Tên thường gọi: Cẩu tích
Tên gọi khác: Rễ lông cu li, kim mao cẩu tích, cây lông khỉ
Tên khoa học: Ciboticum barometz (L.) J.Sm.
Họ: Lông cu ly (Dicksoniaceae)
Tổng quan về dược liệu cẩu tích
Tìm hiểu chung về cẩu tích
Cẩu tích là một loại quyết thực vật hay dương xỉ, có thân rễ mọc đứng, thường thấp, to, phủ lông mềm màu vàng nâu bên ngoài. Thân rễ sau khi cắt hết lá chỉ còn lớp lông tơ có hình dạng giống con chó con. Lá kép dài 1–2m, chia nhiều lá chét dạng lông chim, cuống lá rất to và cứng, màu nâu và cũng có lông mềm. Cơ quan sinh sản của cây là những túi bào tử có áo màu nâu, mọc ở mặt dưới lá, xếp đều đặn hai bên gân giữa, bên trong đựng nhiều bào tử. Bào tử có hình tam giác hay hơi tròn, sần sùi, màu sáng hay đen nhạt, có cánh.
Ở Việt Nam, cẩu tích phân bố tập trung ở các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn… Tuy nhiên, việc khai thác bừa bài cùng với phá rừng làm nương rẫy đã làm cho vùng phân bố của cẩu tích bị thu hẹp. Cẩu tích đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để lưu ý bảo vệ.
Bộ phận dùng của cẩu tích
Người ta thường dùng thân rễ cẩu tích, thu hái vào mùa hạ hay đông, cạo sạch hết lông và để riêng làm thuốc gọi là lông cu li hay kim mao. Nếu không sử dụng lông, có thể đốt hoặc rang thân rễ với cát nóng cho cháy hết lông rồi ngâm nước, rửa sạch, đồ kỹ cho mềm, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Khi dùng, tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.
Dược liệu cẩu tích thường là những đoạn thân rễ có màu nâu hay nâu hơi hồng, dài từ 4–10cm, mặt ngoài gồ ghề, có chỗ lồi chỗ lõm, xung quanh còn dính ít lông vàng nâu, chất cứng khó cắt và khó bẻ gãy khi khô, có vị đắng ngọt. Cẩu tích dễ bị mốc nên cần bảo quản nơi khô ráo.
Thành phần hóa học trong cẩu tích
Thân rễ cẩu tích có chứa 30% tinh bột. Phần lông cu li chứa tanin và các sắc tố. Đã có một nhà nghiên cứu và phân lập được từ thân rễ cẩu tích nhiều hợp chất và định danh là β-sitostero, axit stearic, daucosterol, axit protocatechuic, axit cafeic.
Tác dụng, công dụng của cẩu tích
Dược liệu cẩu tích có những công dụng gì?
Thân rễ cẩu tích đã được nghiên cứu dược lý và nhận thấy có tác dụng chống viêm, ức chế chủ yếu giai đoạn viêm cấp tính, tác dụng yếu trên giai đoạn mạn tính của phản ứng viêm.
Cẩu tích có vị đắng ngọt, tính âm, có tác dụng bổ can, thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp.
Trong dân gian, thân rễ cẩu tích có tác dụng trị thấp khớp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đau dây thần kinh, đi tiểu nhiều lần ở người lớn tuổi, phụ nữ khí hư bạch đới. Ngoài ra, thân rễ cẩu tích còn chữa đau dây thần kinh hông, chứng tiểu gắt, tiểu són không cầm được hay phụ nữ có thai đau khắp người.
Lông vàng phủ xung quanh thân rễ cẩu tích dùng đắp các vết thương, vết đứt tay chân để cầm máu. Các lông này được cho là sẽ hút phần huyết thanh trong máu và giúp hỗ trợ tạo thành cục máu đông, khiến máu mau đông.
Theo một số tài liệu nước ngoài, thân rễ cẩu tích còn được dùng làm thuốc bổ, thuốc giun và trị đau lưng. Những lông vàng hoặc nâu nhạt phủ quanh thân rễ có tác dụng cầm máu nhanh theo cơ chế cơ học.
Liều dùng của cẩu tích
Liều dùng thông thường của cẩu tích là bao nhiêu?
Người ta thường dùng 10–20g cẩu tích một ngày, dưới dạng thuốc sắc.
Liều dùng của cẩu tích có thể khác nhau đối với mỗi người bệnh. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Một số bài thuốc có cẩu tích
Cẩu tích được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa phong thấp, chân tay tê bại, không muốn cử động:
Cẩu tích 20g, ngưu tất 8g, mộc qua 12g, tang chi 8g, tùng tiết 4g, tục đoạn 8g, đỗ trọng 8g, tần giao 12g, quế chi 4g. Thêm nước 600ml sắc còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
2. Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu:
Cẩu tích 20g, rễ gối hạc 12g, củ mài 20g, rễ cỏ xước 12g, bổ cốt toái 16g, dây đau xương 12g, thỏ ty tử 12g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g. Thêm nước và sắc uống mỗi ngày.
3. Chữa đau nhức ngang lưng:
Cẩu tích 15g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 10g, sinh mễ nhân 12g, mộc qua 6g. Thêm nước 600ml rồi sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Bạn có thể thêm 20ml rượu vào nước sắc khi uống thuốc nếu người bệnh uống được rượu.
4. Chữa thận hư, sống lưng đau mỏi, bạch đới, di tinh:
Cẩu tích 16g, thục địa 12g, đỗ trọng 10g, ô dược, củ súng, dây tơ hồng sao, quả kim anh, mỗi vị 8g. Sắc nước uống.
5. Chữa phong thấp đau nhức khớp xương, tay chân yếu, mỏi hoặc bại liệt co quắp:
Cẩu tích 16g; tục đoạn, cốt toái bổ mỗi vị 12g; độc hoạt 10g, xuyên khung, bạch chỉ lấy đều 4g. Tất cả đem sắc lấy nước uống.
Lưu ý, thận trọng khi sử dụng cẩu tích
Khi dùng cẩu tích, bạn nên lưu ý những gì?
Theo nghiên cứu, dược liệu cẩu tích có độc tính thấp. Tuy nhiên, người bị bệnh thận hư nhiệt, nước tiểu vàng không nên sử dụng dược liệu này.
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng cẩu tích với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của cẩu tích
Chư có đầy đủ thông tin về việc sử dụng cẩu tích trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với cẩu tích
Cẩu tích có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng cẩu tích.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.