Dược liệu Bạch Phục Linh có công dụng gì?

(3.84) - 69 đánh giá

Tên thường gọi: Bạch phục linh, phục linh, phục thần

Tên khoa học: Poria cocos Wolf.

Họ: Nấm lỗ (Polyporaceae)

Tên nước ngoài: Poria mushroom, Fu Ling

Tổng quan về dược liệu bạch phục linh

Tìm hiểu chung về bạch phục linh

Phục linh là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông. Phục linh có nghĩa là linh khí của cây thông nấp ở dưới đất. Nếu nấm mọc xung quanh rễ và khi đào lên có rễ thông ở giữa nấm thì được gọi là phục thần, loại này được cho là có tác dụng yên thần phách, chữa sợ hãi, mất ngủ.

Nấm hình khối to, có thể nặng tới 5kg, nấm nhỏ có thể bằng nắm tay. Mặt ngoài màu xám đen, nhăn nheo có khi thành bướu. Cắt ngang sẽ thấy mặt cắt hơi lổn nhổn, khi mặt cắt có màu trắng được gọi là bạch phục linh hoặc màu hồng xám thì có tên là xích phục linh.

Phục linh là loại nấm có thể quả lớn. Vùng phân bố tự nhiên của phục linh trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Ở Việt Nam, có tài liệu cho biết đã tìm thấy phục linh ở các rừng thông thuộc Hà Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Gia Lai nhưng lại không nói rõ mọc ở trên rễ của loài thông nào.

Bộ phận dùng của bạch phục linh

Người ta sử dụng thể quả của nấm, hình dạng thể quả không đều, đường kính có thể đạt 10–30cm hoặc hơn, nằm sâu dưới mặt đất 20–30cm.

Thành phần hóa học trong bạch phục linh

Thành phần trong phục linh gồm 3 loại:

  • Các axit có thành phần hợp chất triterpen: axit pachimic, axit tumolosic, axit eburicoic, axit pinicolic…
  • Đường đặc biệt của phục linh: pachyman trong phục linh có tới 75%.
  • Ngoài ra, còn có ergosterol, cholin, histidin và rất ít men protease.

Tác dụng, công dụng của bạch phục linh

Bạch phục linh mang lại những công dụng gì?

Một số tác dụng dược lý đã được nghiên cứu của bạch phục linh bao gồm:

  • Tác dụng lợi tiểu (thử nghiệm trên thỏ)
  • Chống nôn: hợp chất triterpen từ phục linh có tác dụng chống nôn ở ếch.
  • Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc phục linh có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn Staphylococcus aureus, EnterococcusBacillus subtilis.
  • Tác dụng hướng sinh dục nữ
  • Thử lâm sàng chữa phù, tiêu chảy kéo dài, ung thư…

Trong y học cổ truyền, phục linh có vị ngọt nhạt, tính bình, quy vào kinh tâm, phế,thận, tỳ vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm, an thần.

Phục linh được dùng làm thuốc bổ, chữa suy nhược, chóng mặt, di mộng tinh; lợi tiểu chữa phù thũng, bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, ăn kém; an thần, trấn tĩnh, mất ngủ.

Bạch phục linh, hay còn gọi là bạch linh, ngoài tác dụng lợi thủy trừ thấp còn bổ tỳ vị, chữa bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, kém ăn và làm thuốc bổ toàn thân chữa suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, di mộng tinh. Bạch linh cũng có tác dụng an thần.

Liều dùng của bạch phục linh

Liều dùng của bạch phục linh có thể khác nhau đối với những người bệnh khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Liều dùng thông thường của bạch phục linh là bao nhiêu?

Mỗi ngày có thể dùng từ 4–20g dạng thuốc sắc thuốc bột hoặc thuốc viên. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với những vị thuốc khác.

Một số bài thuốc có bạch phục linh

Bạch phục linh có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa phù thũng:

  • Phục linh 10g, tang bạch bì 10g, mộc thông 5g. Sắc lấy nước chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Phục linh 8g, quế chi 4g, sinh khương 3g, cam thảo 3g. Sắc chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Bạch phục linh, bạch truật, trư linh, mỗi vị 10g; trạch tả 12g; quế chi 4g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 10g, ngày uống 2–3 lần.

2. Chữa suy nhược cơ thể kèm tiêu chảy kéo dài do tỳ hư:

  • Bạch phục linh, bạch truật, đảng sâm, mỗi vị 10g; chích cam thảo 3g, trần bì 5g, bán hạ (chế với gừng) 5g; mộc hương, sa nhân mỗi vị đều 4g. Tất cả tán thành bột mịn trộn với nước gừng làm thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 4–8g tùy độ tuổi.
  • Bạch phục linh, bạch truật, đẳng sâm, hoài sơn, đậu ván trắng sao, hạt sen, ý dĩ, mỗi vị 80g; cát cánh, sa nhân, trần bì, chích cam thảo đều 40g, trộn với nước sắc gừng và táo vừa đủ làm thành viên với hồ bột gạo tẻ. Mỗi lần uống 4–8g, ngày uống 3 lần.

3. Chữa bệnh khớp, phong hàn thấp tí hoặc nhiệt tí:

  • Bạch phục linh 120g; sài hồ 120g; kinh giới, phòng phong, mỗi vị 100g; khương hoạt, độc hoạt, tiền hồ, cát cánh, chỉ xác, xuyên khung, cam thảo, đều 80g. Các vị thuốc đem thái nhỏ, phơi khô, tán bột, rây mịn. Đóng thành gói 10g hoặc 20g. Người lớn dùng mỗi ngày 10g, ngày 2 lần uống với nước đun sôi để nguội trước khi ăn. Trẻ em dùng bằng nửa liều người lớn.

4. Chữa cơ thể suy nhược, mệt mỏi, gầy yếu:

  • Bạch phục linh, nhân sâm, bạch truật lấy lượng bằng nhau 16g; cam thảo 8g. Nếu thay nhân sâm bằng đảng sâm thì lấy lượng gấp đôi (32g). Đem sắc kỹ chia làm 2–3 lần uống trong ngày.
  • Bạch phục linh, mẫu đơn, trạch tả, lấy đều 12g; thục địa hay sinh địa 32g; sơn thù, hoài sơn, mỗi vị 16g. Đem tán bột, làm thành viên uống mỗi ngày từ 20–30g hoặc sắc lấy nước uống (Lục vị hoàn).
  • Bạch phục linh 16g, thục địa 24g, sơn thù 16g, hoài sơn 16g, mẫu đơn 8g, trạch tả 8g, nhục quế 12g, phụ tử 8g. Tất cả tán thành bột rồi làm thành viên tròn, uống mỗi ngày 30–40g hoặc sắc nước uống (Quế phụ bát vị hoàn).
  • Bạch phục linh, bạch truật, mỗi vị 12g; đảng sâm 16g; cam thảo 8g; thục địa 20g; đương quy, bạch thược đều 12g; xuyên khung 8g; hoàng kỳ sao 12g; nhục quế 4–8g. Vo viên với mật ong, mỗi lần dùng 20g, ngày 2 lần (Thập toàn đại bổ).

Lưu ý, thận trọng khi sử dụng bạch phục linh

Khi sử dụng bạch phục linh, bạn nên lưu ý những gì?

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng bạch phục linh với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của dược liệu bạch phục linh

Không có đủ thông tin về việc sử dụng bạch phục linh trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác nào có thể xảy ra với bạch phục linh?

Dược liệu bạch phục linh có thể xảy ra tương tác với một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả, bạn nêu tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền trước khi muốn dùng bạch phục linh.

Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Betaine anhydrous

(86)
Tên thông thường: 2(N,N,N-trimethyl)ammonium-acetate, Betaína Anhidra, Bétaïne Anhydre, Betaine Anhydrous, Bétaïne de Glycine, Bétaïne de Glycocoll, Cystadane, Glycine Betaine, Glycocoll ... [xem thêm]

Mướp đắng

(40)
Tên thông thường: mướp đắng, khổ quaTên khoa học: momordica charantiaTác dụngTác dụng của mướp đắng là gì?Mướp đắng (hay khổ qua) là một loài thực vật ... [xem thêm]

5-HTP

(35)
Tên thường gọi: 2-Amino-3-(5-Hydroxy-1H-Indol-3-yl)Propanoic Acid, 5 Hydroxy-Tryptophan, 5 Hydroxy-Tryptophane, 5-Hydroxytryptophan, 5-Hydroxytryptophane, 5-Hydroxy L-Tryptophan, 5-Hydroxy ... [xem thêm]

Thảo dược hoa long đởm

(34)
Tên thông thường: hoa long đởmTên khoa học: Gentianalutea L. và các họ khác bao gồm Gentianaacaulis L. và Gentianascabra Bunge.Tác dụngTác dụng của thảo dược hoa long ... [xem thêm]

Nấm hương là thảo dược gì?

(44)
Tên thông thường: Champignon Noir, Champignon Parfumé, Champignon Shiitake, Champignons Shiitake, Forest Mushroom, Hongos Shiitake, Hua Gu, Lenticus edodes, Lentin, Lentin des Chênes, Lentin ... [xem thêm]

Osha là thảo dược gì?

(76)
Tên khoa học: Ligusticum porteriTìm hiểu chungOsha dùng để làm gì?Osha được sử dụng để điều trị:Viêm họngViêm phế quảnHoCảm lạnh thông thườngCúmCúm ... [xem thêm]

Cau

(23)
Tìm hiểu chungCau dùng để làm gì?Cây cau là một loại cây được trồng phổ biến ở châu Á và một số vùng châu Phi. Hạt cau có thể được dùng làm ... [xem thêm]

Mexican scammony là thảo dược gì?

(22)
Tìm hiểu chungMexican scammony dùng để làm gì?Mexican scammony là một loại thảo dược, gốc được sử dụng để làm thuốc. Người ta dùng rễ cây mexican scammony ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN