Khoai mỡ có tác dụng gì đến sức khỏe của chúng ta? Câu trả lời là nó có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối sức khỏe do hàm lượng chất dinh dưỡng trong thảo dược này khá cao.
Chắc hẳn bạn đã từng ăn qua một món ăn được chế biến từ khoai mỡ. Khoai mỡ có tên khoa học là Dioscorea alata, củ khá to, nhiều hình dạng, thịt củ màu tím, mềm khi nấu chín. Khoai mỡ có vị ngọt tự nhiên, hấp dẫn và được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau, từ ngọt đến mặn.
Hơn nữa, chúng chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, tất cả đều có lợi cho sức khỏe của bạn. Vậy cụ thể khoai mỡ có tác dụng gì? Dưới đây là 7 lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên gói gọn chỉ trong một củ khoai mỡ có vẻ ngoài xù xì.
1. Rất bổ dưỡng
Khoai mỡ chứa tinh bột và là nguồn cung cấp carbohydrate, kali cũng như vitamin C. Trong 100g khoai mỡ nấu chín sẽ đem lại cho bạn:
- Lượng calo: 140
- Carbohydrate: 27g
- Protein: 1g
- Chất béo: 0,1g
- Chất xơ: 4g
Theo giá trị dinh dưỡng hằng ngày (DV):
- Natri: 0,83%
- Kali: 13,5%
- Canxi: 2%
- Sắt: 4%
- Vitamin C: 40%
- Vitamin A: 4%
2. Giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào khỏi hư hại do các gốc tự do – vốn có liên quan đến nhiều tình trạng mạn tính như ung thư, bệnh tim, tiểu đường và thoái hóa thần kinh. Khoai mỡ rất giàu chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin và vitamin C.
Anthocyanin làm khoai mỡ có màu sắc rực rỡ, có thể giúp giảm huyết áp và chống viêm, ung thư, cũng như bệnh tiểu đường týp 2. Nghiên cứu cũng cho thấy 2 loại anthocyanin trong khoai mỡ là cyanidin và peonidin có thể giảm sự phát triển của một số loại ung thư như:
- Ung thư đại tràng. Nghiên cứu cho thấy khối u ở động vật được điều trị bằng cyanidin trong chế độ ăn uống giảm tới 45%. Trong khi một nghiên cứu khác thuộc phạm vi ống nghiệm cho thấy khoai mỡ làm chậm sự phát triển các tế bào ung thư ở người.
- Ung thư phổi. Qua nghiên cứu quan sát được, peonidin làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư phổi.
- Ung thư tuyến tiền liệt. Theo nghiên cứu, cyanidin làm giảm số lượng tế bào ung thư tuyến tiền liệt của người.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng những nghiên cứu này sử dụng một lượng cyanidin và peonidin cô đặc. Vì vậy, chúng ta không nên phụ thuộc vào việc ăn khoai mỡ nhằm điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, vitamin C trong khoai mỡ giúp giữ các tế bào cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng hấp thụ sắt và bảo vệ ADN khỏi hư tổn. Trên thực tế, khi hấp thu đủ lượng vitamin C cần thiết, mức độ chống oxy hóa của cơ thể có thể tăng lên tới 35%.
3. Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Béo phì và viêm do stress oxy hóa làm tăng nguy cơ kháng insulin, kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường týp 2 kém. Kháng insulin là tình trạng các tế bào không phản ứng đúng với hormone insulin – chất chịu trách nhiệm duy trì kiểm soát lượng đường trong máu.
Các flavonoid trong khoai mỡ đã được chứng minh là giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường týp 2. Chúng còn giúp giảm stress oxy hóa và kháng insulin bằng cách bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong gan. Ngoài ra, một nghiên cứu trên 20 con chuột đã phát hiện thêm rằng việc cho dùng chiết xuất khoai mỡ với lượng cao hơn làm giảm sự thèm ăn, khuyến khích giảm cân. Khả năng kiểm soát lượng đường trong máu được cải thiện. Một nghiên cứu khác báo cáo rằng bổ sung khoai mỡ làm giảm tốc độ hấp thụ đường trong máu ở chuột với mức độ cao, cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Lợi ích này có thể là do khoai mỡ có chỉ số đường huyết thấp trong khoảng từ 0-100. Chỉ số đường huyết là thước đo tốc độ đường được hấp thụ vào máu của bạn. Khoai mỡ tím có chỉ số này là 24. Điều này có nghĩa là carbohydrate được phân hủy thành đường từ từ, dẫn đến việc giải phóng năng lượng ổn định hơn, lượng đường trong máu không bị tăng đột biến.
4. Có thể giúp hạ huyết áp
Huyết áp cao là một yếu tố chính gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Khoai mỡ có thể giúp hạ huyết áp nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa ấn tượng của chúng. Một nghiên cứu cho thấy khoai mỡ có khả năng này tương tự như các loại thuốc hạ huyết áp thông thường như thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
Một nghiên cứu khác cho thấy các chất chống oxy hóa trong khoai mỡ có thể ngăn chặn sự chuyển đổi angiotensin 1 thành angiotensin 2, một hợp chất chịu trách nhiệm cho việc làm tăng huyết áp.
Dù những kết quả này có vẻ rất tươi sáng nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn ở phạm vi con người. Do đó, bạn đừng tự ý dùng khoai mỡ làm phương cách duy nhất để trị chứng cao huyết áp của mình nhé!
5. Có thể cải thiện triệu chứng hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính đường thở. Nếu hấp thu một lượng đủ chất chống oxy hóa như vitamin A và C có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Một đánh giá trên 40 nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của bệnh hen suyễn ở người lớn có liên quan đến lượng vitamin A thấp. Trên thực tế, những người mắc bệnh hen suyễn chỉ đáp ứng khoảng 50% lượng vitamin A được khuyến nghị trung bình hàng ngày. Ngoài ra, tỷ lệ mắc hen suyễn cũng tăng 12% ở những người có chế độ ăn uống ít vitamin C.
Khoai mỡ là một nguồn chất chống oxy hóa chứa vitamin A và C. Ăn khoai mỡ sẽ giúp bạn bổ sung các vitamin này một cách cân bằng hơn.
6. Tăng cường sức khỏe đường ruột
Khoai mỡ có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, bạn có tin không? Chúng chứa nhiều carbohydrate phức hợp và là một nguồn tinh bột đề kháng tốt.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy tinh bột đề kháng từ khoai mỡ làm tăng số lượng bifido, một loại vi khuẩn đường ruột có lợi. Những lợi khuẩn này đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, hỗ trợ phân hủy các loại carbohydrate và chất xơ phức tạp. Chúng thậm chí có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư đại trực tràng, bệnh viêm ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS). Chúng còn sản xuất ra các axit béo và vitamin B tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột cho thấy khoai mỡ có tác dụng chống viêm và giảm triệu chứng viêm đại tràng. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn liệu ăn khoai mỡ có đem lại tác dụng chống viêm ở người bị viêm đại tràng hay không.
7. Loại củ “đa năng”
Bên cạnh vấn đề khoai mỡ có tác dụng gì, nhiều người cũng thắc mắc có thể làm gì với loại củ này. Thực tế, khoai mỡ được ứng dụng đa dạng trong ẩm thực. Bạn có thể nấu cháo, canh, súp, chiên bánh, làm chè khoai mỡ, thậm chí làm bánh canh.
Chưa hết, khoai mỡ được chế biến thành bột để tạo nên màu sắc rực rỡ cho các món như kẹo, bánh và mứt. Ở Philippines, khoai mỡ còn được làm thành món tráng miệng được nhiều người ưa thích tên là Ube Halaya.
Khoai mỡ là loại rau củ giàu tinh bột vô cùng bổ dưỡng. Chất chống oxy hóa mạnh mẽ của khoai mỡ có thể giúp giảm huyết áp và lượng đường trong máu. Khoai mỡ dễ ăn, ngon và có màu sắc đẹp. Chúng lại còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như trên.