Trẻ nhỏ thường gặp phải các vấn đề về giao tiếp, giọng nói không rõ ràng. Với một số trẻ, những vấn đề này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên nhưng cũng có một số phải nhờ đến các biện pháp trị liệu. Là cha mẹ, điều quan trọng là bạn phải cẩn thận quan sát để phát hiện và điều trị kịp thời các rối loạn ngôn ngữ cho trẻ.
Trẻ em khỏe mạnh thông minh thường phát triển ngôn ngữ rất nhanh. Nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ có ngôn ngữ tốt thường có trí tuệ phát triển. Trên thực tế, có những trẻ lại không phát triển ngôn ngữ bình thường theo độ tuổi. Vì vậy, phải xử lý rối loạn ngôn ngữ ở trẻ như thế nào là câu hỏi được nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
1. Bỏ sót âm vị
Đây là tình trạng mà bé bỏ sót một âm vị đầu hay cuối như “a” thay vì “ba”, “uốn” thay vì “uống”.
2. Thay thế âm vị
Đây là tình trạng bé thay thế một âm vị này bằng một âm vị khác, chẳng hạn như “rồi” biến thành “gồi”.
3. Âm rung lưỡi
Đây là tình trạng mà bé không thể phát âm được âm “r” và “s”, chẳng hạn như cái “gổ” thay vì “rổ”, “xách” thay vì “sách”…
4. Bất thường trong giọng nói
Khi bé nói, không khí sẽ từ phổi đi ra qua mối nối hẹp trung gian của dây thanh đới. Dòng khí qua dây thanh đới sẽ làm dây rung động phát ra âm thanh. Quá trình được gọi là phát âm.
Âm thanh qua dây thanh đới phát ra vô cùng yếu ớt và đơn điệu, nên cần có sự giúp đỡ của khoang cộng hưởng. Xung quanh thanh đới, phần đầu và ngực có nhiều khoảng rỗng lớn nhỏ (khoang cộng hưởng) như khoang yết hầu, khoang cổ họng, khoang miệng, xoang mũi, xoang đầu, khoang ngực… Nếu bé có những bất thường liên quan đến giọng nói thì nhiều khả năng có liên quan đến hai bộ phận này.
- Nếu giọng nói của bé nghe có vẻ khàn hoặc có sự thay đổi ngẫu nhiên trong tông giọng thì bé có khả năng gặp phải các vấn đề liên quan đến quá trình phát âm.
- Nếu nói giọng mũi thì có thể bé đang gặp phải những rối loạn liên quan đến khoang cộng hưởng. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do sự mất cân bằng của năng lượng âm khi giọng nói đi qua các khoang ở cổ họng, mũi hoặc miệng.
5. Nói lắp
Nói lắp là tình trạng mà trẻ cứ lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều âm thanh, từ ngữ, trọng âm, khiến mạch giao tiếp bị gián đoạn. Bạn có thể thấy tình trạng này khi bé mệt mỏi, bị kích động hoặc bị đưa vào những tình huống khó khăn.
6. Chứng mất phối hợp động tác (Apraxia)
Đây là một rối loạn có liên quan đến khiếm khuyết thần kinh ở não bộ. Não của trẻ không đưa ra các tín hiệu đến các cơ vùng miệng để tạo ra lời nói chính xác. Điều này là do sự điều khiển hoặc phối hợp các vận động vùng miệng của não bị rối loạn. Ví dụ, trẻ gặp khó khăn khi kết hợp các âm với nhau, khó khăn khi chuyển từ âm này sang âm khác hoặc trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động của môi, lưỡi, hàm…
Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
- Tổn thương não do tai nạn, đột quỵ hoặc dị tật bẩm sinh.
- Trẻ gặp phải các vấn đề về thính lực cũng có thể dẫn đến chứng rối loạn ngôn ngữ.
- Hở hàm ếch là tình trạng mà trẻ có một khe nứt rộng giữa hai bờ môi. Đây là một dị tật bẩm sinh có thể gây trở ngại cho việc không khí đi qua cổ họng, mũi và miệng.
- Hội chứng Fragile X (FXS) là một rối loạn di truyền gây ra các khuyết tật về phát triển và trí tuệ ở trẻ nhỏ. Bạn có thể thấy các triệu chứng như khuôn mặt bị kéo dài, tai, trán và cằm bị nhô ra; nói lắp.
- Rối loạn bẩm sinh, chẳng hạn như bại não, có thể dẫn đến nói lắp.
- Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ viết và nói.
- Rối loạn ngôn ngữ biểu cảm khiến trẻ khó tìm các từ thích hợp để tạo thành các câu có ý nghĩa.
- Răng mọc không ngay ngắn cũng là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.
Điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
Để điều trị các rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của các phương pháp trị liệu ngôn ngữ. Chuyên gia trị liệu sẽ có một cuộc nói chuyện với bé để xác định các vấn đề mà bé đang gặp phải và lập kế hoạch điều trị. Các phương pháp trị liệu này gồm các bài tập thở, các bài tập bằng giọng nói và các cách thư giãn cơ khi trẻ nói.
Ngăn ngừa rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
Trẻ sẽ học nói bằng cách nghe. Do đó, bạn có thể ngăn ngừa các rối loạn ngôn ngữ ở trẻ bằng cách sử dụng đúng từ và phát âm chính xác để giúp bé nghe và học.
Ngoài ra, việc thường xuyên đọc sách cho bé nghe cũng giúp ích rất nhiều. Những câu chuyện có thể thu hút sự chú ý của trẻ và giúp trẻ học ngôn ngữ nhanh hơn. Khi đọc, hãy chỉ vào các vật mà bạn nói, ví dụ như cây, chó, xe hơi… và nói to, rõ ràng những từ đó. Bạn cũng có thể thường xuyên hát cho trẻ nghe hoặc cho trẻ nghe các bài hát thiếu nhi vui nhộn. Điều này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học nói của trẻ.
Bạn cần phải cảnh giác với các vấn đề liên quan đến giọng nói ở trẻ nhỏ. Đôi khi, giọng nói của trẻ bị khàn hoặc bị nghẹt có thể là do các vấn đề về hô hấp hoặc đơn giản là do trẻ bị nghẹt mũi.
Nếu trẻ nói lắp, khi nói chuyện với trẻ, hãy để mắt của bạn tiếp xúc với mắt trẻ và nói từ từ. Điều này sẽ giúp trẻ bắt chước theo những hành động của bạn. Luôn nở một nụ cười và kiên nhẫn để trẻ bớt căng thẳng. Trẻ nhỏ thường nói lắp do căng thẳng. Vì vậy, bạn hãy cố gắng cho trẻ một không gian thoải mái và yên bình khi ở nhà. Điều này sẽ giúp trẻ giảm bớt sự lo lắng. Bạn cũng có thể đến gặp chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để được giúp đỡ và làm theo hướng dẫn.
Là cha mẹ, bạn có thể giúp trẻ có một cuộc sống tốt hơn bằng cách giúp trẻ vượt qua những rối loạn ngôn ngữ để có được sự tự tin khi giao tiếp. Hãy quan sát trẻ cẩn thận để phát hiện các triệu chứng rối loạn ngôn ngữ kịp thời để có cách điều trị phù hợp.