Gây mê giúp việc phẫu thuật diễn ra thuận tiện hơn. Với người bình thường, việc gây mê cần nhiều yêu cầu phù hợp với sức khỏe. Vậy còn với phụ nữ mang thai, liệu yêu cầu khi gây mê có khác hay đặc biệt không? Gây mê ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Gây mê trong quá trình mang thai
Phụ nữ mang thai cũng sẽ có lúc nằm trong trường hợp cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật và gây mê khá phức tạp khi mang thai vì phải đảm bảo cả 2 yếu tố giảm đau cũng như an toàn cho mẹ và bé.
Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi gặp vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, chỉ có 0,75–2% phụ nữ mang thai ở Mỹ cần phải thực hiện phẫu thuật khi mang thai.
Khi sử dụng phương pháp gây mê toàn thân, thuốc mê có thể đi qua tử cung và truyền vào cơ thể bé. Vẫn chưa có chứng cứ cụ thể cho thấy thuốc gây mê gây hại cho phụ nữ mang thai, nhưng các thí nghiệm trên động vật cho thấy gây mê có thể ảnh hưởng đến biểu hiện ứng xử của bé sau này. Phương pháp gây mê vùng thường được ưu tiên sử dụng cho phụ nữ mang thai trong quá trình phẫu thuật, nhằm giảm thiểu rủi ro cho hai mẹ con.
Gây mê trong lúc sinh em bé
Gây mê trong lúc sinh tương đối đặc biệt vì bệnh nhân bao gồm mẹ và bé. Dù bạn chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ thì việc chuẩn bị cho phương pháp gây mê cũng rất quan trọng.
Mỗi người mẹ sẽ phải trải qua những cường độ đau khác nhau, vì thế các phương pháp gây mê cũng rất đa dạng. Vì bạn là người hiểu rõ cảm nhận của bản thân nhất nên bạn có thể yêu cầu được gây mê nếu thấy cần thiết.
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ đề nghị chỉ dùng một phương pháp hoặc sử dụng phương pháp kết hợp. Dưới đây là một số phương pháp gây mê thường dùng trong sản khoa.
Gây mê tại chỗ: Có khả năng làm tê một vùng nhỏ trên cơ thể. Phương pháp này giúp bạn thoải mái và đỡ đau hơn.
Gây mê vùng: Có 2 loại được dùng trong sinh sản.
- Gây tê ngoài màng cứng: Đây là phương pháp phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ gọi là ống thông ngoài màng cứng vào lưng bạn. Sau 15 phút, thuốc tê sẽ bắt đầu có tác dụng và làm tê phần cơ thể phía dưới. Bạn có thể sử dụng nhiều thuốc tê hơn nếu cần và vẫn sẽ tỉnh táo khi áp dụng phương pháp này;
- Gây tê tủy sống: Phương pháp này có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với gây tê ngoài màng cứng. Bác sĩ sẽ đưa một cây kim vào phần lưng dưới của bạn. Thuốc tê sẽ có tác dụng ngay lập tức và kéo dài từ 1–1 tiếng rưỡi cho đến 3 tiếng.
Gây mê toàn thân: Với phương pháp này, bạn sẽ bị mất nhận thức, không cảm nhận được mọi vật xung quanh và không thể nhớ được điều gì trong quá trình gây mê. Các chuyên gia chỉ sử dụng phương pháp này trong tình trạng khẩn cấp: sinh mổ hoặc thai phụ bị chảy máu quá nhiều.
Trong một số trường hợp, bạn có thể phải dùng phương pháp gây mê khi mang thai hoặc trong lúc lâm bồn. Những tình huống như thế này, bạn cần nên giữ tinh thần thoải mái và thảo luận kỹ với bác sĩ để lựa chọn phương pháp gây mê phù hợp.