Trước đây, khi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính (những bệnh mà bệnh nhân phải chung sống trong thời gian dài ví dụ như ung thư hay tiểu đường), họ thường được bác sĩ khuyên nghỉ ngơi và giảm bớt các hoạt động thể chất so với bình thường. Đây là một lời khuyên tốt nếu vận động nhiều khiến bệnh nhân bị đau, tim đập nhanh hoặc khó thở. NHƯNG những nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc rèn luyện thân thể là an toàn và có thể thực hiện ở những bệnh nhân ung thư, không chỉ vậy việc tập luyện còn cải thiện các chức năng và hoạt động thể chất cũng như chất lượng sống của bệnh nhân.
Nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm giảm các chức năng của cơ thể, làm các cơ bắp của bệnh nhân yếu đi và làm hạn chế các động tác vận động. Vì vậy hiện nay, rất nhiều bác sỹ điều trị ung thư khuyến khích bệnh nhân tham gia vào càng nhiều hoạt động thể chất trong quá trình điều trị ung thư càng tốt. Rất nhiều bệnh nhân đã biết đến lợi ích của việc vận động thể chất sau khi điều trị.
Tập luyện hàng ngày có lợi ích thế nào trong quá trình điều trị ung thư?
- Giữ gìn và cải thiện khả năng hoạt động thể chất (cơ thể thực hiện các hoạt động có linh hoạt và chính xác không)
- Làm tăng khả năng giữ thăng bằng, giảm nguy cơ bị ngã và gãy xương.
- Giữ cho cơ bắp không bị thoái hóa do không vận động trong thời gian dài.
- Làm giảm khả năng mắc bệnh lý về tim mạch
- Giảm nguy cơ loãng xương (những xương yếu hơn sẽ dễ bị gãy hơn)
- Làm tăng lưu thông máu đến chi dưới và giảm khả năng bị cục máu đông.
- Giúp bệnh nhân bớt phải phụ thuộc vào người khác trong các hoạt động thường ngày
- Giúp bệnh nhân tránh được tự ti do không thể hoạt động bình thường
- Làm giảm nguy cơ lo âu và trầm cảm.
- Giúp bệnh nhân bớt chóng mặt.
- Tăng khả năng giao tiếp xã hội
- Làm giảm các triệu chứng mệt mỏi (kiệt sức)
- Giúp kiểm soát cân nặng.
- Tăng chất lượng cuộc sống.
Chúng ta vẫn chưa biết nhiều về tác dụng của luyện tập hoạt động thể chất đối với việc hồi phục sức khỏe của bệnh nhân ung thư và đối với hệ thống miễn dịch. Nhưng luyện tập ở mức độ vừa phải đã được chứng minh có hiệu quả đối với sức khỏe của bệnh nhân ung thư.
Mục đích của chương trình tập luyện
Trong quá trình điều trị
Có rất nhiều lý do để bệnh nhân cần tập thể dục trong quá trình điều trị ung thư, tuy nhiên chương trình tập luyện của mỗi người cần phải an toàn và phù hợp nhất với họ. Quan trọng hơn nữa là bản thân bệnh nhân có thích hoạt động thể lực đó không. Để tạo nên một chương trình tập luyện hoàn hảo, cần cân nhắc đến những bài tập mà bệnh nhân đã quen thực hiện từ trước, khả năng vận động hiện tại và những vấn đề sức khỏe và giới hạn về thể lực mà bệnh nhân hiện có.
Những điều có khả năng ảnh hưởng đến vận động của bệnh nhân, ví dụ như:
- Loại ung thư và giai đoạn ung thư của bệnh nhân
- Liệu trình điều trị của bệnh nhân
- Độ bền, sức mạnh của thể lực và toàn trạng sức khỏe của bệnh nhân
Nếu đã từng tập luyện trước điều trị, thì trong quá trình điều trị bệnh nhân cần phải tập với một lượng bài tập ít hơn bình thường hoặc ở một cường độ nhẹ nhàng hơn. Mục đích của bài tập lúc này là để giữ cho bệnh nhân trở nên năng động, và giữ thân thể khỏe mạnh nhất có thể. Những bệnh nhân có lối sống ít vận động, chưa tập luyện trước khi điều trị ung thư nên bắt đầu với những bài tập ngắn, cường độ nhẹ, ví dụ như bắt đầu với việc đi bộ chậm. Với những bệnh nhân lớn tuổi hơn hay bệnh nhân có ung thư di căn đến xương, hoặc có các triệu chứng loãng xương trước đó, bệnh nhân bị viêm khớp hoặc liệt thần kinh ngoại vi (chân hoặc tay tê bì) cần phải đặc biệt chú ý đến việc giữ an toàn và thăng bằng trong lúc tập luyện để tránh bị ngã hoặc bị thương trong lúc luyện tập. Những bệnh nhân thuộc trường hợp này có thể cần có người giúp đỡ hoặc chuyên viên y tế hỗ trợ nếu muốn tập luyện.
Một vài bệnh nhân có thể bắt đầu tự tập luyện và duy trì được một bài tập thể dục an toàn, nhưng có rất nhiều người sẽ tập luyện hiệu quả hơn nếu được một bác sĩ phục hồi chức năng hoặc chuyên gia về rèn luyện thể chất. Bệnh nhân cần đảm bảo chắc chắn rằng, bác sĩ điều trị ung thư của mình đồng ý với chương trình tập luyện và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về chẩn đoán ung thư và những giới hạn về thể lực của bệnh nhân cho người hướng dẫn/giúp đỡ bệnh nhân tập luyện. Những huấn luyện viên này có thể tìm ra chế độ tập luyện thích hợp và an toàn với bệnh nhân.
Từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình tập luyện, bác sỹ điều trị ung thư cần được biết ý kiến của bệnh nhân về việc chương trình tập có phù hợp với quan tâm, nhu cầu của bệnh nhân không.
Sau điều trị
Khi bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục
Rất nhiều tác dụng phụ của quá trình điều trị sẽ giảm đi sau khi đợt điều trị kết thúc vài tuần, nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài hơn và thậm chí là xuất hiện muộn sau điều trị. Hầu hết các bệnh nhân có thể từ từ tăng dần lượng và cường độ bài tập. Có những bài tập có cường độ nhẹ nhàng hoặc trung bình với một người khỏe mạnh nhưng lại là bài tập có cường độ cao đối với những bệnh nhân ung thư đã qua điều trị. Cần phải nhớ rằng một bài tập có cường độ trung bình được định nghĩa là một hoạt động cần mức vận động tương đương với đi bộ nhanh.
Khi bệnh nhân ở giai đoạn không có bệnh hoặc bệnh ổn định
Trong giai đoạn này, hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc giữ sức khỏe chung và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thậm chí có thể giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống của mình. Có một số bằng chứng đã chứng minh rằng giữ cân nặng ở mức trung bình, ăn đúng cách và tập luyện thể dục thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư thứ hai và các bệnh mãn tính nghiêm trọng khác. Nhiều nghiên cứu khác đang được triển khai để chứng minh những lợi ích này.
Tổ chức Ung Thư Hoa Kỳ khuyên những bệnh nhân đã từng mắc ung thư có thể thực hiện những điều sau:
- Tham gia vào các hoạt động thể chất hàng ngày.
- Tránh ngồi một chỗ không vận động. Quay trở lại các hoạt động thường ngày sớm nhất có thể sau khi nhận được chẩn đoán ung thư
- Tập luyện ít nhất 150 phút mỗi tuần.
- Thực hiện các bài tập rèn luyện sức mạnh tối thiểu là 2 ngày/tuần.
Ngày càng có nhiều các nghiên cứu về ảnh hưởng của việc rèn luyện thể chất đối với nguy cơ tái phát ung thư và tỷ lệ sống thêm nói chung (Tái phát nghĩa là ung thư quay trở lại sau điều trị). Việc tập luyện được chứng minh là có tác dụng tốt lên hệ tim mạch, tăng sức khỏe cho cơ bắp, giữ tỷ lệ cơ thể ở mức cân đối, giảm mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, tăng tự tin và chất lượng sống ở những bệnh nhân ung thư. Có ít nhất 20 nghiên cứu trên những bệnh nhân ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư buồng trứng đã cho thấy rằng những bệnh nhân tích cực hoạt động thể chất sau điều trị có tỷ lệ tái phát do ung thư ít hơn và nhìn chung là có tỷ lệ sống thêm cao hơn so với những bệnh nhân ít hoạt động. Những nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên vẫn cần được tiếp tục thực hiện để chứng minh một cách rõ ràng hơn việc tập luyện ảnh hưởng đến kết quả điều trị như thế nào.
Những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì sau điều trị nên bắt đầu hạn chế những thức ăn và đồ uống nhiều calo, tăng các hoạt động thể chất để giảm cân. Những bệnh nhân mắc ung thư phổi hoặc ung thư đường tiêu hóa có thể gầy và thiếu cân so với bình thường. Họ cần phải tăng cân nặng đến một mức khỏe mạnh hơn, để làm được điều đó, không chỉ dinh dưỡng mà luyện tập cũng rất quan trọng. Cả hai nhóm bệnh nhân trên đều cần ăn thêm các nhóm thực phẩm như rau quả, ngũ cốc nguyên hạt. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì liên quan trực tiếp đến nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư khác nhau. Béo phì cũng làm tăng tỷ lệ tái phát ung thư vú và một số ung thư khác. Tập thể dục là cách duy nhất giúp bệnh nhân có thể đạt đến và duy trì một cân nặng lành mạnh.
Xem thêm các bài viết về Dinh dưỡng trong ung thư người lớnĐối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa
Một số bệnh nhân mặc dù đã ở giai đoạn tiến xa (ung thư lan tràn đến các cơ quan khác hoặc không đáp ứng với điều trị) vẫn có thể tham gia vào các hoạt động để cải thiện thể chất. Tuy nhiên điều này tùy thuộc vào loại ung thư, khả năng vận động, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ung thư hoặc liệu trình điều trị và các bệnh lý kèm theo. Đối với bệnh nhân ở giai đoạn này, bệnh có thể tiến triển rất nhanh và hoạt động thể chất đối với họ còn tùy theo mục đích cá nhân, khả năng, sở thích và lực chọn của mỗi người.
Những điều bệnh nhân ung thư cần lưu ý trong quá trình tập luyện
Trong và ngay sau quá trình điều trị
Bệnh nhân cần phải nhớ luôn luôn nói chuyện với bác sĩ điều trị của mình trước khi bắt đầu tham gia vào bất cứ chương trình tập luyện nào. Đặc biệt là nếu như quá trình điều trị của bệnh nhân có ảnh hưởng đến phổi (ví dụ như thuốc bleomycin hoặc xạ thành ngực), tim (ví dụ như doxorubicin hoặc epirubicin), hoặc bệnh nhân đang có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi hoặc tim. Bệnh nhân cần hiểu rõ mình có thể làm gì và không thể làm gì.
- Trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu. Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ kết quả của mình có đủ ổn định để tập thể dục hay không?
- Không nên tập thể dục nếu bệnh nhân đang bị thiếu máu (thiếu hồng cầu)
- Nếu bệnh nhân có bạch cầu thấp hoặc bệnh nhân đang sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch, cần tránh đến các phòng tập hoặc những nơi công cộng khác cho đến khi bạch cầu trở lại mức bình thường.
- Không được tập luyện khi điện giải của bệnh nhân thấp ví dụ như Natri hoặc Kali trong trường hợp bệnh nhân sau nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều.
- Uống thật đủ nước/dịch ở mức bác sỹ khuyến cáo.
- Không tập luyện nếu như bệnh nhân có những cơn đau không thuyên giảm, nôn mửa hoặc buồn nôn liên tục hoặc có bất cứ triệu chứng nào khiến bệnh nhân lo lắng. Hãy gọi ngay cho bác sĩ điều trị ung thư.
- Đừng bắt đầu những bài tập có cường độ trung bình trở lên nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ điều trị ung thư.
- Nếu như bệnh nhân đang được đặt các loại catheter hay ống sonde cho ăn, cần tránh các địa điểm như bể bơi, hồ bơi hay nước biển hoặc những tiếp xúc có thể gây nhiễm khuẩn khác. Không được vận động các vùng cơ có chứa catheter để tránh làm tắc ống. Hãy nói chuyện với bác sỹ điều trị để biết điều biết tập luyện như thế nào là an toàn.
- Tránh các môi trường kích ứng da, các bệnh nhân đã xạ trị không nên để da vùng điều trị tiếp xúc với chlo trong bể bơi.
- Nếu bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hoặc không muống tập luyện thì có thể bắt đầu luyện tập 10 phút nhẹ nhàng mỗi ngày (Ở phần sau chúng ta sẽ thảo luận kĩ hơn về mệt mỏi và luyện tập khi mệt mỏi)
- Cần tránh xa các bề mặt không bằng phẳng hoặc các bài tập mang vác nặng có thể khiến bệnh nhân ngã và tự tổn thương bản thân.
- Không nên tập tạ quá nặng hoặc tập các bài tập khiến xương của bệnh nhân chịu áp lực quá lớn nếu bệnh nhân bị loãng xương, di căn xương, viêm khớp, tổn thương thần kinh, tầm nhìn kém, thăng bằng kém hoặc yếu mệt. Bệnh nhân rất dễ bị chấn thương hoặc gẫy xương trong các trường hợp này.
- Nếu bệnh nhân cảm thấy tê bì ở bàn chân hoặc có vấn đề về thăng bằng, họ có thể có nguy cơ ngã rất cao. Bệnh nhân nên tập luyện với xe đạp tại chỗ hơn là tập đi xe đạp ngoài thiên nhiên.
- Nếu bệnh nhân có các triệu chứng như sưng khớp, tăng cân không giải thích được, hoặc khó thở khi nghỉ ngơi hoặc tập luyện nhẹ nhàng, cần phải thông báo cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt.
- Cần phải cẩn thận chảy máu, đặc biệt nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông. Cần tránh các hoạt động có nguy cơ làm bệnh nhân ngã hoặc bị thương. Nếu bệnh nhân bị sưng đau ở cơ khớp hoặc chóng mặt nhìn mờ cần phải gọi điện cho bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Những điều cần cân nhắc khi lên kế hoạch luyện tập
Bệnh nhân cần thảo luận kĩ càng với bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu bất cứ bài tập thể lực nào.
- Bắt đầu một cách từ từ. Kể cả khi bệnh nhân chỉ tập luyện vài phút mỗi ngày cũng có tác dụng rất tốt. Những bài tập đơn giản như đi bộ là khởi đầu rất tốt, sau đó tăng dần về tần suất và cường độ. Khi cảm thấy mệt mỏi bệnh nhân nên nghỉ ngơi hoặc giảm dần cường độ.
- Đối với bệnh nhân ung thư, các bài tập ngắn và những phần nghỉ giữa giờ thường xuyên là rất cần thiết. Ví dụ cho bệnh nhân đi bộ nhanh vài phút, đi chậm lại sau đó lại tăng tốc, cho đến khi bệnh nhân đã đi được tổng cộng 30 phút đi bộ nhanh thì dừng lại. Có thể chia ra làm 3 lần đi bộ 10 phút nếu cần thiết, bệnh nhân vẫn có thể nhận được lợi ích như đi bộ 30 phút nhanh liên tục.
- Nên có các bài tập vận động các cơ lớn như là cơ đùi, cơ bụng, cơ ngực và cơ lưng. Sức mạnh, sự dẻo dai và các bài tập aerobic đều là các phần quan trọng của một bài tập luyện hoàn hảo
- Hãy thêm vào các bài tập giúp bệnh nhân tăng sự dẻo dai của cơ và sức mạnh của xương, ví dụ các bài tập với băng kéo hoặc tạ nhẹ.
- Nên có các bài tập tăng sự dẻo dai và tầm hoạt động của các khớp.
- Luôn nhớ khởi động nhẹ nhàng khoảng 2-3 phút trước khi tập luyện. Ví dụ như là lắc vai, giơ tay lên đầu, gõ ngón chân, giậm chân tại chỗ hoặc nâng đầu gối tại chỗ. Hãy kết thúc mỗi chặng tập của mình với các bài tập kéo dãn hoặc liên quan đến sự dẻo dai. Kéo dãn khoảng 15 đến 30 giây sau đó nghỉ ngơi thư giãn, cần chú trọng đến cả nhịp thở. Ví dụ như kéo tay qua đầu, hít thở sâu sau đó gập người chạm vào bàn chân sau đó thư giãn toàn thân.
- Hãy tập luyện trong khả năng của mình. Đừng cố gắng quá sức khi đang điều trị. Quan trọng nhất là bệnh nhân phải lắng nghe thân thể của mình và nghỉ ngơi khi cần thiết.
Ung thư và sự mệt mỏi: khi bệnh nhân quá kiệt sức để tập luyện
Rất nhiều bệnh nhân thấy mình có ít năng lượng hơn bình thường. Trong quá trình xạ trị và hóa trị, nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi kiệt sức. Tình trạng này xảy ra khi cả thân thể và tâm trí của bệnh nhân đều thấy mệt mỏi. Sự mệt mỏi này không được cải thiện khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Đối với rất nhiều người, tình trạng kiệt sức này rất nghiêm trọng và làm hạn chế hoạt động của họ. Nhưng không hoạt động sẽ gây teo cơ và làm mất các chức năng vận động của cơ thể.
Một bài tập aerobic nhẹ nhàng có thể giúp bệnh nhân phá vỡ vòng xoắn bệnh lý này. Trong rất nhiều nghiên cứu, những bài tập luyện thường xuyên làm giảm tình trạng suy kiệt, nó cũng giúp bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động thường ngày mà không gặp các vấn đề lớn. Thậm chí bài tập này còn được bác sĩ chỉ định như một phương pháp điều trị kiệt sức ở các bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân nên thảo luận kĩ với bác sĩ điều trị về vấn đề này.
Những lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân ung thư để giảm mệt mỏi kiệt sức
- Thiết lập thói quen tập luyện hàng ngày khi bệnh nhân có tâm trạng tốt nhất trong ngày.
- Tập thường xuyên các bài tập từ nhẹ đến trung bình,
- Tập luyện ở nơi không khí trong lành.
- Trừ khi bác sỹ điều trị có những hướng dẫn khác, hãy ăn chế độ cân bằng bao gồm protein ( thịt, trứng, sữa và những loại hạt như đậu)
- Uống từ 8 đến 10 cốc nước hàng ngày trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ. Cần uống nhiều nước hơn để đề phòng mất nước nếu bệnh nhân tập các bài tập nặng đổ mồ hôi nhiều hoặc tập luyện trong môi trường nóng bức.
- Chú ý đến các triệu chứng như đau, chóng mặt hay trầm cảm để có xử trí kịp thời và phù hợp.
- Giữ các vật dụng cần sử dụng thường xuyên ở trong tầm với để tiết kiệm năng lượng.
- Tận hưởng những sở thích và hoạt động khiến tâm lý vui vẻ tích cực hơn.
- Sử dụng các phương pháp thư giãn để giảm stress.
- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và tập luyện để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.
- Yêu cầu được giúp đỡ khi cần
Luyện tập một cách hiệu quả.
Để nỗ lực tập luyện có hiệu quả nhất, bệnh nhân cần chú ý nhất đến hoạt động của tim. Trong quá trình tập luyện, bệnh nhân cần chú ý đến nhịp tim, hơi thở của mình, cơ bắp của mình mệt mỏi đến mức độ nào. Nếu bệnh nhân khó thở hoặc rất mệt mỏi, có thể nghỉ ngơi vài giây rồi bắt đầu tập luyện lại khi thấy thích hợp. Khi bệnh nhân bắt đầu tập luyện, mục tiêu là cố gắng tập trong 10 phút mỗi lần. Bắt đầu một cách chậm rãi, sau đó trong vài tuần tiếp theo, tăng thời gian luyện tập lên dần dần. Bệnh nhân cần phải cẩn thận nếu đang sử dụng các thuốc kiểm soát huyết áp và nhịp tim. Nhịp tim có thể không quá nhanh nhưng huyết áp của bệnh nhân có thể tăng lên rất cao. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sỹ nếu như bệnh nhân không nắm rõ về các thuốc điều trị.
Không ai có thể khẳng định chế độ tập luyện như thế nào là tốt nhất cho một bệnh nhân ung thư. Mục tiêu của tập luyện là giúp bệnh nhân giữ được sức mạnh của cơ bắp để làm những việc bệnh nhân cần và muốn làm. Tập luyện càng nhiều, cơ thể của bệnh nhân càng có thể đáp ứng các nhu cầu hoạt động trong ngày một cách tốt hơn. Mặc dù vậy nếu bệnh nhân dừng chế độ tập luyện, họ vẫn có thể giữ cho bản thân vận động thường xuyên bằng cách thực hiện những hoạt động thường ngày nhiều nhất trong khả năng của họ.
Hãy giữ cho việc tập luyện dễ dàng và vui vẻ
Điều cơ bản cần nhớ là giữ cho bài tập của bệnh nhân đơn giản và vui vẻ. Tập luyện phải đi kèm với những phương pháp thư giãn để giảm stress. Giảm stress cho bệnh nhân là một phần quan trọng để bệnh nhân giữ được sức khỏe và hồi phục tốt.
Những lời khuyên giúp bệnh nhân tuân thủ chế độ luyện tập.
- Đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
- Tập trung vào việc tìm kiếm niềm vui trong quá trình luyện tập
- Thử các hình thức tập luyện mới mẻ. Ví dụ yoga, khiêu vũ hay khí công
- Tìm sự trợ giúp từ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp.
- Theo dõi quá trình luyện tập và ghi chép đầy đủ.
- Công nhận và tự thưởng cho những thành tựu tập luyện của bản thân.
Bắt đầu một chương trình luyện tập là một vấn đề lớn, kể cả đối với những người khỏe mạnh. Có thể sẽ khó khăn hơn nhiều nếu bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là nếu bệnh nhân chưa tập luyện bao giờ trước khi mắc bệnh. Hãy bắt đầu một cách nhẹ nhàng và tăng lên khi bệnh nhân sẵn sàng. Nếu bệnh nhân vẫn tập luyện đều đặn trước khi được chẩn đoán ung thư, bệnh nhân có thể cần phải giảm cường độ và thời gian luyện tập so với lúc bình thường.
Hãy để những bài tập mang lại lợi ích thật sự cho bệnh nhân. Hãy nhớ, những lợi ích của rèn luyện thể lực giúp bệnh nhân:
- Giảm nguy cơ teo cơ
- Làm giảm các tác dụng phụ của điều trị
- Cải thiện thể lực và toàn trạng
- Cải thiện chất lượng sống.
Thêm các hoạt động thể chất vào hoạt động thường ngày của bệnh nhân
Sau đây là một số cách để thêm hoạt động thể chất vào sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân ung thư. Hãy nhớ rằng chỉ nên bắt đầu khi bệnh nhân cảm thấy sẵn sàng.
- Đi bộ quanh nhà sau bữa tối
- Đi xe đạp
- Cắt cỏ, quét sân.
- Vệ sinh nhà tắm
- Rửa xe ô tô
- Chơi các trò chơi vận động với trẻ em
- Dắt chó đi dạo, cần cẩn thận để không bị ngã.
- Làm cỏ vườn
- Rủ bạn bè đi khiêu vũ, hoặc khiêu vũ trong phòng khách.
- Tập với máy tập như xe đạp tại chỗ, hoặc squats, chống đẩy, gập bụng ngắn khi đang xem ti vi.
- Đi bộ ra ngoài ăn trưa
- Đỗ xe ô tô tại vị trí xa nhất và đi bộ đến tòa nhà làm việc.
- Đi thang bộ thay vì đi thang máy.
- Xuống xe bus trước một vài điểm và đi bộ đến chỗ làm.
- Đặt lịch mỗi ngày đi bộ trong 10 phút
- Thành lập nhóm đi bộ với đồng nghiệp để giữ tinh thần kiên trì đi bộ mỗi ngày khi đi làm
- Đeo bộ đếm bước hàng ngày và cố gắng tăng số bước chân mỗi ngày.
Những bệnh nhân ung thư cần tập luyện với cường độ nhẹ nhàng hơn và tăng dần với một tốc độ chậm hơn so với những người bình thường khỏe mạnh. Hãy nhớ rằng, mục tiêu là giữ cho họ hoạt động càng nhiều càng tốt. Quan trọng nhất, chế độ tập luyện cần an toàn, vui vẻ, phù hợp với từng người.
Tài liệu tham khảo
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
https://www.cancer.org/treatment/survivorship-during-and-after-treatment/staying-active/physical-activity-and-the-cancer-patient.html