Rối loạn lưỡng cực ở trẻ nhỏ là một bệnh tâm thần đặc trưng bởi những thay đổi tâm trạng theo chiều hướng mãnh liệt, từ đó ảnh hưởng không ít đến hành vi của bé.
Tất cả trẻ em đều thường xuyên có những thay đổi về tâm trạng và đó là một phần bình thường trong quá trình phát triển của bé. Tuy nhiên, nếu bé có các biểu hiện hưng phấn quá đà rồi đột ngột trở nên trầm lặng liên tục trong thời gian dài thì điều này có thể cho thấy trẻ đang gặp tình trạng rối loạn lưỡng cực.
Dấu hiệu rối loạn lưỡng cực ở trẻ nhỏ
Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực chủ yếu tập trung vào tâm trạng, phản ánh những thay đổi lớn trong hành vi của trẻ, bao gồm sự trộn lẫn giữa trạng thái hưng cảm và trầm cảm, chẳng hạn như:
- Ngủ ít nhưng không cảm thấy mệt mỏi
- Nói rất nhiều thứ một lần
- Dễ dàng bị xao lãng
- Không thường xuyên vui vẻ hoặc trông có vẻ hơi khờ khạo so với tuổi
- Thực hiện các hành động quá liều lĩnh so với độ tuổi, khả năng
- Thường bùng nổ cơn giận dữ
- Vô cớ khóc, buồn, cảm thấy vô vọng
- Không có hứng thú với những việc mình từng thích trước đây
- Ăn không ngon
- Thường hay than phiền bởi những cơn đau đầu và đau dạ dày
- Rối loạn lo âu.
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ nhỏ
Rối loạn lưỡng cực phải được chẩn đoán bởi một chuyên gia y tế sau khi thực hiện các đánh giá cần thiết. Việc đánh giá bao gồm một cuộc phỏng vấn với bố mẹ hoặc những người thường xuyên chăm sóc bé, quan sát cách trẻ hoạt động cũng như gặp trực tiếp để tìm hiểu kỹ hơn.
Ở trẻ nhỏ, các bác sĩ sẽ rất cẩn thận để phân biệt giữa rối loạn lưỡng cực và rối loạn trầm cảm. Trẻ em bị rối loạn trầm cảm phải chịu đựng sự khó chịu và cơn giận dữ bùng nổ đến từ bản thân bé trong một thời gian dài. Còn trẻ bị rối loạn lưỡng cực (hưng cảm và trầm cảm) có lúc bé sẽ biểu hiện quá mức những cảm giác phấn chấn, vui vẻ, hào hứng, có lúc lại rơi vào tình trạng trầm uất, buồn chán, thờ ơ.
Chữa trị rối loạn lưỡng cực ở trẻ nhỏ
Để chữa trị tình trạng rối loạn lưỡng cực ở trẻ nhỏ, bé có thể sẽ cần kết hợp giữa thuốc và liệu pháp tâm lý.
1. Thuốc
Có một số loại thuốc theo toa khác nhau có thể giúp con yêu kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Trẻ em nên được dùng liều thấp nhất và số lượng thuốc ít nhất. Ngoài ra, bé sẽ cần phải thử một vài loại thuốc và liều lượng trước khi tìm ra cách điều trị đúng.
Một điều quan trọng khác bạn cũng nên lưu ý là phải báo cho bác sĩ biết về tác dụng phụ và không bao giờ ngừng dùng thuốc đột ngột bởi hành động này sẽ gây nguy hiểm.
2. Liệu pháp tâm lý
Biện pháp trị liệu tâm lý thường được áp dụng kết hợp với thuốc và không chỉ dành riêng cho trẻ mà cả bố mẹ, vì có thể giúp bố mẹ hiểu về những gì con mình đang trải qua, từ đó hỗ trợ gắn kết con với gia đình.