Những cách điều trị bệnh Alzheimer hiện nay có thể giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng để duy trì chất lượng cuộc sống. Không những thế, người chăm sóc cho bệnh nhân cũng sẽ nhẹ bớt phần nào gánh nặng.
Tuy các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer không thể giúp bệnh nhân chữa trị dứt điểm bệnh này nhưng vẫn góp phần giảm nhẹ triệu chứng. Khi kiểm soát được các triệu chứng khó chịu, bệnh nhân Alzheimer có thể duy trì sự thoải mái, độc lập lâu hơn và từ đó giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc.
Các thuốc điều trị bệnh Alzheimer
Cục quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông qua một số loại thuốc có kê toa điều trị bệnh Alzheimer. Hầu hết các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer có tác dụng tốt nhất cho những bệnh nhân ở giai đoạn đầu hoặc giữa.
Cách điều trị Alzheimer nhẹ đến trung bình
Bác sĩ thường kê toa các thuốc kháng cholinesterase cho bệnh nhân mắc Alzheimer nhẹ đến trung bình. Những loại thuốc này có thể giúp người bệnh giảm nhẹ một số triệu chứng và kiểm soát hành vi tốt hơn. Các loại thuốc nhóm này có thể kể đến là:
- Razadyne® (galantamine)
- Exelon® (rivastigmine)
- Aricept® (donepezil)
Một số nghiên cứu đã chỉ ra những thuốc kháng cholinesterase này giúp ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine. Đây là một chất hóa học trong não rất quan trọng đối với khả năng ghi nhớ và suy nghĩ. Tuy nhiên, khi bệnh Alzheimer tiến triển, não sản xuất ngày càng ít acetylcholine. Khi này, các thuốc kháng cholinesterase có thể mất tác dụng.
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào so sánh sự khác biệt giữa các loại thuốc trong nhóm thuốc kháng cholinesterase. Những thuốc này cũng hoạt động khá giống nhau nên việc thay đổi giữa các thuốc trong nhóm có thể không mang lại nhiều khác biệt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân Alzheimer có thể phản ứng tốt hơn với một loại thuốc nào đó.
Cách điều trị bệnh Alzheimer trung bình đến nặng
Đối với bệnh nhân Alzheimer giai đoạn giữa và cuối, bác sĩ có thể kê Namenda® (memantine). Tác dụng chính của loại thuốc này là giúp giảm các triệu chứng bệnh để người bệnh có thể duy trì một số chức năng hàng ngày lâu hơn.
Namenda® có thể giúp điều chỉnh lượng glutamate, một hóa chất quan trọng trong não. Việc này sẽ giúp tránh trường hợp mức glutamate quá cao dẫn đến chết tế bào não. Loại thuốc này hoạt động khác với thuốc kháng cholinesterase nên bác sĩ có thể kê hai loại cùng lúc.
Ngoài ra, FDA cũng đã phê duyệt một số thuốc dùng cho người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối như:
- Aricept®
- Exelon®
- Namzaric®. Loại thuốc này là sự kết hợp của Namenda® và Aricept®.
Thuốc giúp bệnh nhân kiểm soát hành vi
Người bệnh Alzheimer có thể mắc các triệu chứng hành vi phổ biến như mất ngủ, đi lạc, kích động, lo lắng, hung hăng, bồn chồn và trầm cảm. Khi kiểm soát được hành vi của mình, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống và người chăm sóc cũng bớt gánh nặng hơn.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu lý nguyên nhân gây ra các triệu chứng này cũng như đang nghiên cứu các cách chữa trị có dùng hoặc không dùng thuốc. Các loại thuốc giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng trầm cảm, nóng tính, bồn chồn và lo lắng có thể kể đến là:
- Celexa® (citalopram)
- Remeron® (mirtazapine)
- Zoloft® (sertraline)
- Wellbutrin® (bupropion)
- Cymbalta® (duloxetine)
- Tofranil® (imipramine)
Bác sĩ thường chỉ kê toa các loại thuốc giúp người bệnh kiểm soát các vấn đề về hành vi nếu các cách kiểm soát không dùng thuốc khác thất bại.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh Alzheimer
Bác sĩ thường chỉ kê liều nhẹ khi bệnh nhân mới bắt đầu uống những loại thuốc trên và tăng dần liều dựa trên mức độ tiếp nhận thuốc thế nào. Những bệnh nhân bắt đầu dùng thuốc cần được theo dõi cẩn thận vì các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer đều có tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và chán ăn.
Nếu bạn thấy bệnh nhân có triệu chứng bất thường khi uống thuốc điều trị bệnh Alzheimer, hãy báo với bác sĩ kê đơn ngay lập tức.
Người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các thuốc bổ sung vitamin hay thực phẩm chức năng. Ngoài ra, bạn cũng cần cho bác sĩ biết trước khi thêm hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào của người bệnh.
Những loại thuốc cần đặc biệt cẩn thận
Bệnh nhân Alzheimer có thể sẽ cần uống một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống lo âu, thuốc chống co giật và thuốc chống loạn thần. Đây là những loại thuốc có khá nhiều tác dụng phụ nên bạn cần theo dõi cẩn thận.
Thuốc ngủ
Các loại thuốc ngủ bệnh nhân Alzheimer dùng có thể là:
- Ambien® (zolpidem)
- Lunesta® (eszopiclone)
- Sonata® (zaleplon)
Những thuốc này tuy có thể giúp bệnh nhân đi vào giấc ngủ dễ dàng và ngủ ngon giấc nhưng cũng có thể khiến họ thiếu tỉnh táo cũng như hay té ngã.
Thuốc chống lo âu
Một số loại thuốc chống lo âu bệnh nhân có thể dùng là Ativan® (lorazepam) và Klonopin® (clonazepam). Các thuốc này giúp người bệnh bớt kích động nhưng có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, dễ té ngã hay mất tỉnh táo. Bác sĩ thường chỉ kê những thuốc này trong thời gian ngắn.
Thuốc chống co giật
Một số loại thuốc chống co giật thường thấy có thể kể đến là:
- Depakote® (natri valproate)
- Tegretol® (carbamazepine)
- Trileptal® (oxcarbazepine)
Loại thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, chóng mặt, thay đổi tâm trạng và mất tỉnh táo.
Thuốc chống loạn thần
Một số loại thuốc chống loạn thần có thể dùng cho bệnh nhân Alzheimer là:
- Risperdal® (risperidone)
- Seroquel® (quetiapine)
- Zyprexa® (olanzapine)
Nhóm thuốc này có thể giúp người bệnh điều trị hoang tưởng, ảo giác hay kích động. Thế nhưng, thuốc lại có tác dụng phụ rất nghiêm trọng là có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ. Do tác dụng phụ này nên thuốc thường chỉ được kê cho những người mắc bệnh Alzheimer nặng.
Những loại thuốc trên có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên bạn chỉ nên cho người bệnh uống nếu:
– Bác sĩ đã giải thích tất cả các rủi ro và tác dụng phụ của thuốc.
– Bệnh nhân đã thử các cách điều trị không dùng thuốc khác nhưng không cải thiện.
Các cách điều trị bệnh Alzheimer tuy không giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn nhưng có thể giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu như khó ngủ, hay quên, nóng tính… Người bệnh sẽ duy trì được sự độc lập và thoải mái trong cuộc sống hằng ngày, từ đó giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho người chăm sóc.
Như Vũ | HELLO BACSI