Viêm xoang ở trẻ em là căn bệnh khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì nó gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có khả năng dẫn đến loạt biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu về bệnh viêm xoang ở trẻ và cách phòng ngừa.
Viêm xoang ở trẻ em là gì?
Xoang là những khoang rỗng trong xương mặt gần quanh mũi. Có 4 loại xoang:
- Xoang sàng: nằm ở phần sống mũi giữa hai mắt. Xoang sàng được hình thành từ lúc trẻ mới sinh và tiếp tục phát triển theo thời gian.
- Xoang hàm: nằm ở khu vực xương gò má. Xoang hàm cũng được hình thành từ lúc trẻ mới sinh và tiếp tục phát triển theo thời gian.
- Xoang trán: nằm ở khu vực trán. Trẻ sơ sinh chưa hình thành xoang trán. Xoang trán không phát triển cho đến khi trẻ 7 tuổi.
- Xoang bướm: nằm ở sâu trong mũi. Xoang bướm không phát triển cho đến tận những năm thiếu niên.
Trong xoang thường có độ ẩm tương đối. Khi các mô lót xoang bị nhiễm trùng, sưng viêm thì người ta gọi là viêm xoang.
Bạn có thể tham khảo thêm: Bệnh viêm xoang hàm là gì?
Cảm lạnh hoặc dị ứng dễ dẫn đến viêm xoang. Viêm xoang là tình trạng phổ biến. Người lớn hay trẻ em cũng đều có thể mắc bệnh này. Viêm xoang có 3 loại:
- Viêm xoang cấp tính: Viêm xoang cấp tính là viêm xoang trong ngắn hạn, kéo dài không quá 12 tuần. Các triệu chứng dần được cải thiện khi áp dụng phương pháp điều trị thích hợp.
- Viêm xoang mạn tính: Viêm xoang mạn tính là viêm xoang kéo dài trên 12 tuần.
- Viêm xoang mạn tính hồi viêm từng đợt: Tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều đợt, thành 3, 4 đợt viêm xoang cấp tính trong một năm.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang ở trẻ em
Khi trẻ mắc bệnh cảm lạnh hoặc dị ứng thì đường mũi và các mô lót xoang bị sưng viêm gây bít tắc, đồng thời tiết ra nhiều chất nhầy. Chất nhầy bị mắc kẹt trong xoang, ứ đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển, gây viêm nhiễm và sinh ra dịch mủ. Dịch mủ đặc tích tụ không thoát ra được khỏi xoang bít tắc, tạo áp lực lên xoang gây đau nhức. Dịch mủ chảy xuống họng cũng dễ khiến người bệnh bị nhiễm trùng ở họng và cảm thấy khó chịu, ho liên miên.
Bạn có thể tham khảo thêm: Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên?
Các triệu chứng viêm xoang ở trẻ em
Có nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh viêm xoang. Một số triệu chứng viêm xoang ở trẻ em bao gồm:
- Triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Sốt nhẹ
Nếu trẻ bị sốt 5-7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng cảm lạnh thì đó là dấu hiệu của viêm xoang hoặc nhiễm trùng ở một vị trí khác như viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm tai. Khi thấy triệu chứng này, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Nhức đầu liên quan đến chứng cảm lạnh ở trẻ nhỏ thường không phải là do viêm xoang, bởi vì các xoang trên trán sẽ chưa phát triển hoàn thiện cho đến khi trẻ đạt khoảng 9-12 tuổi, những năm đầu tuổi thiếu niên.
Các trẻ có nguy cơ cao bị viêm xoang
Nhiễm trùng xoang thường xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh thông thường. Dị ứng cũng dẫn đến viêm xoang vì tình trạng này gây sưng viêm và tăng tiết dịch nhầy. Một số trẻ mắc các yếu tố nguy cơ như sau có khả năng bị viêm xoang cao hơn:
- Cấu trúc giải phẫu của mũi bất thường (u, polyp, lệch vách ngăn mũi)
- Nhiễm trùng răng
- Chấn thương mũi
- Có dị vật trong mũi
- Dị tật bẩm sinh ở vòm miệng (như hở hàm ếch)
- Bị các vấn đề liên quan đến axit dạ dày (bệnh trào ngược dạ dày thực quản)
Chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em
Bác sĩ khi chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em thường sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình. Ngoài ra, khi cần, bác sĩ cũng yêu cầu trẻ thực hiện các bài kiểm tra thể chất, làm một số xét nghiệm như:
- Chụp X-quang xoang: Kết quả kiểm tra X-quang các xoang có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh ở trẻ.
- Chụp CT xoang: Chụp CT cho hình ảnh chi tiết hơn X-quang.
- Nuôi cấy mẫu bệnh phẩm lấy từ xoang: Người ta sẽ quệt một miếng gạc vào trong mũi để lấy mẫu rồi kiểm tra các vi khuẩn trong mẫu. Có thể lấy mẫu đem đi nuôi cấy rồi dùng mẫu nuôi cấy để thực hiện những xét nghiệm khác.
Cách điều trị viêm xoang ở trẻ em
Theo y học phương Tây, để điều trị viêm xoang cho trẻ, người ta thường dùng một số thuốc trị viêm xoang tùy theo từng trường hợp bệnh.
Một số thuốc điều trị viêm xoang cấp tính
- Thuốc kháng sinh: Nếu con bạn bị nhiễm khuẩn dẫn tới viêm xoang thì dùng thuốc kháng sinh sẽ đạt hiệu quả, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Một khi triệu chứng bệnh ở trẻ không thuyên giảm sau 3-5 ngày, bác sĩ thường sẽ đổi sang dùng loại kháng sinh khác.
- Thuốc dị ứng: Nếu trẻ bị dị ứng dẫn tới viêm xoang thì dùng thuốc kháng histamine và các loại thuốc dị ứng khác để làm giảm sưng.
Lưu ý
- Đừng tùy tiện dùng những thuốc xịt trị thông mũi không kê đơn. Tuy chúng có tác dụng tức thời nhưng khi dùng nhiều, dùng lâu sẽ gây phụ thuộc thuốc và khiến bệnh khó điều trị hơn.
- Thuốc kháng sinh và thuốc chống dị ứng có thể được dùng để điều trị viêm xoang hồi phát từng đợt (viễm xoang tái phát nhiều lần).
- Viêm xoang do virus thường tự hết mà không cần điều trị. Thuốc dùng trong trường hợp này đa phần là để giảm triệu chứng. Một số thuốc quen thuộc dùng để giảm đau bao gồm acetaminophen, ibuprofen.
- Do khó xác định nguyên nhân gây viêm xoang là do virus hay vi khuẩn nên một số bác sĩ sẽ không cho trẻ dùng kháng sinh ngay lập tức mà chờ vài ngày xem viêm xoang có tự hết hay không. Cách này giúp tránh dùng kháng sinh một cách không cần thiết vì có những loại kháng sinh có tác dụng phụ không tốt. Ngoài ra, nếu trẻ dùng kháng sinh bừa bãi sẽ dễ bị kháng kháng sinh.
Điều trị viêm xoang mạn tính
- Kháng sinh: Có khi trẻ phải dùng kháng sinh trong thời gian dài. Nhưng kháng sinh chỉ có tác dụng đối với trường hợp bị nhiễm vi khuẩn.
- Corticosteroid dạng hít: Thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ có steroid thường được bác sĩ kê đơn cho trường hợp viêm xoang mạn tính.
- Các loại thuốc khác: Thuốc xịt mũi có tính chất kháng histamine và thuốc thông mũi, dung dịch nước muối dạng xịt hoặc nhỏ giọt, thuốc làm loãng dịch mủ giúp dịch mủ thoát ra ngoài làm sạch xoang.
- Thuốc tiêm: Dùng cho các trường hợp bị ứng hoặc liệu pháp miễn dịch. Nếu trẻ bị dị ứng mũi thì các mũi tiêm giúp giảm phản ứng của trẻ với các chất gây dị ứng như phấn hoa mạt bụi, nấm mốc.
Điều trị viêm xoang mạn tính ngoại khoa
Phẫu thuật cũng là một phương pháp điều trị, nhưng phương pháp này thường không được áp dụng với trẻ em.
Một số phương pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang
- Ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước, làm loãng dịch mủ trong xoang.
- Rửa mũi với dung dịch nước muối sinh lý là một cách an toàn và hiệu quả giúp giữ độ ẩm cho xoang và mũi, làm sạch mũi, giảm đáng kể triệu chứng khó chịu gây ra bởi tình trạng viêm mũi do dị ứng, virus và vi khuẩn.
- Xông mũi họng với tinh dầu. Dùng các tinh dầu như tinh dầu bạch đàn để xông mũi họng được cho là có tác dụng kháng khuẩn, làm thông thoáng đường thở, giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Chườm ấm để giảm đau nhức, thư giãn. Dùng khăn hoặc túi chườm ấm áp nhẹ lên mũi, má, mắt để giảm đau các vùng trên mặt.
Trẻ cần nhập viện điều trị khi có các dấu hiệu sau:
- Cảm lạnh kéo dài quá 7-10 ngày mà không thuyên giảm
- Cảm lạnh chuyển nặng hơn sau 7 ngày xuất hiện triệu chứng
- Dấu hiệu của viêm xoang chuyển biến nặng, bao gồm:
- Đau, căng mắt và ở vùng má
- Sưng quanh mắt
- Sốt
- Triệu chứng cảm tồi tệ hơn dù không rõ ràng
Làm gì để phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em?
Một số thay đổi đơn giản trong lối sống và môi trường sống giúp phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em, giảm nguy cơ mắc bệnh, cụ thể là:
Vệ sinh mũi họng bằng nước muối
Sau khi đi từ bên ngoài trở về nhà hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hãy dùng nước muối sinh lý để xịt hoặc rửa mũi, súc họng cho trẻ nhằm giữ độ ẩm và làm sạch đường hô hấp. Nước muối sinh lý có bán rộng rãi tại các nhà thuốc.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Nếu có điều kiện, dùng máy tạo độ ẩm trong những ngày khô hanh sẽ tránh được việc không khí khô kích thích các xoang, gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần thường xuyên vệ sinh máy tạo độ ẩm để ngăn ngừa nấm mốc phát triển.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm, hải sản…
Không để nước từ bên ngoài lọt vào xoang
Tránh nhảy ùm xuống nước khi đi bơi, tránh để bị sặc nước, bơi lội quá lâu trong hồ bơi. Nước từ môi trường ngoài thường có nhiều vi khuẩn hoặc hóa chất, khi lọt vào trong xoang dễ gây viêm nhiễm.
Giữ tay sạch và đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống
Rửa tay sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là thói quen phụ huynh cần tập cho trẻ. Do chúng ta thường dùng tay cầm nắm đồ vật, bắt tay, dụi mắt… nên tay không sạch thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống cũng giúp trẻ đỡ bị ảnh hưởng của những nhân tố gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp dẫn đến viêm xoang.
Tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp
Do một số bệnh về đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng… có thể dẫn đến viêm xoang nên tiêm ngừa các bệnh này cũng là một cách để phòng ngừa viêm xoang.
Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nơi mầm bệnh dễ lây lan
Nên giữ trẻ tránh tiếp xúc với người bệnh cảm lạnh hoặc người có vấn đề với đường hô hấp trên, tránh những khu vực đông người nơi bệnh dễ dàng lây lan như trường học, bệnh viện, tòa nhà văn phòng, rạp hát, đường phố đông đúc, trung tâm thương mại… Nếu phải tiếp xúc hoặc đến những nơi như vậy thì cần mang khẩu trang. Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học ở nhà, chờ khỏe lại rồi mới đến lớp để tránh lây cho các trẻ khác.