Hiểu rõ nguyên nhân đau bụng dưới bên phải để trị đúng cách

(4.39) - 59 đánh giá

Đau bụng dưới bên phải ở nam và nữ là triệu chứng xảy ra khá phổ biến. Khi hiểu các nguyên nhân gây ra triệu chứng này, bạn sẽ biết cách điều trị hiệu quả hơn.

Bạn có thể từng bị đau bụng dưới nhưng lại không biết cách phân vùng cụ thể. Cách phân vùng bụng đơn giản nhất là chia thành 4 vùng: phần tư trên phải, phần tư trên trái, phần tư dưới phải và phần tư dưới trái.

Vùng bụng cũng có thể được chia thành 9 vùng, mỗi vùng chứa các bộ phận quan trọng bao gồm:

• Vùng hạ sườn phải: Ruột non, thận phải, túi mật, gan.

• Vùng hạ sườn trái: Tuyến tụy, thận trái, đại tràng, lách.

• Vùng thượng vị: Tuyến thượng thận, lách, tụy, tá tràng, gan, dạ dày.

• Vùng hông phải: Kết tràng phải, gan, túi mật.

• Vùng hông trái: Thận trái, kết tràng xuống.

• Vùng rốn: Tá tràng, hồi tràng, hỗng tràng.

• Vùng hạ vị: Cơ quan sinh sản nữ, đại tràng sigma, bàng quang tiết niệu.

• Vùng hố chậu trái: Đại tràng sigma, kết tràng xuống.

• Vùng hố chậu phải: Ruột thừa, ruột non, manh tràng, buồng trứng phải.

Đau bụng dưới bên phải là đau ở vùng hố chậu phải, do đó nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các vùng như ruột thừa, ruột non, manh tràng, buồng trứng phải. Bạn hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra cơn đau này cùng sự khác biệt của cơn đau ở nam và nữ nhé!

Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải

Các nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải bao gồm:

1. Viêm ruột thừa

Ruột thừa là một phần trong ống tiêu hóa nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Viêm ruột thừa là một nguyên nhân phổ biến của đau đặc biệt ở vùng bụng dưới bên phải.

Tình trạng này thường đòi hỏi cần sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Vì vậy, nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định bạn phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để ngăn ngừa cơ quan này bị vỡ và gây ra các biến chứng khác.

Nếu bạn gặp phải triệu chứng đau bụng dưới bên phải do viêm ruột thừa, bạn không nên dùng thuốc trị táo bón hoặc thuốc nhuận tràng. Những loại thuốc này có thể khiến ruột thừa bị vỡ. Do đó, cách tốt nhất là bạn hãy chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2. Đầy hơi chướng bụng

Tình trạng này thường xảy ra do thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn và đến phần ruột già. Thực phẩm càng khó tiêu, cơ thể bạn sẽ tạo ra nhiều khí hơn. Khi lượng khí tích tụ sẽ gây chướng, đau tức bụng dưới và đầy hơi.

Trường hợp đau bụng dưới bên phải do đầy hơi có thể là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc chứng không dung nạp đường sữa.

3. Thoát vị

Thoát vị là những túi phình của nội tạng hoặc mô bị trồi ra và dịch chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Các túi phình này bị đẩy xuyên qua những chỗ hở hoặc chỗ yếu của cơ. Thoát vị thường xảy ra xung quanh vùng bụng. Thoát vị thường gây đau bụng dưới bên phải, xung quanh túi phình, có thể đau hơn khi ho hoặc nâng một vật nặng.

4. Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận là tình trạng xảy ra do vi khuẩn thường đến từ bàng quang, niệu quản hoặc niệu đạo. Tình trạng nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến một hoặc hai quả thận.

Đau bụng dưới bên phải là triệu chứng phổ biến của tình trạng nhiễm trùng thận, bạn còn có thể đau ở lưng, hai bên hông hoặc háng. Tình trạng nhiễm trùng thận nếu không được điều trị có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn, vì vậy bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện.

5. Sỏi thận

Sỏi thận là sự tích tụ thành một khối cứng của các khoáng chất và muối hình thành bên trong thận. Bạn có thể không có triệu chứng đau cho đến khi sỏi thận bắt đầu di chuyển xung quanh hoặc đi vào ống nối thận và bàng quang.

Khi bị sỏi thận, bạn sẽ cảm thấy đau dữ dội ở lưng, bên hông, bên dưới xương sườn, khắp bụng dưới và vùng háng. Cường độ và vị trí của cơn đau có thể thay đổi khi sỏi thận di chuyển qua đường tiết niệu.

6. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn mãn tính phổ biến ảnh hưởng đến ruột già. IBS có thể gây đau ở vùng bụng dưới cùng với các triệu chứng khác bao gồm:

  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Co thắt dạ dày
  • Đầy hơi, chướng bụng

7. Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột (IBD) là một nhóm các rối loạn tiêu hóa gây ra những thay đổi trong mô ruột và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm ruột là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Cả hai tình trạng mãn tính đều gây viêm trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến triệu chứng đau tức bụng dưới bên phải.

Bệnh viêm ruột có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Bạn nên gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu đau vùng bụng dưới bất thường.

Vùng bụng ở nam giới và nữ giới không giống nhau về mặt giải phẫu, do đó nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải cũng khác biệt.

Phân loại đau bụng dưới bên phải theo giới tính

Đau bụng dưới bên phải ở nam và nữ sẽ có những điểm khác biệt sau đây.

Đau bụng dưới bên phải ở nam giới

Các nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải ở nam giới bao gồm:

• Thoát vị bẹn: Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng yếu khiến cho tình trạng này xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bạn sẽ có cảm giác đau và khó chịu bụng dưới hơn khi ho, nâng vật nặng, tập thể dục…

• Xoắn tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục và xoắn dây tinh trùng, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, dẫn đến đau đột ngột, dữ dội, sưng ở bìu và đau bụng dưới. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Xoắn tinh hoàn thường phải phẫu thuật khẩn cấp.

Đau bụng dưới bên phải ở nữ giới

Một số nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải ở nữ giới thường nghiêm trọng hơn và cần chăm sóc y tế. Cơn đau bụng không chỉ xảy ra ở phía dưới bên phải mà còn có thể phát triển ở bên trái.

• Đau bụng kinh: Đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến có thể xảy ra trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Triệu chứng này thường xuất hiện ở một hoặc cả hai bên của bụng dưới, đó là nơi tử cung đang co thắt để làm bong lớp niêm mạc tử cung khi hiện tượng thụ thai không xảy ra.

Lạc nội mạc tử cung: Đau bụng kinh thường là triệu chứng phổ biến của chu kỳ kinh nguyệt, nhưng đôi khi triệu chứng đau nhói bụng dưới này cũng có thể được gây ra bởi vấn đề tiềm ẩn như lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô phát triển bên ngoài tử cung, máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị tích lại, gây ra chảy máu bên trong và nhiễm trùng.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng gây đau đớn mãn tính đối với nhiều phụ nữ và có khả năng dẫn đến vô sinh. Nếu bạn nghi ngờ lạc nội mạc tử cung là lý do khiến bạn đau bụng dưới bên phải, bạn hãy đi khám bác sĩ, điều trị càng sớm sẽ càng ít biến chứng.

U nang buồng trứng: U nang buồng trứng là túi chứa đầy chất lỏng được tìm thấy bên trên hoặc bên trong buồng trứng. Hầu hết các u nang không gây đau đớn hoặc khó chịu và có thể tự biến mất. Tuy nhiên trong một số trường hợp u nang buồng trứng lớn, đặc biệt là nếu u bị vỡ, có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng do vỡ u nang buồng trứng bao gồm đau âm ỉ hoặc đau nhói bụng dưới, đầy hơi, chướng bụng.

Mang thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra khi trứng được thụ tinh nằm bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong một trong các ống dẫn trứng. Tình trạng này có thể gây đau bụng dưới bên phải và các triệu chứng khác.

Bệnh viêm vùng chậu: Bệnh viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục có thể gây đau nói bụng dưới. Các triệu chứng thường nhẹ và không xảy ra thường xuyên.

Xoắn buồng trứng: Xoắn buồng trứng là tình trạng xảy ra khi buồng trứng hay ống dẫn trứng bị xoắn, cắt đứt nguồn cung cấp máu của cơ quan. Tình trạng có thể gây ra cơn đau bụng dưới nghiêm trọng. Thông thường cách xử lý là phẫu thuật để cắt bỏ buồng trứng.

Cách điều trị đau bụng dưới bên phải

Đau bụng dưới bên phải thường xảy ra do các vấn đề với hệ thống tiêu hóa, hệ tiết niệu hoặc cơ quan sinh sản. Bác sĩ có thể chỉ định một loạt các phương pháp chẩn đoán tình trạng này bao gồm:

  • Siêu âm
  • Quét CT
  • Quét MRI
  • Kiểm tra thể chất
  • Nội soi (Sử dụng một ống có ánh sáng và camera đưa xuống cổ họng và vào dạ dày, tạo ra hình ảnh vùng bụng dưới)
  • Xét nghiệm máu (Phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng nhờ việc theo dõi các chỉ số, chẳng hạn như tăng số lượng bạch cầu)

Phác đồ điều trị đau bụng dưới bên phải sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Người bệnh thông thường sẽ sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để điều trị các nguyên nhân không nghiêm trọng ở vùng bụng dưới bên phải như đầy hơi, chướng bụng… Nếu đau dữ dội, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau đường tiêm tĩnh mạch.

Trường hợp nhiễm trùng, người bệnh sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị theo chỉ định bác sĩ. Người bệnh cần phải phẫu thuật sớm trong những trường hợp đau dữ dội do viêm ruột thừa, mang thai ngoài tử cung hay u nang buồng trứng..

Khi phát hiện triệu chứng đau bụng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Bạn cần tránh tự ý mua thuốc dùng sẽ khiến bệnh nặng hơn và gây ra biến chứng nguy hiểm.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra cơn đau bụng dưới bên phải cũng như sự khác biệt của cơn đau ở nam và nữ. Đây là tình trạng với mức độ nặng nhẹ khó lường, do đó bạn hãy đến gặp bác sĩ sớm để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!

Hoàng Trí | HELLO BACSI

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Hiểu rõ 10 biến chứng sau mổ tuyến giáp để biết cách xử lý

(94)
Việc phẫu thuật tuyến giáp thường ít gặp phải biến chứng, đặc biệt là nếu bạn được một bác sĩ giàu kinh nghiệm điều trị. Tuy nhiên, cũng giống như ... [xem thêm]

6 thói quen nấu ăn có thể làm mất dinh dưỡng của thực phẩm

(38)
Bạn muốn tự nấu ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà? Nếu có những thói quen nấu ăn sai cách thì bao nhiêu công sức của bạn sẽ đổ sông đổ biển ... [xem thêm]

Khắc phục tình trạng rụng tóc dễ dàng như trở bàn tay

(92)
Bạn đang đau đầu với tình trạng rụng tóc? Bạn cảm thấy không tự tin và lo lắng trước nguy cơ hói đầu? Đã đến lúc bạn khắc phục ngay nỗi lo của ... [xem thêm]

Không còn nỗi lo đau lưng, đau cổ với thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng ATM2

(28)
Với bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến thần kinh-cột sống, chứng đau lưng hay đau vai là điều rất thường gặp phải. Thay vì dùng thuốc hay giải pháp ... [xem thêm]

Sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường

(59)
Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 2, nước tiểu sẽ có tính axit cao nên làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường.Tiểu đường là ... [xem thêm]

6 điều xảy ra khi đàn ông lâu ngày không quan hệ

(16)
Đàn ông lâu ngày không quan hệ có thể là lối sống lành mạnh khi còn độc thân, nhưng lại là dấu hiệu rạn nứt khi hai vợ chồng chiến tranh lạnh. Vậy đàn ... [xem thêm]

Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo

(34)
Tên kỹ thuật y tế: Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạoBộ phận cơ thể/mẫu thử: Dịch lỏng và tế bào từ âm đạoTìm hiểu chungXét nghiệm nhiễm khuẩn âm ... [xem thêm]

Cải thiện chất nhầy cổ tử cung giống lòng trắng trứng để dễ thụ thai

(37)
Chất nhầy cổ tử cung được tiết ra bởi các tuyến trong và xung quanh cổ tử cung. Sự thay đổi nội tiết tố trong suốt chu kỳ của phụ nữ làm thay đổi số ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN