Hẳn không ít người từng trải qua cảm giác bụng cồn cào dẫu vừa mới ăn xong tức thì. Đôi khi dạ dày kêu réo cũng không hẳn là bạn cần phải nạp thêm thức ăn. Bởi lẽ, có khá nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta cảm thấy nhanh đói bụng.
Đói bụng là hiện tượng sinh lý bình thường mà hầu như ngày nào bạn cũng đều cảm nhận được, nhất là vào gần bữa chính. Thông thường, cơ thể bạn sẽ mất khoảng vài giờ để tiêu hóa hoàn toàn thực phẩm từ bữa ăn trước. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không giống nhau ở tất cả mọi người.
Theo đó, tình trạng nhanh đói bụng sau khi ăn có thể là do thành phần dinh dưỡng trong thực đơn của bạn, hoặc một vài yếu tố liên quan đến hành vi và lối sống. Để rõ hơn, mời bạn tham khảo qua bài viết sau đây của Hello Bacsi.
Truy tìm nguyên nhân khiến bạn cảm thấy nhanh đói bụng sau ăn và hướng giải quyết
Nếu vừa ăn xong mà đã thấy nhanh đói bụng, bạn nên tìm hiểu những nguyên nhân sau để cải thiện vấn đề.
1. Thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn
Những bữa ăn nhiều đạm có xu hướng tạo cảm giác no lâu hơn so với bữa ăn có tỷ lệ carbohydrate và chất béo lớn – ngay cả khi hàm lượng calo cung cấp của cả hai đều ngang nhau.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc tiêu thụ thực phẩm giàu protein sẽ rất có lợi cho việc kích thích quá trình bài tiết của các hormone chẳng hạn như: Peptide giống Glucagon 1 (GLP – 1), cholecystokinin (CCK) và peptide YY (PYY). Đây đều là những nội tiết tố tạo tín hiệu no bụng nên bạn sẽ có cảm giác đói bụng liên tục nếu như không ăn đủ protein.
Ngoài ra, nếu thực đơn hằng ngày thiếu chất xơ, bạn cũng sẽ mau bị đói hơn. Lý do là vì hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian để “xử lý” triệt để thành phần này nên làm chậm tốc độ “rỗng” dạ dày.
Gợi ý thực phẩm giàu protein bao gồm các loại thịt, cá, trứng, sữa… Trong khi đó, chất xơ hòa tan lại có nhiều trong trái cây, rau, ngũ cốc, hạt và quả hạch. Trong trường hợp cảm thấy đói ngay sau khi dùng bữa, bạn nên xem xét lại sự có mặt của hai thành phần dưỡng chất này. Lời khuyên là hãy thử kết hợp nhiều thực phẩm giàu protein và chất xơ trong mỗi bữa ăn.
2. Stretch receptor (Các thụ thể kéo dài)
Ngoài đảm nhiệm vai trò tiết axit dịch vị tiêu hóa thức ăn, dạ dày của bạn còn có chứa các thụ thể đặc biệt đóng vai trò chính trong việc tạo cảm giác no sau khi dùng bữa. Theo đó, stretch receptor sẽ phát hiện sức căng của dạ dày, sau đó gửi tín hiệu trực tiếp về não để báo hiệu cơ thể đã nhận đủ thức ăn và ngừng cảm giác thèm ăn lại.
Những thụ thể này làm việc không dựa trên thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, mà chủ yếu là khối lượng của bữa ăn. Tuy nhiên, cảm giác no do thụ thể mang lại thường không kéo dài.
Nếu bạn thấy mình nhanh đói bụng ngay sau bữa ăn, hãy cân nhắc kết hợp nhiều loại thực phẩm ít calo nhưng với khẩu phần lớn. Những loại thực phẩm này có thể là các loại rau, quả, trái cây tươi, tôm hoặc thịt gà. Ngoài ra, bạn nên uống nước trước hoặc trong quá trình dùng bữa để thúc đẩy cảm giác no lâu hơn.
3. Kháng leptin
Trong nhiều trường hợp, các vấn đề xoay quanh nội tiết tố có thể lý giải vì sao một số người cảm thấy nhanh đói bụng sau khi ăn. Ngoài những nguyên do kể trên thì leptin cũng là một trong số những hormone chính báo hiệu cảm giác no đến não sau khi ăn.
Về bản chất, leptin được hình thành tự nhiên trong cơ thể nhờ các tế bào mỡ. Do vậy mà nồng độ chất này trong máu sẽ có xu hướng tăng cao nếu cơ thể bạn có nhiều chất béo.
Vấn đề mấu chốt là đôi khi leptin lại không đảm nhiệm tốt vai trò của mình, đặc biệt là ở một số đối tượng bị béo phì. Tình trạng này được gọi là kháng leptin. Nhiều người tin rằng kháng leptin là lý do những người béo phì khó ăn ít và giảm cân tốt.
Các chuyên gia giải thích trường hợp này như sau, mặc dù nồng độ trong máu khá cao, nhưng não bộ không nhận ra leptin và nghĩ rằng cơ thể vẫn chưa nhận đủ thức ăn kể cả ngay sau khi đã ăn rất nhiều.
Tình trạng kháng leptin vẫn còn đang là vấn đề gây tranh cãi nhưng theo nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất thường xuyên kèm theo chế độ ăn giảm đường, tăng chất xơ và nghỉ ngơi hợp lý có thể cải thiện tình trạng này.
Những yếu tố thuộc về hành vi và lối sống khiến bạn cảm thấy nhanh đói bụng sau bữa ăn
Bên cạnh những nguyên nhân chính ở trên, một vài yếu tố khác khiến bạn vừa ăn xong đã thấy đói bao gồm:
1. Ảnh hưởng của một số loại thuốc
Cortisol, insulin, clozapine và olanzapine là những thành phần thường bắt gặp trong các loại thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần. Theo đó, các hoạt chất này cũng có thể khiến người dùng cảm thấy đói bụng liên tục. Nếu gặp trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được đổi thuốc hoặc có biện pháp giải quyết phù hợp.
2. Nhanh đói bụng do không tập trung vào bữa ăn
Cuộc sống bận rộn nên đôi khi chúng ta chẳng thể tập trung vào việc ăn uống. Hành động này gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khiến bạn ăn nhiều hơn và thậm chí còn che mờ đi cảm giác cơ thể đã no.
Nghiên cứu trên nhóm phụ nữ được hướng dẫn ăn khi mất tập trung và ăn trong im lặng cho kết quả, nhóm vừa ăn vừa làm chuyện riêng cảm thấy đói bụng nhanh hơn và có khuynh hướng dùng nhiều thức ăn hơn so với nhóm còn lại.
3. Tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh (fast food)
Vấn đề nhanh đói bụng cũng thường xảy ra ở những người hay dùng fast food hoặc các loại thực phẩm như mì ăn liền. Lý do vì những loại thức ăn như vậy chứa khá ít chất xơ nên mau chóng bị tiêu hóa và bạn sẽ sớm thấy đói.
Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhanh đói bụng sau khi ăn. Bạn có thể thử áp dụng những biện pháp khắc phục mà Hello Bacsi đã gợi ý để kiềm hãm cơn thèm ăn của mình. Nếu hiện tượng vừa ăn xong đã thấy đói thường xuyên tái diễn, lời khuyên là bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra vì có thể đó là hệ quả của một bệnh lý nghiêm trọng hơn.