện bằng xét nghiệm mẫu phân, máu, hơi thở hoặc mẫu sinh thiết ổ loét được lấy trong quá trình nội soi.

Sinh thiết (lấy mẫu nhỏ bệnh phẫm). Mẫu mô thường được lấy tại ổ loét và xung quanh ổ loét trong quá trình thực hiện nội soi. Những mẫu bệnh phẩm này được gửi đến phòng xét nghiệm và được xem dưới kính hiển vi. Việc khảo sát này giúp kiểm tra liệu nguyên nhân ổ loét có phải là ung thư hay không?

Điều trị loét dạ dày như thế nào?

Nội khoa

Thuốc ức chế acid : Bạn thường được chỉ định điều trị bằng 1 loại thuốc ức chế acid trong 4-8 tuần để làm giảm đáng kể lượng acid do dạ dày tiết ra. Thuốc được dùng phổ biến nhất là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Thuốc ức chế bơm proton tác động lên các tế bào ở niêm mạc dạ dày làm giảm tiết ra acid. Các thuốc này bao gồm: esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole và rabeprazole. Chúng xuất hiện dưới nhiều tên biệt dược khác nhau.

Một nhóm thuốc khác đôi khi cũng được sử dụng là thuốc đối kháng thụ thể H2 hay còn gọi là ức chế H2. Thuốc này tác động lên các tế bào niêm mạc dạ dày theo một cách thức khác với thuốc PPI mà kết quả cũng làm giảm tiết acid. Thuốc này gồm những nhóm như: Cimetidine, Famotindine, Nizatidine và Ranitidine, và cũng xuất hiện với nhiều tên biệt dược khác nhau. Vết loét thường lành sẹo khi lượng acid tiết ra được giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc điều trị chưa dừng lại ở đây.

  • Nếu loét dạ dày do H.pylori

Hầu hết các ổ loét đều do nhiễm H.pylori. Vì thế, việc diệt trừ vi khuẩn này đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị loét dạ dày. Nếu bằng chứng nhiễm H.Pylori không rõ ràng mà ổ loét có khả năng tái phát một khi ngưng uống thuốc ức chế acid thì bạn cần được điều trị diệt trừ H.pylory bằng 2 loại kháng sinh kết hợp với thuốc ức chế acid. Việc bổ sung thuốc ức chế acid trong khi điều trị diệt trừ H.pylori là cần thiết để kháng sinh hoạt động được hiệu quả. Bạn cần dùng liệu pháp điều trị kết hợp này (còn gọi là liệu pháp 3 thuốc) trong 1 tuần. Một liệu trình điều trị kết hợp như vậy cho hiệu quả diệt trừ H.pylori lên đến 9/10 trường hợp. Nếu H.pylori được diệt sạch, nguy cơ tái phát loét dạ dày sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiễm H.pylori vẫn có thể tái phát ở một số người vào thời điểm nào đó sau đó.

  • Nếu loét dạ dày do thuốc kháng viêm

Bạn nên ngưng uống thuốc kháng viêm nếu có thể để giúp lành ổ loét. Bạn cũng sẽ được bác sĩ kê thuốc kháng tiết trong nhiều tuần để dạ dày ngưng tiết acid và làm lành ổ loét. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thuốc kháng tiết là cần thiết để làm giảm các triệu chứng của viêm khớp hay các bệnh lý đau nhức khác, hay cần phải dùng aspirin để ngăn ngừa tạo cục máu đông. Trong những tình huống này, điều trị được lựa chọn là dùng thuốc kháng tiết acid mỗi ngày vô thời hạn để giảm lượng acid tiết ra bởi dạ dày và giảm đáng kể nguy cơ tái hình thành ổ loét.

  • Điều trị loét dạ dày do những nguyên nhân không phổ biến.

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân chính gây bệnh.

Ngoại khoa

Trong quá khứ, để điều trị loét dạ dày người ta thường cần đến phẫu thuật. Phẫu thuật điều trị loét dạ dày được áp dụng trước khi phát hiện ra H.pylori là nguyên nhân chính của hầu hết các trường hợp loét dạ dày và trước khi có sự xuất hiện của các thuốc ức chế acid hiên đại. Hiện nay, ngoại khoa chỉ cần đến khi có xảy ra biến chứng của loét dạ dày như chảy máu nặng hay thủng dạ dày

Việc cần làm sau điều trị

Một vài tuần sau khi kết thúc điều trị bạn nên được nội soi lại. Việc này chủ yếu để kiểm tra vết loét đã lành hay chưa và cũng để xác định chắc chắn rằng ổ loét không phải là thương tổn ung thư dạ dày. Nếu loét dạ dày do H.pylori thì bạn nên làm xét nghiệm kiểm tra xem H.pylori đã được diệt sạch hay chưa. Xét nghiệm kiểm tra H.pylori cần được thực hiện sau khi kết thúc liệu trình điều trị kết hợp ít nhất là 4 tuần. Trong hầu hết các trường hợp, xét nghiệm âm tính nghĩa là vi khuẩn đã được diệt sạch. Nếu kết quả ngược lại thì bạn cần được điều trị lặp lại với một liệu trình kết hợp bao gồm các loại kháng sinh khác.

Xem thêm bài Viêm dạ dày nguyên nhân, triệu trị và dự phòng của BS.TS. Phạm Nguyên Quý và Ths.BS. La Vĩnh Phúc

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/stomach-gastric-ulcer

Biên dịch - Hiệu đính

Ths.BS. Hoàng Thị Tú Anh - BS. Nguyễn Quốc Vinh
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về viêm gan B

(100)
TỔNG QUAN Viêm gan là gì? Viêm là tình trạng hay phản ứng sinh học đặc trưng bởi sưng, nóng, đỏ và đau. Viêm gan có nghĩa là ”tình trạng viêm xảy ... [xem thêm]

Ngộ độc thực phẩm ở người lớn

(36)
Ngộ độc thực phẩm diễn ra khi ăn hoặc uống phải thức ăn và nước uống bị nhiễm các vi sinh vật có hại, các chất độc hoặc các chất hóa học. Tình ... [xem thêm]

Viêm hạch mạc treo

(17)
Viêm hạch mạc treo là gì? Viêm hạch mạc treo là tình trạng các tuyến lympho trong ổ bụng (thường nằm trong mạc treo ruột) bị viêm phù nề và gây đau bụng âm ... [xem thêm]

Viêm phúc mạc : Nguyên nhân, triều trị và dự phòng

(45)
Định nghĩa Viêm phúc mạc là sự viêm của phúc mạc – một màng như lụa trải bên trong thành bụng và phủ các cơ quan trong bụng – thường gây ra bởi sự ... [xem thêm]

Nguyên nhân bệnh trĩ thường gặp và cách điều trị

(32)
Tổng quan Bệnh trĩ là gì ? Bệnh trĩ là hậu quả của sự phình to các tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn hoặc trực tràng. Tùy vào vị trí phình tĩnh mạch mà ... [xem thêm]

Làm gì khi bị hội chứng ruột kích thích

(61)
Hội chứng ruột kích thích Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hoá thường gặp. Nguyên nhân vẫn chưa được biết đến.Triệu chứng có thể thay ... [xem thêm]

Tại sao đi tiêu ra máu ?

(97)
Định nghĩa đi tiêu ra máu Đi tiêu ra máu là thuật ngữ y khoa dùng để mô tả sự xuất hiện của máu trong phân. Máu có thể chứa đầy cả bồn cầu, ... [xem thêm]

Nhiễm vi khuẩn Salmonella ở trẻ em và người lớn

(79)
Salmonella là một nhóm vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Thông thường, ngộ độc thức ăn gây ra viêm dạ dày-ruột – một loại nhiễm trùng của ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN