Bệnh u xơ tử cung hiện nay không còn hiếm gặp nữa. Để biết rõ nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng ngừa, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé!
U xơ tử cung là bệnh gì?
U xơ tử cung là tình trạng tăng trưởng một số mô cơ ở tử cung mà không gây ung thư.
U xơ có thể phát triển ở nhiều dạng với nhiều mức độ khác nhau và đang dần phổ biến hơn trước. Ngày nay có đến 70–80% phụ nữ sẽ mắc căn bệnh này khi bắt đầu bước qua độ tuổi 50.
Thuật ngữ y khoa của loại bệnh này là u mềm cơ trơn hoặc u cơ.
Triệu chứng của u xơ tử cung
Áp lực
Chứng bệnh này có thể chỉ gây ra những triệu chứng nhỏ, nhẹ, không quá nghiêm trọng. Với những bệnh nhân cảm nhận được triệu chứng u xơ tử cung, họ sẽ cảm thấy:
- Áp lực đè lên bàng quan hoặc trực tràng
- Đi tiểu thường xuyên
- Táo bón và đau trực tràng
- Đau vùng bụng và lưng dưới.
Nếu u xơ phát triển lớn, sẽ làm dạ dày phồng lên khiến bệnh nhân trông giống như phụ nữ mang thai.
Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi
U xơ sẽ tạo ra một số thay đổi ở chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm:
- Co thắt, đau mức độ từ nhẹ tới nặng
- Ra máu nhiều hơn, thỉnh thoảng xuất hiện máu đông
- Chu kỳ dài hoặc thường xuyên hơn
- Rỉ máu giữa các chu kỳ.
U xơ tử cung và bệnh lạc nội mạc tử cung
Cả 2 căn bệnh này đều tạo ra những cơn đau kinh nguyệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh lạc nội mạc tử cung là hiện tượng các mô từ niêm mạc nội tử cung phát triển ở những khu vực khác của cơ thể – phía ngoài tử cung và bàng quang. Sau đó, các mô này vỡ và ra máu trong chu kỳ kinh nguyệt, để lại các mô sẹo rất đau đớn.
Cơn đau do u xơ tử cung hay lạc nội mạc tử cung đều có thể diễn ra giữa các chu kỳ.
Nguyên nhân gây ra u xơ tử cung
Y học chưa chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây ra u xơ tử cung. Tuy nhiên, sự phát triển của u xơ có liên quan đến hormone ở nữ giới là estrogen và progesterone.
Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ bắt đầu có kinh ở đô tuổi càng nhỏ thì nguy cơ bị u xơ tử cung càng cao. Dù bổ sung nội tiết tố nữ có tác động đến u xơ, thuốc tránh thai thực tế lại không có ảnh hưởng gì.
U xơ tử cung có những loại nào?
- U xơ trong vách: là dạng phổ biến nhất, phát triển ở thành tử cung.
- U xơ lớp dưới thanh mạc: phát triển bên thành ngoài tử cung. Khi u càng lớn sẽ gây ra những cơn đau tương ứng với kích thước hoặc áp lực lên các cơ quan nội tạng gần đó.
- U xơ dưới niêm mạc: phát triển ngay dưới lớp niêm mạc tử cung. U xơ có thể chạm vào trong khoang tử cung, dẫn đến chảy máu nặng và các biến chứng nghiêm trọng hơn.
- U xơ có cuống: nhân xơ có dạng cuống mọc ở bên trong hoặc bên ngoài tử cung.
Một người có khả năng bị nhiều dạng u xơ tử cung khác nhau.
Ai có nguy cơ bị u xơ tử cung?
Tuy chưa biết nguyên nhân gây u xơ là gì nhưng qua nghiên cứu quan sát, các chuyên gia đã đưa ra được kết luận:
- U xơ tử cung thường bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn từ 30 – 40 tuổi
- Nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh này, thì con cháu cũng có khả năng bị cao hơn
- Thừa cân, béo phì và cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Biến chứng u xơ tử cung
Chứng thiếu máu
Một số phụ nữ bị u xơ tử cung thường trải qua những chu kỳ kinh nguyệt ra máu rất nhiều, dẫn đến bị thiếu máu. Nhiều trường hợp thiếu máu là do thiếu sắt trong kỳ kinh, không đáng lo ngại và dễ dàng xử lý được bằng cách thay đổi chế độ ăn và uống thêm viên sắt. Chứng thiếu máu nếu không được chữa trị sẽ dễ gặp các triệu chứng như hoa mắt, ngất xỉu. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các bệnh về tim.
Biến chứng khi mang thai
U xơ tử cung thường không có liên hệ với việc mang thai. Tuy nhiên, một số bệnh nhân u xơ lại thường gặp các biến chứng khi mang thai và nhiều nguy hiểm lúc sinh. Trong một số trường hợp, u xơ có thể làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, phát triển dọc theo nội thành tử cung làm trứng khó thụ tinh. U xơ tử cung có thể đẩy em bé ra sát vùng bụng, dễ dẫn đến sinh non. Bệnh nhân sẽ bị đau xương chậu ra máu rất nhiều sau khi sinh, nặng hơn có thể phải cần đến phẫu thuật.
Khi nào thì cần đến gặp bác sĩ?
Bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu phát hiện mình có những triệu chứng:
- Ra máu nhiều trong kỳ kinh
- Cơn đau kinh nguyệt trở nặng hơn
- Đi tiểu thường xuyên hoặc không thể kiểm soát dòng tiểu
- Thay đổi thời gian kinh nguyệt hơn 3–6 chu kỳ
- Những cơn đau dai dẳng mới hoặc đau nặng ở vùng bụng dưới, xương chậu.
Chẩn đoán u xơ tử cung
Bác sĩ có thể cảm giác được u xơ ở mức trung bình và lớn khi thực hiện kiểm tra xương chậu. Các xét nghiệm, như là siêu âm, có thể cho thấy thông tin về kích thước và vị trí của u xơ.
Đối với bệnh nhân u xơ tử cung đang muốn mang thai có thể thực hiện chụp X-quang buồng tử cung và vòi trứng (HSG). Kiểm tra này cho thấy hình ảnh tử cung, ống dẫn trứng và có thể phát hiện những bất thường khác.
Ngoài ra, những xét nghiệm khác về tử cung và bụng cũng rất cần thiết.
Điều trị u xơ tử cung
Thuốc giảm đau
Các loại thuốc điều trị cơn đau như acetaminophen, thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen có thể hỗ trợ xoa dịu các cơn đau, co thắt kinh nguyệt.
Thuốc tránh thai
Các loại thuốc ngừa thai sẽ làm giảm lượng hormone estrogen và progestin. Điều này có thể giúp giảm cơn đau khi đến kỳ, các cơn đau liên quan đến tử cung, hạn chế co thắt và ra nhiều máu. Ngoài ra, những loại thuốc ngừa thai khác như tiêm progestin hoặc đặt dụng cụ tử cung có progestin để giảm các triệu chứng u xơ.
Liệu pháp nội tiết tố khác
Thuốc bổ sung hormone giải phóng gonadotropin sẽ xoa dịu các triệu chứng u xơ tạm thời bằng cách ngừng chu kỳ kinh nguyệt và thu nhỏ u xơ. Loại thuốc này còn ngăn chặn cơ thể sản sinh estrogen nên dễ dẫn đến nhiều hệ lụy khác như mất xương, thường bị nóng bất chợt hay khô âm đạo. Đồng thời, tình trạng u xơ tử cung sẽ trở về như cũ ngay khi điều trị kết thúc. Liệu pháp này thường được dùng để làm teo u xơ trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
Thuyên tắc mạch máu
Với các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, làm tắc nguồn máu nuôi khối u xơ tử cung là một lựa chọn không tồi. Một ống dò niệu quản sẽ được đặt hướng về động mạch tử cung. Các hạt nhựa hoặc gel li ti được phóng vào mạch máu đang nuôi u xơ, làm chúng co lại theo thời gian. Phương pháp thuyên tắc mạch máu không nên áp dụng cho bệnh nhân đang có ý định mang thai.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ mô tế bào sẽ loại bỏ những khối u lớn nhất. Đây là lựa chọn thích hợp cho bệnh nhân vẫn muốn có con. Ngoài ra còn có phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, một số trường hợp, khả năng rất thấp, bệnh nhân có thể bị ung thư nội mạc tử cung chứ không phải u xơ. Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị không nên áp dụng phương pháp cắt nội soi – cắt nhỏ tử cung trước khi loại bỏ chúng hoàn toàn. Bên cạnh đó, thủ thuật cắt bỏ màng trong tử cung tuy thích hợp để trị các u xơ nhỏ nhưng sẽ làm bệnh nhân mất khả năng mang thai.
Siêu âm
Dùng sóng siêu âm có thể phá hủy u xơ mà không tổn hại đến tử cung. Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm cường độ cao để diệt các tế bào u xơ. Thường thì bệnh nhân áp dụng điều trị theo cách này sẽ hồi phục rất nhanh và có thể hoạt động bình thường sau 24 giờ. Hiệu quả điều trị dài hạn của phương pháp vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn và phụ nữ có ý định mang thai không nên áp dụng điều trị.
Tập thể dục
Các bài tập thông thường có thể hỗ trợ ngăn chặn u xơ. Trong một nghiên cứu, những phụ nữ tập luyện hơn 7 tiếng/tuần sẽ có nguy cơ bị u xơ tử cung thấp hơn đáng kể so với người tập ít hơn 2 tiếng/tuần.
Béo phì cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, hãy tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vừa giảm thiểu nguy cơ lại giúp bạn duy trì được cân nặng khỏe mạnh.
Lưu ý đến chứng thiếu máu
Phụ nữ bị u xơ nếu không bổ sung đủ sắt trong chế độ ăn sẽ dễ dẫn đến thiếu máu vì cơ thể có ít tế bào hồng cầu hơn so với bình thường. Các triệu chứng thường gặp khi thiếu máu bao gồm: khó thở, đau tức ngực và thường chóng mặt, ngất xỉu.
Để cải thiện tình trạng bệnh, bạn có thể bổ sung thêm thực phẩm giàu sắt như thịt, gia cầm, cá, rau lá xanh, cây họ đậu và bánh mì, ngũ cốc bổ sung sắt. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thêm các viên uống sắt nhé!