Tên thường gọi: Bìm bìm biếc
Tên khác: Khiên ngưu, hắc sửu, bạch sửu
Tên khoa học: Pharbitis nil (L.) Choisy; Pharbitis purpurea (L.) Voigt; Ipomoea hederaceae Jacq
Họ: Bìm bìm (Convolvulaceae)
Tìm hiểu về dược liệu bìm bìm biếc
Tổng quan về dược liệu bìm bìm biếc
Bìm bìm biếc là hạt phơi khô của cây khiên ngưu, còn gọi là khiên ngưu tử (Semen Pharbitidis). Ngoài ra còn có các tên gọi như hắc sửu là chỉ hạt màu đen, bạch sửu là hạt màu trắng hoặc ngà vàng.
Khiên ngưu là một loại dây leo, cuốn, thân mảnh và có điểm nhiều lông hình sao trên thân. Lá có hình tim, xẻ 3 thùy, mặt dưới lá có màu xanh nhạt hơn mặt trên và có lông. Hoa khiên ngưu màu hồng tím hay lam nhạt, lớn và có từ 1–3 hoa ở kẽ lá. Quả nang hình cầu, nhẵn và chứa hạt màu đen hay trắng tùy theo loại.
Cây khiên ngưu mọc hoang nhiều ở nhiều tỉnh nước ta. Ngoài ra, loài cây này còn mọc ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc.
Bộ phận dùng làm thuốc của bìm bìm biếc
Bìm bìm biếc là hạt của cây khiên ngưu nên vào khoảng tháng 7–10 khi quả chín, người dân thu hái quả và đập lấy hạt phơi khô là có thể sử dụng làm thuốc.
Thành phần hóa học trong dược liệu bìm bìm biếc
Trong bìm bìm biếc có những thành phần hóa học nào?
Hạt bìm bìm biếc có chứa 22% pharbitin, 11% chất béo, axit nilic, lysergol, chanoclavin, isopeniclavin, elymoclavin.
Trong đó, pharbitin được cấu tạo bởi các chất sau: axit phacbitic (bản chất là một glucosid), axit tiglic, methyl etylacetic và axit nilic.
Tác dụng của bìm bìm biếc
Dược liệu bìm bìm biếc có tác dụng gì?
Thành phần phacbitin có trong bìm bìm biếc có tác dụng tẩy mạnh, làm tăng sức co bóp của ruột. Bên cạnh đó, hắc sửu và bạch sửu còn có tác dụng trừ diệt giun (trong các thử nghiệm trong ống nghiệm) nhưng vẫn chưa rõ tác dụng diệt giun của nó trong cơ thế động vật như thế nào.
Theo Đông y thì khiên ngưu có vị cay, tính nóng hơi có độc, quy vào 3 kinh phế, thận và đại tràng. Khiên ngưu có tác dụng tả khí phận thấp nhiệt, trục đờm, tiêu ẩm lợi nhị tiện (đại tiểu tiện), dùng làm thuốc chữa tiện bĩ và cước khí, chủ trị hạ khí, lợi tiểu tiện chữa phù thũng, sát trùng.
Thực tế, bìm bìm biếc được sử dụng làm thuốc thông đại và tiểu tiện, thông mật và đôi khi có tác dụng diệt giun. Bìm bìm biếc còn dùng chữa phù thũng cổ trướng, đau bụng giun, hen suyễn có đờm, táo bón.
Liều dùng bìm bìm biếc
Liều dùng thường dùng của bìm bìm biếc là bao nhiêu?
Liều thông thường của bìm bìm biếc là 3–4g/ngày, sắc nước uống. Nếu dùng nhựa khiên ngưu thì mỗi ngày dùng 0,2–0,4g, có thể dùng tới 0,6–1,2g hoặc 1,5g.
Liều lượng sử dụng còn phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Một số bài thuốc dân gian có bìm bìm biếc
1. Chữa phù thũng, đại tiểu tiện không thông:
Hạt bìm bìm biếc nghiền nhỏ thành bột. Mỗi lần uống 3,5g với nước đun sôi để nguội.
2. Chữa đau bụng giun:
Hạt bìm bìm biếc phối hợp với hạt cau, đại hoàng. Mỗi thứ có lượng bằng nhau, nghiền thành bột, mỗi lần uống 2,5–3,5g bột với nước đun sôi để nguội.
Tác dụng phụ của dược liệu bìm bìm biếc
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng bìm bìm biếc?
Chưa thấy có dữ liệu ghi nhận về những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng dược liệu bìm bìm biếc. Nếu bạn có thắc mắc hay gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo với bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền.
Lưu ý/Thận trọng khi sử dụng bìm bìm biếc
Khi dùng bìm bìm biếc bạn nên lưu ý những gì?
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng dược liệu bìm bìm biếc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của bìm bìm biếc như thế nào?
Bạn không nên sử dụng dược liệu này cho phụ nữ có thai vì có thể gây sẩy thai. Lưu ý, cần thận trọng khi dùng bìm bìm biếc cho người ốm yếu.
Tương tác có thể xảy ra với dược liệu bìm bìm biếc
Không nên dùng chung bìm bìm biếc với ba đậu. Để đảm bảo an toàn, bạn hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu này.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.